Nhùng nhằng danh hiệu và giải thưởng
Chưa có một cách giải thích chính thức, chính thống nào, nhưng mọi người vẫn ngầm thống nhất với nhau: danh hiệu là sự công nhận, tôn vinh những nghệ sĩ biểu diễn, còn giải thưởng là sự công nhận, tôn vinh những nghệ sĩ sáng tác.
Trong đời sống văn nghệ ở nước ta nhiều năm nay, mỗi khi nói chuyện danh hiệu và giải thưởng cấp nhà nước – cấp địa phương hoặc tổ chức hội đoàn tạm gác sang một bên - theo quan sát của tôi, tức là ta đang nói đến một câu chuyện rất đỗi nhùng nhằng.
Vấn đề không chỉ ở chỗ, như nhiều người vẫn phàn nàn, cơ chế “xin - cho”, thể hiện bằng sự trông ngóng, có khi là thèm khát, ở phía này (nghệ sĩ) và quyền năng ban phát gia ơn ở phía kia (nhà nước), mà còn nằm ở chính cái trật tự bên trong rất khó hiểu của nó.
Hay nói một cách thật cụ thể: danh hiệu, là danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Giải thưởng, là giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Để dễ hình dung hơn, có thể diễn đạt cách khác: giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước là để trao tặng các nhà văn, nhà thơ, nhà viết/ biên kịch, các đạo diễn sân khấu và điện ảnh, các biên đạo múa, các họa sĩ, nhà điêu khắc, các nhạc sĩ, kiến trúc sư và nhiếp ảnh gia.
Còn danh hiệu, chỉ hợp thức khi nó áp vào các chức danh nghề nghiệp mang tính cách biểu diễn, phô diễn một tài năng nào đó, góp phần làm thành tác phẩm nghệ thuật như một chỉnh thể.
Vì thế danh hiệu NSND, NSƯT là để phong cho các diễn viên (điện ảnh, ca, múa, nhạc, kịch, xiếc, múa rối), các nhạc trưởng, nhạc công, các họa sĩ thiết kế mĩ thuật sân khấu và điện ảnh, các quay phim...
Nếu cứ theo trật tự này thì khá là thuận lý. Nhưng éo le thay, trên thực tế lại có những trường hợp được xếp vào “cả hai mâm”.
Tôi lấy ba trong nhiều ví dụ: biên đạo múa Thái Ly, NSND năm 1984, giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996; đạo diễn sân khấu Nguyễn Đình Nghi, NSND năm 1988, giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012; đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh, NSND năm 1993, giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2007.
Đây là ba đại thụ của các ngành múa, sân khấu và điện ảnh Việt Nam, tài năng lớn và những đóng góp lớn của họ thì không cần phải bàn cãi nữa, rất đáng trân trọng.
Có lẽ không một ai trong ê-kíp sáng tạo đủ tư cách như họ để có thể khẳng định cái quyền được-là-tác-giả: tác phẩm múa này, vở diễn này, bộ phim điện ảnh này “là của tôi”. Vì thế họ được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh với tư cách tác giả, là đương nhiên. Còn danh hiệu NSND của họ, thú thực là tôi thấy khó hiểu, vì nó không tương thích: họ chỉ huy, sắp xếp tất cả, nhưng họ ở đằng sau tác phẩm và họ chẳng biểu diễn gì hết. Rất nhiều trường hợp khác cũng như thế.
Nhưng chưa hết, bản thân việc xếp hạng các danh hiệu và giải thưởng cũng có những rắc rối của nó. Ta đều hiểu rằng NSND là danh hiệu loại 1, NSƯT là danh hiệu loại 2. Phải từ loại 2, qua thời gian và sự nỗ lực lao động nghệ thuật với chất lượng cao – phản ánh bằng những huy chương vàng, huy chương bạc được trao trong các liên hoan, hội diễn, cuộc thi chuyên nghiệp - thì người NSƯT, mới có cơ đạt danh hiệu loại 1, tức là trở thành NSND.
Trên thực tế, đây là hành trình khá gian nan và gặp nhiều rủi ro, vì không phải ai, sau khi là NSƯT, cũng tham gia đủ các liên hoan, hội diễn, cuộc thi tiếp đó, hoặc cũng có tác phẩm tốt để biểu diễn và giành được huy chương, “kiếm điểm” cho việc xét danh hiệu NSND. Nên việc nhiều người “chạy” để “kiếm điểm”, và hiện tượng “mưa huy chương” trong các liên hoan, hội diễn, cuộc thi mà thiên hạ kêu ca luôn miệng, một phần bắt nguồn từ chính thực tế này.
Xét cho cùng thì cũng vì háo danh. Mà đã háo danh thì cũng rất dễ trở nên đố kỵ. Bởi thế, không lạ gì cái chuyện hồ sơ xin phong tặng NSND của NSƯT Đỗ Kỷ bị gác lại vì có đơn thư nặc danh khiếu nại, tố cáo.
Tương tự, giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng loại 1, giải thưởng Nhà nước là giải thưởng loại 2, nhưng câu chuyện xếp hạng các giải thưởng lại hơi khác một chút.
Ta nhớ rằng ở những đợt trao giải đầu tiên, với đối tượng là những tác giả hầu hết đã khuất núi, số còn lại đều quá già, không sáng tạo gì nữa, thì mọi việc đều đơn giản: sự nghiệp của họ bày cả ra đấy, trước mắt công chúng và các hội đồng xét duyệt. Ai xứng đáng trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, ai chỉ vừa với giải thưởng Nhà nước, không khó để có quyết định lựa chọn. Nhưng các đợt trao giải sau đấy thì bắt đầu “có chuyện” theo nhiều kiểu.
Ví dụ, có những tác giả chọn mãi mới được vài tác phẩm tốt nhất trong nghiệp sáng tác của mình, và được giải thưởng Nhà nước. Nhưng ở đợt sau, đã thấy tên ông/ bà đó trong danh sách giải thưởng Hồ Chí Minh, tất nhiên là bằng những tác phẩm khác, khác và kém hơn rất nhiều cụm tác phẩm được trao giải thưởng Nhà nước.
Chẳng hạn, trong cùng một đợt trao giải – hàng trăm người – cùng là giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước cả đấy, nhưng giữa người này và người kia, chất lượng, “tầm” tác phẩm có khi vênh nhau đến gây sửng sốt. Chính những điều ấy khiến cho giải thưởng có phần trở nên “mất thiêng”.
Và vì vậy, tôi xin chia sẻ quan điểm của nhà thơ Văn Công Hùng trong bài viết “Từ chuyện nghệ sĩ Đỗ Kỷ” đăng trên nguoiduatin.vn: giải thưởng ở ta tạm đủ rồi, có thể dừng lại một thời gian được rồi.
Còn về chuyện cơ chế “xin – cho”, chuyện nghệ sĩ phải làm đơn để xin danh hiệu, giải thưởng hay nên được trân trọng trao tặng, theo tôi, chúng ta có thể tham khảo việc Hoàng gia Anh phong tặng danh hiệu “Sir”, Chính phủ Pháp trao tặng huân chương “Bắc đẩu bội tinh” cho những người có công lớn với đất nước ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật.
Nguyên tắc ở đây là: đương sự không tự đề cử, tức là không phải làm đơn, việc ấy sẽ do các tổ chức hoặc cá nhân có uy tín chuyên môn thực hiện. Đổi lại, đương sự cũng có quyền nhận, hoặc từ chối những danh hiệu, giải thưởng danh giá ấy để phản ứng một vấn đề hay thể hiện một quan điểm nào đó. Dân chủ trong việc trao và nhận các danh hiệu, giải thưởng là như vậy.