Những người không nên ăn bánh nướng
Bánh Trung thu là thực phẩm không thể thiếu với mỗi gia đình trong dịp tết Trung thu. Tuy nhiên, loại bánh cổ truyền này không thích hợp với tất cả mọi người.
Thành phần dinh dưỡng của bánh Trung thu
Một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170g, cung cấp 566Kcal, 16,3g đạm, 6,6g lipid, 110,2g glucid; 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g cung cấp 648Kcal (năng lượng gấp 2 - 2,5 lần bát phở bò). Còn trong 1 cái bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706Kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid; 1 chiếc bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g cung cấp 648Kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid. Lượng bột đường có trong 1 chiếc bánh dẻo/1 bánh nướng bằng 2 - 3 bát cơm (1 bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.
Người dị ứng nổi mụn
Những người hay bị viêm da, mụn trứng cá và các bệnh về da khác không nên ăn quá nhiều bánh trung thu. Thành phần quá nhiều chất béo có thể làm tăng bài tiết của tuyến bã nhờn, khiến các bệnh lý về da thêm trầm trọng.
Người muốn giảm cân
Bánh trung thu có thành phần chính là bột, đường, bơ, mỡ lợn nên có độ béo và ngọt rất cao, vì thế nếu đang muốn giảm cân thì bạn nên hạn chế hoặc không ăn loại bánh này.
Những người đang bị thừa cân, béo phì cũng không nên ăn bánh trung thu. Được biết, trung bình một chiếc bánh tròn cỡ 10x4 cm cung cấp 800-1.200 calo (càng nhiều lòng đỏ trứng, năng lượng càng cao), 5-12 g protein, 60-90 g cacbohydrat và 30-45 g chất béo.
Người có hệ tiêu hóa kém
Những người có khả năng tiêu hóa và hấp thụ kém không nên ăn quá nhiều bánh trung thu vì việc này có thể tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, gây khó tiêu, tiêu chảy và các bệnh liên quan khác.
Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng cần lưu ý vì bánh trung thu thúc đẩy quá trình bài tiết axit do cơ thể cần tiết ra nhiều axit mới có thể tiêu hóa hết lượng chất béo trong bánh trung thu đã nạp vào. Lượng axit này sẽ làm tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng trở nên tệ hơn.
Người mắc bệnh tiểu đường
Thực đơn ăn uống kiểm soát lượng đường trong máu là điều quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường. Lượng đường và chất béo trong bánh trung thu rất cao, nếu ăn quá nhiều sẽ khiến lượng đường trong máu tăng lên, lượng chất béo hấp thu vào cơ thể cũng quá nhiều. Việc này khiến bệnh càng thêm nặng và khó khăn trong việc điều trị.
Người bị bệnh tim mạch, huyết áp, mỡ máu
Bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, cholesterol cao và những bệnh khác liên quan đến tim mạch và mỡ trong máu không nên dùng bánh trung thu. Sở dĩ như vậy là vì các loại bánh quá ngọt hay có các loại hạt khi ăn nhiều sẽ làm cản trở việc lưu thông máu, làm chậm chức năng hoạt động của tim, thận.
Với người đang điều trị mỡ máu, bánh trung thu không phải món ăn thích hợp do đường và chất béo trong bánh có thể làm tăng mức độ thiếu máu cục bộ cơ tim, thậm chí gây nhồi máu cơ tim.
Trứng muối có trong nhân bánh trung thu thường chứa lượng cholesterol lên tới 600 – 1.500mg, vượt qua mức 400 mg hàng ngày được khuyến nghị cho những người bị tăng huyết áp, mỡ máu và tim mạch vành, gây nhồi máu cơ tim.
Ăn nhiều bánh trung thu có thể làm các biểu hiện bệnh thêm trầm trọng. Ngoài ra, các nhân bánh mặn cũng là tiềm ẩn mối nguy hiểm với bệnh nhân mắc bệnh hoặc có tiền sử bệnh cao huyết áp.
Người bị sỏi mật, túi mật
Khi ăn quá nhiều bánh trung thu, bệnh nhân sỏi mật, túi mật có thể bị viêm tụy cấp tính, thậm chí có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. do đó, người bị sỏi mật, túi mật nên cố gắng không ăn bánh trung thu.
Trúc Chi (t/h)