Những "nhà truyền thông y tế" đặc biệt
Họ là những vị bác sĩ, những người vẫn hàng ngày thăm khám, điều trị bệnh nhân.
Họ chưa từng một ngày học về truyền thông hay trực tiếp làm báo, nhưng những thông tin về chăm sóc sức khỏe đăng tải trên trang cá nhân của họ cung cấp nhiều kiến thức hữu ích cho cộng đồng, thu hút lượng lớn độc giả trung thành theo dõi.
Không để người dân "đói" thông tin thật
Nhiều năm trước, như mọi người, BS. Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP. HCM) cũng làm phòng khám tư. Lượng bệnh nhân rất nhiều đồng nghĩa với nguồn thu nhập đáng mơ ước. Ấy vậy mà đột ngột, vị bác sĩ "tóc xoăn" này quyết định bỏ phòng khám, dành thời gian lập fanpage "Hỏi bác sĩ Nhi đồng" để tư vấn cho phụ huynh. "Khi đó tôi không thích làm kinh tế nữa", BS. Khanh thẳng tưng đáp khi được hỏi lý do bỏ phòng khám hoạt động hiệu quả, chọn mạng xã hội là cách chia sẻ thông tin trong khi lượng quảng cáo hạn chế.
Nhưng hơn hết, ông chia sẻ, trong quá trình khám bệnh ông hiểu rằng người dân thiếu thông tin rất nhiều. Nếu khám, tư vấn trực tiếp chỉ nói cho 1-2 người, chỉ 1-2 người biết, trong khi nếu chia sẻ trên mạng xã hội, con số ấy lớn gấp nhiều lần.
Tin giả là một phần của mạng xã hội, tồn tại song song với tin thật. Với mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể trở thành "người đưa tin". Một trong những cách tốt nhất để giảm bớt những tin giả chính là tăng cường sự xuất hiện của tin thật. Và các bác sĩ có uy tín, có chuyên môn chính là "kho tin thật" đáng tin cậy.
Sau 7 năm, fanpage "Hỏi bác sĩ Nhi đồng" của ông thu hút hơn 310.000 người "thích" và gần 330.000 người theo dõi. Còn trên trang cá nhân của ông, lượng người theo dõi lên tới gần 700.000 – một con số đáng mơ ước với không ít nghệ sĩ nổi tiếng. Mỗi "status" (dòng trạng thái) vị bác sĩ hiện là Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP. HCM chia sẻ trên trang cá nhân về bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào cũng thu hút tới hàng chục nghìn lượt "like", bình luận và chia sẻ. Đã có người gọi ông là "KOL bất đắc dĩ".
"Sốt ruột vì người dân cần thông tin thật trong ma trận tin giả trên mạng xã hội" cũng là lý do để BS. Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga - Bộ Quốc phòng) "xắn tay áo", dành một khoảng thời gian trong ngày bận rộn để chia sẻ, tư vấn sức khoẻ cho người dân qua mạng xã hội.
Dù không phải là người sáng lập, nhưng BS. Hoàng là một trong những thành viên tích cực nhất của nhóm "Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà". Đây là nhóm có hơn 272.000 thành viên. Cao điểm dịch COVID-19 tại Hà Nội trong quý 3-4 năm 2021 và quý 1/2022, có những ngày Facebook, Zalo của vị bác sĩ này tiếp nhận lên tới hàng trăm tin nhắn, chưa kể các cuộc gọi đến.
Với BS. Đỗ Tuấn Anh – Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai, mạng xã hội là công cụ hữu ích để truyền tải thông tin nhanh chóng, đồng thời lại rất gần gũi với người dân. Đặc biệt, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát năm 2021, mọi người phải thực hiện giãn cách xã hội, việc tiếp cận với thông tin và dịch vụ chăm sóc y tế bị hạn chế, đẩy mạnh truyền thông kiến thức, khám chữa bệnh online hỗ trợ cho người dân nhanh chóng và rất hiệu quả.
"Đại dịch COVID-19 xuất hiện, tầm ảnh hưởng của mạng xã hội càng thể hiện rõ đồng thời lại có sự nhiễu loạn thông tin, khó để phân biệt tin thật và tin giả" – BS. Đỗ Tuấn Anh nói. Chính vì vậy vị bác sĩ luôn cân nhắc trong việc sử dụng mạng xã hội để phát ngôn cũng như truyền tải thông tin thế nào cho đúng, để người xem tiếp cận được những nguồn thông tin chính xác một cách dễ dàng và nhanh chóng.
BS. Đỗ Tuấn Anh chia sẻ, qua đợt tư vấn online cho các F0 điều trị tại nhà, có rất nhiều bố mẹ tự ý dùng thuốc cho con, tự tăng liều thuốc theo thông tin trên mạng hoặc qua người quen không phải nhân viên y tế. Điều này dẫn đến thực tế, không ít trẻ bị cho dùng quá liều thuốc, đặc biệt thuốc kháng sinh dùng vô tội vạ, rất nguy hại về lâu dài...
"Thực tế đó thôi thúc tôi có những bài viết ngắn gọn trên trang cá nhân hoặc các hội nhóm để truyền thông, nâng cao kiến thức cho người dân và các bậc phụ huynh có con nhỏ" – anh nói.
Nhanh nhạy bắt "trend" điều người dân quan tâm
Với làm báo hiện đại, việc nắm bắt nhu cầu và xu hướng thông tin theo dòng chảy thời sự đóng vai trò tiên quyết cho khả năng thông tin được tiếp cận đúng đối tượng và lan toả rộng rãi. Đây cũng là "kim chỉ nam" cho các bác sĩ, những người lựa chọn mạng xã hội làm kênh chia sẻ, truyền thông giáo dục sức khoẻ.
Sau 51 ngày đêm làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích Bệnh viện dã chiến số 16 tại TP. HCM, BS. Đỗ Anh được chứng kiến và trực tiếp cứu sống, chăm sóc những bệnh nhân COVID-19 nặng. Rất nhiều bệnh nhân gặp khủng hoảng tâm lý, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả phục hồi.
Các phương pháp vật lý trị liệu, tập thở được tiến hành. Các bác sĩ nơi đây được hỗ trợ để tổ chức nhiều chương trình văn hóa giúp người bệnh giải tỏa tâm lý lo âu, căng thẳng. Hiệu quả điều trị được nâng cao rõ rệt, tỉ lệ bệnh nhân nặng giảm dần.
Trở về Hà Nội và tư vấn điều trị F0 tại nhà, bản thân BS. Đỗ Tuấn Anh luôn khuyến khích người bệnh thư giãn bằng cách vận động nhẹ nhàng, tập thở, đọc sách, xem phim... nhưng điều kiện khách quan khó khăn không cho phép.
Rất may, một đồng nghiệp cùng chung ý tưởng đã liên lạc với anh, lập nhóm online hỗ trợ các F0 tập yoga qua phần mềm Zoom. Yoga không chỉ là liệu pháp hỗ trợ tích cực trong điều trị các F0 - những người đã luôn lo lắng, sợ hãi bệnh tật - mà còn giúp người bệnh giảm các triệu chứng khó thở, ho, stress...
2 tuần đầu, lớp yoga chỉ có chưa đến 10 học viên. Sau 1 tháng thử nghiệm, lượng học viên đã tăng lên gấp 5-6 lần. Sau lớp yoga cười, các lớp yoga giãn cơ, yoga kid, lớp học múa, học hát của các F0 nhí vốn là bệnh nhân của BS. Đỗ Anh lần lượt được mở ra. Phản hồi của học viên rất tích cực, các triệu chứng được cải thiện rõ rệt trong thời gian ngắn.
Trong đợt dịch COVID-19 cao điểm bùng phát, BS. Trương Hữu Khanh là một trong nhiều bác sĩ tư vấn chuyên sâu và thường xuyên cho người dân về phòng chống dịch bệnh. Dịch lắng xuống, bác sĩ vẫn tiếp tục công việc truyền thông sức khoẻ cho nhiều địa phương, tổ chức khám chữa bệnh và vẫn miệt mài, đều đặn cập nhật các bài viết "bắt trend" qua từng status. Đó là các bài về bệnh mới nổi như viêm gan "bí ẩn", đậu mùa khỉ; hay các bài viết cảnh báo sớm các loại bệnh "đến hẹn lại lên" như sốt xuất huyết, tay chân miệng...
"Cao điểm trong giai đoạn dịch, có những ngày 600 tin nhắn thường trực trên trang cá nhân hay fanpage, chưa kể các bình luận trên trang về bệnh tật của trẻ nhỏ, người lớn. Tôi cố gắng trả lời hết, chỉ là có lúc sớm, có lúc trễ" – vị bác sĩ nói.
"Những hôm nào quá nhiều câu hỏi cho cùng một chủ đề "nóng" mà không thể trả lời xuể cũng như không thể viết hết được, tôi sẽ livestream trên trang cá nhân" – ông kể. Không cần máy móc phức tạp, đèn chiếu chuyên dụng, chỉ một màn hình máy tính, một chiếc điện thoại và chiếc tai nghe nhỏ, livestream của ông cũng thu hút hàng nghìn người chăm chú theo dõi.
Còn với BS. Nguyễn Huy Hoàng, dù bận rộn công việc của một bác sĩ, anh vẫn dành thời gian chia sẻ thông tin, tư vấn cho người dân. "Các chủ đề, thông tin để truyền thông cho người dân của tôi được chắt lọc từ chính những câu hỏi trực tiếp nhận được từ người thân quen, bạn bè, họ hàng, bệnh nhân. Đấy chính là kênh khảo sát quan trọng về nhu cầu thông tin của người dân". Đơn cử, có đợt tôi được hỏi nhiều về xét nghiệm COVID-19, về thuốc điều trị tại nhà, về các bài tập phục hồi sau khi khỏi bệnh... Còn bây giờ vẫn là những vấn đề muôn thuở như hạ sốt đúng cách, dấu hiệu chuyển nặng của sốt xuất huyết..." - anh nói.
"Những gì tôi chia sẻ đều là những kiến thức thông thường, bác sĩ nào cũng biết, nhưng với người dân lại khác. Họ cần được biết những điều đó. Nếu tư vấn trực tiếp, hay qua điện thoại, qua tin nhắn cho từng bệnh nhân thì chỉ một người biết, còn khi truyền thông qua MXH, kiến thức đó sẽ lan toả đến nhiều người" – BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết.
"Nếu các bài viết nghiên cứu, học thuật cần sự bài bản, chỉn chu trong thông tin thì các chia sẻ về kiến thức thông thường trong chăm sóc sức khoẻ trên mạng xã hội cần ngắn gọn, dễ hiểu, trực diện, mang thông điệp có giá trị là đủ" – BS. Đỗ Tuấn Anh chia sẻ.
Chia sẻ thông tin, kiến thức - chung tay đẩy lùi tin giả
Trước khi tư vấn, truyền thông các vấn đề về chăm sóc sức khoẻ, lượng người theo dõi facebook cá nhân của BS. Hoàng giao động trong khoảng 3.500- 4.000. Nhưng sau đợt cao điểm, con số này tăng gấp 4 – 5 lần. Lượng lớn người theo dõi, tương tác không khiến bản thân anh thấy áp lực, ngược lại chính là động lực để chia sẻ nhiều hơn, có trách nhiệm hơn.
"Với một số vấn đề về sức khoẻ mà người dân quan tâm, tôi tự nhận thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc đưa ra các thông tin chính thống, khoa học, kịp thời để người dân đỡ hoang mang. Làm sao để người dân bớt được thông tin nhiễu loạn chừng nào hay chừng đó" – anh chia sẻ.
Anh lấy ví dụ, lợi dụng sự lo lắng của người dân về các triệu chứng hậu COVID-19, không ít người đưa thông tin sai lệch, thổi phồng giá trị các sản phẩm chỉ để bán hàng. Rồi các gói khám hậu COVID-19, các loại thực phẩm chức năng cũng được tung ra khiến người dân như lạc giữa ma trận. "Tôi thấy sốt ruột thay cho người dân" – anh nói, vì thế anh đã chia sẻ các thông tin hữu ích về các bài tập thở, cách bồi bổ dinh dưỡng, dấu hiệu nên đi khám hậu COVID-19 để người dân hiểu rõ .
Chia sẻ với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, BS. Khanh, BS. Hoàng và BS. Tuấn Anh đều cho rằng, bác sĩ có kiến thức thì nhiều, nhưng không phải ai cũng dấn thân vào việc chia sẻ kiến thức đó, một cách miễn phí. Ngoài bận rộn, đơn giản có thể họ không hoặc chưa khám phá ra kỹ năng truyền thông vốn có, hoặc cho rằng giá trị của việc chia sẻ ấy mang lại không lớn bằng những gì họ làm hàng ngày.
"Tôi vẫn cho rằng càng nhiều bác sĩ truyền tải thông tin chính thống thì càng đẩy lùi thông tin giả" - BS. Khanh nhận định. Còn theo BS. Hoàng, tham gia chia sẻ thông tin hữu ích, giá trị nhận lại được nhiều hơn dù cũng có những ngày 2-3 giờ sáng anh vẫn "post" bài, trả lời tin nhắn, điện thoại của bệnh nhân.
"Sự chia sẻ kiến thức đem lại giá trị lâu dài, giúp ích cho cộng đồng nhiều hơn, là cách để các bác sĩ đấu tranh, đẩy lùi thông tin giả. Vì thực tế chính các thầy thuốc cũng là người đi chữa cháy hậu hoạ của tin giả" - BS. Hoàng nói. Còn BS. Khanh và BS. Tuấn Anh nhắn gửi hi vọng người dân khi đọc bất cứ thông tin gì cần tìm hiểu thấu đáo, kiểm tra ở nhiều nguồn thông tin chính thống, đừng để hoảng loạn rồi làm sai.
Những bác sĩ mà chúng tôi có dịp phỏng vấn trong bài viết không thể ôm xuể nhu cầu của người dân trong dòng chảy thông tin hàng ngày, hàng giờ. Mạng xã hội cần thêm những cánh tay, tiếng nói và chia sẻ của các bác sĩ uy tín. Bởi người dân không chỉ cần được khám chữa bệnh khi cần, họ còn có quyền được tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời.
Theo Võ Thu
Sức khoẻ Đời Sống