Những người lính trẻ canh giữ biển trời Trường Sa

Chia sẻ Facebook
18/07/2022 16:35:04

Ở nơi muôn trùng sóng gió, có những người lính trẻ đang ngày đêm kề bên nhau canh giữ biển trời, góp thanh xuân để giữ gìn vững chắc thành đồng Tổ quốc trên biển.

Đặt chân đến Trường Sa, tranh thủ những giây phút quý giá, chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện cùng những người lính trẻ ngày đêm ngăn sóng, canh giữ vùng phên giậu của Tổ quốc.

Thành trì trên Biển Đông càng nhân lên trong trái tim chúng tôi niềm tin vững chắc về sức mạnh của người trẻ, luôn xung kích, đi đầu, cống hiến sức mình giữ vững chủ quyền biên cương, biển đảo.

Sức trẻ nơi đầu sóng, ngọn gió: "Bây giờ nắng phải sợ mình"


Từ đảo Cô Lin, trung sĩ Lê Minh Hiếu hướng đôi mắt về phía đảo Gạc Ma đang bị chiếm đóng trái phép. 34 năm trước, 64 người con của đất mẹ Việt Nam kiên cường bám trụ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng đã mãi mãi nằm lại giữa muôn trùng biển khơi để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Nụ cười sau ca gác của trung sĩ Lê Minh Hiếu ở đảo Cô Lin

Giữa biển trời hôm nay, chúng tôi bắt gặp nụ cười rắn rỏi đầy lạc quan của người lính trẻ mang trong mình niềm tự hào tiếp bước cha ông. Mặc cho "nắng bỏng da, mưa rát mặt", họ vẫn hiên ngang giữa trời canh gác nơi đảo xa.

"Đen hết cỡ rồi, bây giờ nắng phải sợ mình, chứ mình không sợ nắng nữa" - chàng lính trẻ tếu táo.

19 tuổi, Hiếu xung phong ra Trường Sa, nhận nhiệm vụ ở đảo Cô Lin. Những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn vì chưa quen với nắng gió Trường Sa, nhưng sau hơn 4 tháng gắn bó ở đảo, chủ động trong công tác huấn luyện, làm chủ vũ khí, trang bị đã giúp anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thế nhưng khó khăn nhất là vượt qua nỗi nhớ nhà, Hiếu thật thà trải lòng "đôi lúc cũng nhớ người lắm".

Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, đến thăm và làm việc cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin

Quê ở Bình Định, là con út trong gia đình nên Hiếu được bố mẹ thương yêu hết mực. Những tháng ngày ở đảo may mắn có các chú, các anh và đồng đội gắn kết, thương yêu, đùm bọc nhau giúp anh vượt qua được khó khăn, vượt qua nỗi nhớ.

Hiếu giãi bày, những lúc buồn đều có anh em đồng đội rủ nhau xem tivi, mở nhạc nghe, mỗi tuần còn được đơn vị tạo điều kiện gọi điện về nhà. Biết tin bố mẹ vẫn khỏe mạnh giúp những người lính trẻ thoải mái trong tư tưởng, an tâm hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

"Tuổi trẻ rất đáng giá vì được thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ bình yên cho đất nước. Ở nhà, bố mẹ tự hào về mình lắm. Qua đây cho tôi gửi lời nhắn về với gia đình: Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Con cũng nhớ bố nữa" - trung sĩ Lê Minh Hiếu gửi lời nhắn từ đảo xa.

Đôi mắt canh giữ biển trời của trung sĩ Lê Văn Tâm ở đảo Núi Le B


Gắn bó với đảo Núi Le B từ đầu năm 2021, trung sĩ Lê Văn Tâm thực hiện nhiệm vụ chỉ huy khẩu đội, bảo vệ, tác chiến khi cần thiết. Mỗi ngày khẩu đội chia thành 3 ca trực, khó khăn nhất phải kể đến ca trực ban trưa trong điều kiện thời tiết nắng gay gắt.

Dù giữa trưa nắng bỏng rát, để chủ động đối phó với các tình huống về phòng không, đảm bảo không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, đôi mắt "canh trời" vẫn hiên ngang hướng thẳng về phía trước.

"Những lúc đó chỉ biết mang theo nước uống, mặc áo dài che tay, đeo khẩu trang" - Tâm "bật mí" bí kíp dưỡng da.

Người chiến sĩ hải quân cho biết, điều quan trọng nhất của một người lính phòng không là tác phong nhanh nhẹn. Sau những giờ công tác, thực hiện nhiệm vụ và tham gia sinh hoạt, bạn đều cố gắng tập thể dục, rèn thể lực thường xuyên nên dù có đứng nắng lâu thì cơ thể cũng không bị mệt mỏi.

Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, và các đại biểu đoàn công tác lắng nghe các chiến sĩ trên đảo Núi Le B biểu diễn văn nghệ vui tươi, sôi nổi

Trung sĩ Tâm quả quyết, thời gian làm nhiệm vụ ở "nắng gió Trường Sa" đã trui rèn cho người lính trẻ khả năng thích ứng với mọi điều kiện thời tiết, rèn sức khỏe dẻo dai đáp ứng được mọi nhiệm vụ được giao.

"Trước lúc đi mẹ dặn dò tôi ráng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ rồi về với mẹ. Tôi xin hứa với mẹ sẽ cố gắng hết sức mình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tôi xin gửi lời nhắn đến mẹ ở đất liền: Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều lắm" - trung sĩ Lê Văn Tâm bày tỏ.


Ở đảo Song Tử Tây, không chỉ có cái tên gây ấn tượng mà làn da đen đều, rám nắng của chàng trai Nguyễn Duy Tiến Tương Lai (25 tuổi, quê Bình Thuận) còn khiến không ít đồng đội "ngưỡng mộ".

Nguyễn Duy Tiến Tương Lai sở hữu làn da rám nắng "đặc sản Trường Sa"

"Thủ trưởng khen suốt, khen mình "ra đây càng ngày càng đen". Ra đây nắng gió thì phải đen chứ, không sá gì đâu" - Lai nở nụ cười khoe hàm răng trắng, mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt dạn dày nắng gió.

Bố mất từ ngày Lai còn nhỏ, là con trai lớn trong nhà, bạn thay mẹ cáng đáng hết mọi việc. Nhà khó khăn quá nên học hết lớp 11, Lai quyết định xin nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Đi nhiều nơi, làm nhiều nghề giúp chàng trai trẻ học hỏi được nhiều thứ, biết lo lắng và thương yêu mẹ và gia đình hơn.

24 tuổi, Lai gác lại công việc mưu sinh, viết đơn tình nguyện ra đảo để được cống hiến một phần sức trẻ, tuổi thanh xuân cho biển đảo quê hương. Mỗi ngày bạn đều nêu quyết tâm cố gắng, chăm chỉ huấn luyện, khắc phục hết mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

"Ở đảo nhiều khi nghĩ đến gia đình, nghĩ đến mẹ nhưng bản thân luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi chỉ mong mẹ luôn giữ sức khỏe, đợi ngày tôi trở về gánh vác thay mẹ" - Lai bày tỏ.


Khi đoàn công tác TP.HCM đặt chân đến đảo Sinh Tồn, binh nhất Trần Minh Huy (24 tuổi, ở TP.HCM) không giấu được nỗi vui mừng được nghe lại giọng nói thân thương của những người con từ thành phố mang tên Bác ra thăm đảo. Tốt nghiệp Trường đại học Công nghệ TP.HCM, tạm gác lại dự định tương lai, Huy tình nguyện xung phong đi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Hơn 5 tháng gắn bó ở đảo, cống hiến sức mình nơi đảo xa, Huy chia sẻ cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì đã đóng góp sức trẻ, nhiệt huyết và tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Binh nhất Trần Minh Huy - người con thành phố mang tên Bác tự hào khoác lên mình màu áo chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam

"Khoác lên mình màu áo chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, tôi thấy rất tự hào là người chiến sĩ hải quân" - binh nhất Trần Minh Huy nói.


Đầu năm 2022, hạ sĩ Nguyễn Hoàng Sơn (25 tuổi, TP.HCM) nhận nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn. Là chiến sĩ tín hiệu, Sơn nhận nhiệm vụ đặc biệt là xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam và báo động phòng không.

Mới đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng Sơn bộc bạch trải qua nhiều sóng gió riết rồi cũng quen với địa hình, khí hậu, môi trường ở nơi này. "Bí quyết" của bạn là mỗi ngày phải luôn cố gắng từng chút, từng chút một, đến nay Sơn đã không còn sợ nắng gió và "buộc nắng gió phải sợ mình".

Hạ sĩ Nguyễn Hoàng Sơn ở đảo Sinh Tồn chia sẻ tuổi trẻ cống hiến cho Trường Sa "đáng giá bằng cả cuộc đời"

Nhìn gương mặt đẫm mồ hôi lấp lánh trong nắng Trường Sa, tôi hỏi Sơn: "Tuổi trẻ của bạn đáng giá bao nhiêu?".

Chàng lính trẻ tự hào đáp lời: "Tuổi trẻ rất đáng giá, đáng giá bằng cả cuộc đời".


Trải qua 2 năm công tác ở đảo, đã quen với sóng gió Trường Sa, trung úy Phạm Ngọc Tuyền (27 tuổi, ở đảo Sinh Tồn) chia sẻ rằng, chính những vất vả, khó khăn đã hun đúc trong anh một tình yêu lớn lao, sẵn sàng cống hiến, giữ gìn bình yên cho từng tấc đất biên cương, từng dặm biển khơi xa của Tổ quốc.

Anh nhớ những ngày còn học ở Trường sĩ quan Lục quân 1, được xem thời sự, phóng sự chiếu những thước phim về lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, về biển đảo quê hương đã nung nấu trong anh ước mơ được ra công tác ở Trường Sa.

Trung úy Phạm Ngọc Tuyền gửi lời nhắn nhớ thương đến người yêu ở đất liền

Những ngày đầu khi anh nhận nhiệm vụ, ở nhà ai cũng nhớ thương và khóc rất nhiều. Nhưng sau các đợt nghỉ phép về thăm nhà, chứng kiến sự trưởng thành của con trai, gia đình đã ủng hộ, tin tưởng và thường xuyên gọi điện động viên để anh cố gắng công tác tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở ngoài đảo.

Dù cuộc sống ở đảo khó khăn, vất vả nhưng trung úy Tuyền nói đó là động lực để cố gắng, là thử thách để trui rèn bản lĩnh, ý chí quyết tâm của người lính. Thế nhưng, giây phút ánh nắng xuyên qua tán bàng vuông, ánh mắt của trung úy trẻ tuổi không giấu được nỗi nhớ thương.

"Cố gắng chờ anh, sẽ có ngày chúng mình đoàn tụ, anh sẽ bù đắp cho em". Ngày đi, lời hứa của người lính hải quân đã kéo khoảng cách xa xôi ngàn trùng lại gần hơn, gieo vào hai trái tim cùng chung "sợi nhớ, sợi thương".

Chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn biểu diễn tiết mục văn nghệ gửi tặng đoàn công tác

Ở đảo chỉ có sóng điện thoại, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, anh đều gọi điện, nhắn tin về động viên người yêu hãy luôn vững tin, chờ đợi ngày anh trở về làm đám cưới.

"Nhi ơi, anh yêu em rất nhiều" - anh Tuyền gửi lời nhắn từ đảo xa đến người thương yêu.

Trung úy Nguyễn Hữu Vũ


Tại đảo Đá Nam, câu chuyện của trung úy Nguyễn Hữu Vũ (27 tuổi, phó chỉ huy trưởng đảo Đá Nam) đã gác lại việc riêng vì việc chung, góp một phần sức trẻ trong công cuộc gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương cũng khiến không ít người cảm phục.

Kết hôn chưa đầy 2 tháng, anh Vũ nhận nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. Sau đó anh xung phong ra đảo, nhận nhiệm vụ công tác ở Trường Sa Đông. Hoàn thành nhiệm vụ trở về chưa được bao lâu, anh tiếp tục nhận công tác ở đảo Đá Nam.

Trung úy Nguyễn Hữu Vũ, phó chỉ huy trưởng đảo Đá Nam

Anh chia sẻ, trong các công việc hằng ngày cũng như tham gia tăng gia sản xuất, anh em đơn vị vừa làm vừa tranh thủ trò chuyện vui vẻ, bày tỏ tâm tư với nhau, thỉnh thoảng pha trò để vơi bớt mệt nhọc, tạo không khí vui tươi trong đơn vị.

"Những ngày đầu mới ra Trường Sa thì nhớ lắm, lúc đó vợ động viên chồng, chồng cũng động viên lại vợ để cùng nhau cố gắng. Tranh thủ thời gian nghỉ là hai vợ chồng gọi điện, động viên nhau để làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ" - chàng trai người Hà Tĩnh giãi bày.


Trong chuyến công tác ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vừa qua, ông Nguyễn Hồ Hải, phó bí thư Thành ủy TP.HCM, bày tỏ bồi hồi xúc động sau 10 năm được ra thăm lại Trường Sa thân yêu.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ, chính tinh thần can trường, hiên ngang, bất khuất của những người lính hải quân đã "động viên ngược lại" các đại biểu trong đoàn công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trước sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ ở đảo xa, ông mong rằng mỗi đại biểu sẽ nêu cao ý thức trách nhiệm hơn trong nhiệm vụ của mình.

Từ trái qua, từ trên xuống: Bà Tô Thị Bích Châu, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, trò chuyện với các chiến sĩ ở đảo Trường Sa. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chụp hình với các em nhỏ và người dân trên đảo Trường Sa dịp tháng 5-2022. Duyệt đội ngũ trên đảo Trường Sa

Ông cho biết, bản thân sẽ cố gắng làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó để góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố xây dựng, hỗ trợ cho Trường Sa thân yêu.

"Vượt lên tất cả là tình cảm sâu sắc giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố với lực lượng hải quân nói chung và cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thân yêu nói riêng" - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nói.

Bài: HÀ THANH - HỒNG VÂN Ảnh: HÀ THANH Thiết kế: MẠNH TÁNH 18-7-2022

Bài: HÀ THANH - HỒNG VÂN Ảnh: HÀ THANH Thiết kế: MẠNH TÁNH

Chia sẻ Facebook