Những người ngược dòng ở lại quê

Chia sẻ Facebook
09/04/2022 13:32:30

8h sáng, sau khi cho đứa con gái 4 tháng tuổi uống sữa, chị Kiều nhờ cha mình trông cháu rồi đội nón đi lột tép thuê. Còn chồng chị chạy đi cắt cỏ khi có ai đó gọi làm thuê. Hơn nửa năm qua, họ không phải ở phòng trọ và xa nhà nữa.

Về quê, anh Phát trồng lúa và uốn tầm vông mướn để kiếm thêm thu nhập - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT


Sau hai lần quyết tâm về quê bằng mọi giá khi TP.HCM "mở cửa thời bình thường mới" hồi đầu tháng 10 năm ngoái, vợ chồng chị Ong Thị Bé Kiều chấp nhận bám trụ lại quê nhà Sóc Trăng. Chuyện của họ cũng là của những người không xuôi dòng trở lại nhà máy ở các thành phố lớn, mà đang tìm sinh kế mới ngay tại quê nhà.


Chi tiêu ở quê chỉ bằng hơn nửa chi phí ở thành phố, nên thu nhập thấp cũng tạm cân đối được. Chỉ lo là lâu nay mình quen làm công ăn lương, giờ ra khởi nghiệp có bền nổi không.

Anh TRẦN VĂN THÀNH


Chật vật tìm sinh kế mới ở quê

Chị Kiều và chồng - anh Võ Tấn Lộc (31 tuổi) - được nhiều người biết đến khi họ thấy anh Lộc đạp xe chở vợ mang thai 8 tháng từ phòng trọ ở quận 7 để về quê. Trước đó, họ từng đi bộ về quê, song đi được một đoạn thì lực lượng chức năng bắt gặp, khuyên nhủ quay về nhà trọ và hỗ trợ 1 triệu đồng.

Lần thứ hai được giúp về quê thành công, do không có nhà riêng nên vợ chồng ở nhờ nhà cha mẹ ruột của chị Kiều tại huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Thời điểm đó, chị Kiều sắp sinh nở nên sinh kế dồn vào anh Lộc.

Từ sau Tết tới giờ, khi con gái đã cứng cáp hơn chút, chị Kiều nhận lột tép thuê nhưng cũng bữa đực bữa cái. Không thể lột nhanh nên mỗi ngày người mẹ 29 tuổi này chỉ kiếm được 40.000 - 60.000 đồng. Trong khi đó, anh Lộc vẫn chưa tìm được việc ổn định, ai thuê gì làm nấy, không có thì ở nhà. Hôm nào có việc, anh kiếm được khoảng 200.000 đồng, có người thương tình còn cho thêm.

Tương tự, anh Tín Thiện (quê TP Long Xuyên, An Giang) cũng cho biết không muốn ly hương nữa. Theo dòng người hồi hương từ Đồng Nai về hồi đầu tháng 10-2021, do gần cuối năm không xin đi làm công ty được nên anh nhận giữ xe. Đầu năm nay, anh được nhận vào làm việc tại một xí nghiệp may gần nhà.

Chàng trai 27 tuổi này thất nghiệp từ giữa tháng 7 năm ngoái. Bó gối trong phòng trọ tại TP Biên Hòa, không nhận được tiền trợ cấp từ nơi tạm trú và công ty khiến anh càng chật vật. Sau mấy tháng "trụ hết nổi", anh cùng bạn đi xe máy về quê. Đến đầu tháng 11-2021, khoản trợ cấp tổng cộng 5,8 triệu mới đến tay anh.

Anh Thiện hay tin công ty mà anh vừa rời khỏi đã làm lại và anh nằm trong số bị cắt hợp đồng. "Có lên làm lại thì phải làm công nhân mới, như vậy là tôi mất hết quyền lợi, bị cắt các chế độ của người làm 2 năm nên tôi quyết định ở lại quê tìm việc", anh cho hay. Là con út nên anh Thiện cũng muốn ở lại lập nghiệp và gần gũi, chăm sóc mẹ mình.  "Về quê làm, thu nhập đương nhiên không bằng ở trên đó nhưng chi tiêu ít hơn, đỡ phải tiền trọ", anh nói.

"Với việc hiện tại ở quê, tôi làm từ thứ hai tới thứ bảy, ăn lương theo sản phẩm, tăng ca cũng không có tiền. Thu nhập chỉ 5 - 6 triệu đồng/tháng nhưng cũng đỡ cho mình xoay xở 3 tháng nay", anh Thiện kể.

Anh dự tính chuyển sang một trong hai công ty khác trong tỉnh, khi nơi đó đăng tin tuyển lao động. "Ban đầu tôi định xin vào nhưng họ chưa tuyển người nên làm đỡ chỗ khác để đợi. Họ cũng tính lương theo sản phẩm nhưng có hỗ trợ, lễ lộc được thưởng, tiền chuyên cần 500.000 đồng/tháng, còn chỗ hiện giờ không có.

Tiền sản phẩm làm một đơn hàng cũng cao hơn, làm sản lượng càng nhiều thì mình hưởng càng nhiều. Cuộc sống ở quê như vậy cũng tạm đủ rồi, nên tôi không đi thành phố nữa", anh Thiện chia sẻ và cho biết thêm một vài người quen chọn ở lại quê nhà cùng với sinh kế mới.

Trong khi đó, dù thu nhập chưa ổn định song vợ chồng chị Bé Kiều cũng không có ý định quay lại nơi mà họ đã hai lần "liều mạng" rời khỏi. Khi còn ở thành phố, anh Lộc làm thợ hồ ngày kiếm gần 300.000 đồng, chị Kiều ôm bụng bầu nhặt ve chai. "Mình không có tiền nên đâu bám trụ trên đó lâu dài được. Giờ về đây cũng không khá hơn nhưng mà ở gần cha mẹ, đỡ tốn tiền trọ, mua này kia cũng rẻ hơn ở thành phố", chị trải lòng.

Anh Thiện đang làm công nhân tại một xí nghiệp may ở quê nhà An Giang - Ảnh: NVCC


"Chừng nào khó quá thì đi nữa"

11h một ngày cuối tháng 3, anh Hồ Tấn Phát ngừng làm việc và đi bộ từ vựa tầm vông về nhà ăn cơm. Gần nửa năm hồi hương, vợ chồng anh Phát đã có sinh kế mới tại quê nhà Ba Chúc, Tri Tôn - một huyện miền núi ở An Giang. Trong căn nhà nhỏ mới cất 200 triệu đồng hồi năm ngoái bằng tiền để dành sau 10 năm làm công nhân ở Sài Gòn, anh Phát cho hay từ khi về tới giờ thuê gần 1 mẫu đất để trồng lúa, nửa tháng nay anh nhận uốn tầm vông cho nhà đối diện.

"Uốn tầm vông một ngày từ sáng đến chiều (trưa được về nhà) kiếm khoảng 200.000 đồng, bữa nào làm lúa thì ngưng. Vụ đông xuân mới thu hoạch xong nhưng huề vốn vì tiền lời một công 2 triệu mà tiền mướn một công cũng bằng chừng đó. Tui đang gieo sạ vụ tiếp theo, vụ này mới bắt đầu có lời tại tiền mướn đất đã trả xong ở vụ trước rồi" - anh tâm sự thêm nhiều năm nay chỉ biết đi làm công ty, giờ về quê chưa biết sống quen không vì "ở đây kiếm tiền khó quá".

"Bây giờ ở quê cho mấy đứa nhỏ đi học ổn định, mình ráng làm nhưng mà chừng nào khổ quá chắc phải đi Sài Gòn nữa, chứ không là mắc nợ chết luôn", người đàn ông 31 tuổi chia sẻ.

Không quá xa xôi như anh Phát, vợ chồng anh Trần Văn Thành ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) chỉ cách các khu công nghiệp Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân ngót nghét 50km nhưng hiện họ vẫn đang chọn ở lại mưu sinh tại quê. "Bạn bè tôi lên thành phố đều dễ xin làm lại, nhưng tôi vẫn ở quê. Thử một hai năm gần ba má, không phải ở nhà trọ xem sao, nếu không ổn thì đi tiếp", anh Thành cười kể.

Lý do anh Thành ở lại quê được là nhờ mấy tháng dịch anh thử nuôi ốc bươu trên mảnh ruộng nhỏ của ba má cho. Đợt đầu, sản lượng ốc kém, sang đợt thứ hai đang có vẻ triển vọng hơn. Đã có các thương lái từ TP.HCM "bắn tiếng" sẽ về mua tại ruộng của anh.

"Đi làm công nhân ở thành phố được lương 7 - 8 triệu ổn định nhưng vào hết chi phí sinh hoạt đắt đỏ và tiền nhà trọ. Ở quê mình thu nhập thấp nhưng xài ít hơn" - anh Thành cho biết thêm vợ chồng đang định mở rộng trồng rau nhút và muống nước để đưa ra chợ cùng với ốc bươu. Họ chính thức khởi nghiệp ngay tại quê sau 7 năm làm công, ở trọ xa nhà ...


Khi ổn định hơn, dòng di cư sẽ tiếp tục

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), đợt dịch vừa rồi khiến người lao động đắn đo nhiều chuyện đi hay ở lại quê nhà.

"Đa số lao động hiện đã dần thích ứng, ở TP.HCM mọi hoạt động cũng đã trở lại bình thường nhưng sau đại dịch lại thêm lạm phát làm giá cả và chi phí tiêu dùng tăng cao. Đây là khó khăn trước mắt, người lao động phải tính toán kỹ nhằm đảm bảo nguồn sinh tồn cho mình", ông Lộc nhận định.

Đại dịch ít nhiều đã làm thay đổi chọn lựa việc làm khi có khuynh hướng một số người lao động tìm những công việc gần nhà, một số cân nhắc về mặt chi phí, một số làm việc từ xa.

"Theo tôi, nguyên nhân chính là mức sống ở các thành phố lớn hiện đang gặp áp lực. Trong bối cảnh giá cả tiêu dùng tăng cao thì làm việc ở quê cũng đỡ áp lực hơn là di cư đến TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Một số tỉnh thành cũng đang hình thành các khu công nghiệp cho người lao động có thêm lựa chọn việc làm", ông Lộc nói.

Tuy vậy, ông Lộc cho rằng tình trạng lao động ở lại quê nhà chỉ diễn ra ngắn hạn, chiếm phần không nhiều. Khi tình hình ổn định hơn, dòng di cư sẽ tiếp tục vì TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu luôn hấp dẫn về việc làm và các tiện ích đô thị.

Lãnh đạo TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai mời gọi người dân ở lại khôi phục hoạt động sản xuất. Vì sao nhiều người vẫn quyết khăn gói về quê?

Chia sẻ Facebook