Những người dưng hơn cả ruột thịt: Từ cô giữ trẻ trở thành người thân

Chia sẻ Facebook
25/08/2022 13:32:29

Từ người trông trẻ trở thành người bà, người mẹ của những đứa trẻ bị bỏ rơi, những người phụ nữ này đã giúp các em bé có một cuộc đời mới, tuy thiếu thốn nhưng đầy ắp sự yêu thương.

Nuôi một đứa trẻ mới lọt lòng không phải điều đơn giản, nhất là với một bà lão. Vậy nhưng suốt 13 năm qua bà Nguyễn Thị Lang (còn gọi là bà Sáu, SN 1943, trú tại phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM) đã một mình tần tảo nuôi bé Tí Nị khôn lớn. Đáng chú ý cả hai không có bất cứ mối quan hệ máu mủ nào.


Mò cua bắt ốc, xin nước cơm nuôi cháu

Bà Sáu vốn sống một mình, không có con cái nên hoàn cảnh rất khó khăn. Hàng ngày bà đi mò cua bắt ốc để kiếm đồng ra đồng vào. Báo VnExpress thông tin, thấy hoàn cảnh của bà khó khăn, một cặp vợ chồng thuê trọ gần đó đã đề nghị bà trông con giúp với giá 50.000 đồng/1 ngày. Nghĩ rằng chăm sóc đứa trẻ không phải điều nặng nhọc, lại đỡ phải lội sông, lội ruộng mò cua bắt ốc nên bà Sáu đã nhận lời.

Bà Sáu và bé Tí Nị sống nương tựa vào nhau suốt 13 năm qua. (Ảnh: Minh Tâm)

Tuy nhiên, đây cũng là lần cuối cùng bà được thấy hình ảnh đôi vợ chồng. Kể từ đó họ bỏ đi biệt tích, để lại đứa bé đỏ hỏn mới được hơn 1 tháng tuổi cho bà Sáu nuôi, tính đến nay đã 13 năm trời. Một mình bà Sáu sống đã khó khăn, bữa đói bữa no nay lại phải cưu mang thêm một đứa trẻ khiến bà càng phải chắt bóp nhiều hơn.

Hàng ngày bà đi mò cua bắt ốc để kiếm tiền cho hai bà cháu sống qua ngày. Đứa trẻ khi ấy nhỏ xíu được vỏn vẹn 2kg. Bế đứa trẻ trên tay, bà Sáu thấy bé gái lọt thỏm trong bàn tay thô ráp của mình nên đặt tên bé là Tí Nị.

Dù cuộc sống khó khăn, hàng ngày phải đi mò cua bắt ốc nhưng bà Sáu vẫn quyết tâm cưu mang đứa cháu nuôi. (Ảnh: Minh Tâm)

Những lúc đi mò cua bắt ốc, bà lót vải trên tấm chiếu rách làm chỗ ngủ cho cháu gái hoặc đặt bé nằm trên võng trong nhà. Cô bé như biết được bà lão vất vả nên rất ngoan ngoãn, không hề quấy khóc. Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn ấy, bà Sáu không giấu nổi sự xúc động:


“Những năm tháng đó khó khăn lắm. Nhiều hôm, hai bà cháu không có gì để ăn. Có lần, tôi đi bắt cá về trễ. Tôi thấy miệng bé khô khốc, đầu ngả sang một bên, người lả đi vì đói. Tôi phải chạy sang hàng xóm xin nước cơm về cho bé ăn đỡ.


Nhưng trời thương, Tí Nị rất ngoan và dễ nuôi. Tôi cho gì bé ăn nấy chứ bé không kén chọn. Lúc nhỏ, bé uống nước cơm thay sữa, lớn lên một chút củ khoai chấm muối, chén cơm nguội chan nước tương, nước mắm cũng xong bữa”, bà Sáu chia sẻ với Vietnamnet.

Tí Nị rất ngoan ngoãn, chăm học và nghe lời bà. (Ảnh: Vietnamnet)

Mặc dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, bữa đói bữa no nhưng Tí Nị rất khỏe mạnh, ít ốm vặt. Điều này cũng khiến bà Sáu thêm yên tâm. Cô bé xuất hiện cũng tạo thêm cho bà niềm vui và động lực trong cuộc sống.


Quyết không để cháu “bị bỏ rơi thêm lần nữa”

Suốt 13 năm qua mặc dù sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn nhưng bà Sáu chưa một lần nghĩ tới chuyện bỏ bé lại. Những năm đầu bà cố gắng nuôi cháu với hi vọng đôi vợ chồng nhớ đến con mà quay về tìm. Bà cũng thường xuyên dò la tin tức của bố mẹ đứa trẻ nhưng đều bặt vô âm tín.


Thấy đứa trẻ ở với bà Sáu càng lớn càng bụ bẫm đáng yêu, nhiều người ngỏ ý muốn nhận nuôi đứa bé. Thậm chí có người còn trả cho bà Sáu 30 triệu đồng mong muốn bà đưa đứa trẻ cho mình. Mặc dù thiếu thốn nhưng bà Sáu không yên tâm giao cháu cho người lạ. Đặc biệt là bà không muốn “bỏ rơi cháu thêm một lần nữa”.

Dù nhiều lần được đề nghị đưa Tí Nị cho người khác nuôi nhưng bà Sáu không nỡ xa cháu. (Ảnh: Vietnamnet)


“Người ta nói tôi già rồi, lo cho mình chưa xong thì nuôi thêm đứa bé làm gì cho cực. Họ xúi tôi nhận tiền, đưa cháu cho người ta nuôi nhưng tôi dứt khoát không chịu. Có cho tôi bao nhiêu tiền tôi cũng không chịu. Nó đã bị bỏ rơi một lần rồi, lẽ nào tôi lại đành đoạn bỏ rơi nó thêm lần nữa. Tôi không muốn xa cháu” , bà Sáu tâm sự với Vietnamnet.


Bé gái học giỏi, ước mơ làm bác sĩ thú y

Năm 2016, khi Tí Nị lên 7 tuổi, bà Sáu quyết định làm giấy khai sinh để bé được đến trường như các bạn đồng trang lứa. Sau nhiều khó khăn cuối cùng cô bé cũng chính thức có giấy khai sinh với tên là Nguyễn Ngọc My. Dù đi học muộn hơn các bạn nhưng Tí Nị tiếp thu bài rất nhanh. Nhiều năm liền em đều là học sinh giỏi. Bên cạnh đó, bé gái còn được thầy cô và bạn bè tin tưởng bầu làm lớp trưởng.

Tí Nị rất chăm chỉ học tập, nhiều năm liền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. (Ảnh: Minh Tâm)

Những năm gần đây, sức khỏe bà Sáu yếu dần, đôi mắt mờ đục khiến bà không thể nhìn thấy. Thương hoàn cảnh khó khăn của hai bà cháu nhiều người dân trong khu vực cũng chung tay giúp đỡ để cuộc sống của hai bà cháu ổn định hơn. Bé Tí Nị cũng được chị Phạm Thị Minh Thu nhận làm con nuôi và chu cấp tiền ăn học.

Tí Nị sống rất tình cảm, em đặc biệt yêu thích động vật. Cô bé cũng thường xuyên cưu mang các con vật bị bỏ rơi. Ước mơ của bé sau này là trở thành bác sĩ thú y để có nhiều thời gian chăm sóc các loài động vật. Sau giờ học, Tí Nị dành nhiều thời gian để chăm sóc bà Sáu. Cô bé có thể chủ động cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo,...

Sau khi làm hết việc nhà Tí Nị lại dành thời gian chơi với các loài động vật mà em cưu mang. Chia sẻ về mong ước lớn nhất của mình với Vietnamnet, bé gái cho hay:


“Con rất thương ngoại và chỉ muốn sống với ngoại. Con chưa một lần thấy ba mẹ, không biết ba mẹ như thế nào nên cũng không nhớ, không buồn. Bây giờ con chỉ muốn được đi học để sau này trở thành bác sĩ thú y.”

Cô bé rất yêu thích động vật, ước mơ trở thành bác sĩ thú y. (Ảnh: Vietnamnet)


Người giúp việc 15 năm nuôi bé gái bị mẹ bỏ rơi

Cũng giống như bà Sáu, bà Đặng Thị Bình (SN 1955, Văn Lâm, Hưng Yên) từ người giúp việc nhận trông con hộ trở thành người mẹ cưu mang một bé gái bị bỏ rơi. Cụ thể, cách đây 20 năm bà Bình lên Hà Nội thuê trọ ở khu vực Long Biên. Hàng ngày bà nhận trông trẻ thuê cho các gia đình xung quanh để kiếm thêm thu nhập.

Thời điểm đó bà gặp một người phụ nữ gửi con với lý do đi chữa bệnh. Thấy hoàn cảnh người phụ nữ éo le nên bà Bình nhận trông con hộ cả ngày lẫn đêm với giá 1 triệu đồng/1 tháng. Thời gian đầu người phụ nữ vẫn qua lại thăm nom đứa trẻ. Tuy nhiên được khoảng 1 năm thì người này bặt vô âm tín. Lúc bà Bình nhận trông trẻ bé gái mới được 5 tháng tuổi.

Bà Đặng Thị Bình từ người giúp việc trở thành người cưu mang nuôi dưỡng bé gái bị mẹ bỏ rơi. (Ảnh: VTV News)


"Ban đầu tôi cứ nghĩ cô ấy ốm đau, nằm viện nên cố gắng chờ đợi. Tuy nhiên, 1 tuần, 2 tuần trôi qua vẫn không thể liên lạc. Sốt ruột tôi qua phòng trọ tìm thì người chủ thông báo cô ấy đã gói ghém đồ đạc và chuyển chỗ ở", bà Bình chia sẻ với VTV News.

Từ đó đến nay bà Bình trở thành mẹ nuôi của bé gái dù nhiều người khuyên bà nên cho bé vào trại trẻ mồ côi. Tuy nhiên, ở với bé một thời gian bà Bình cũng có tình cảm. Dù không phải máu mủ ruột thịt nhưng bà vẫn hết lòng nuôi cô bé khôn lớn.

Bé gái năm ấy nay đã khôn lớn, luôn chăm chỉ học tập và nghe lời mẹ nuôi. (Ảnh: VTV News)


Câu chuyện của những người bà, người mẹ “bất đắc dĩ” này khiến chúng ta thêm tin tưởng vào chuyện cổ tích giữa đời thường. Dù không có bất cứ mối quan hệ huyết thống nào nhưng họ vẫn sẵn sàng cưu mang đùm bọc đứa trẻ bị bỏ rơi. Bạn nghĩ sao về những tấm lòng này? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé!

Giống như câu chuyện cổ tích giữa đời thường về lòng nhân hậu, dù tuổi cao sức yếu nhưng bà Sáu hay bà Bình vẫn cố gắng chăm lo cho những đứa cháu không phải ruột thịt nên người. Hy vọng với sự đùm bọc cưu mang của những người bà cùng sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, cháu nhỏ có thể chăm ngoan, học giỏi, sớm thực hiện ước mơ của mình. Đây cũng là tấm gương về nghị lực sống phi thường cho chúng ta cùng học tập.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook