Những người đàn ông chi cả tỷ đồng để vớt vát chiều cao với bao đau đớn

Chia sẻ Facebook
05/03/2023 13:59:18

Nhiều người đàn ông chấp nhận đánh đổi rủi ro sức khỏe của mình để có được chiều cao như ý muốn.

Victor, một người đàn ông 33 tuổi ở thành phố Baltimore (Mỹ), đã gặp phải một vụ tai nạn xe hơi năm 9 tuổi và một chấn thương nghiêm trọng năm 11 tuổi khiến hai chân của người đàn ông có độ dài khác nhau.


Anh đã trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài chân để cải thiện vóc dáng của mình: " 6 tháng nay tôi thường mất ngủ. Ở trung tâm phục hồi, tôi tập vật lý trị liệu 2 - 3 tiếng mỗi ngày. Đôi khi tôi lặng lẽ khóc vì những cơn đau hành hạ. Tuy nhiên giờ đây mọi thứ đã ổn, sự hy sinh trong suốt thời gian qua đã được đền đáp xứng đáng ".


Nỗi ám ảnh về "chiều cao"

Không chỉ riêng châu Á mà các nước phương Tây, vốn được coi là nơi người dân có chiều cao vượt trội, đàn ông vẫn mang nỗi lo về việc ngoại hình kém nổi bật so với những người khác. Khi còn là thiếu niên, Lewis đạt tới chiều cao 1m63 và dừng lại ở đó. Anh không tăng thêm chút nào nữa.  Lewi thấp hơn gần 10cm so với đàn ông Anh trưởng thành. Khi gom đủ can đảm để bước ra ngoài, anh buộc mình phải đi giày độn để nâng chiều cao thêm một chút.

Chiều cao là thước đo đánh giá một người đàn ông thời nay.

Anh cũng chán ghét cả cách mà các ứng dụng hẹn hò trực tuyến khuyến khích sự phân biệt chiều cao. Có thời điểm, Lewis từng phải sử dụng thuốc chống trầm cảm để vượt qua áp lực và sự căng thẳng vì chiều cao khiêm tốn của mình.

Vài năm trước, Lewis đã trả một bác sĩ phẫu thuật hàng chục nghìn bảng Anh để kéo chân dài ra. Anh biết quy trình này sẽ rất rủi ro, đau đớn, thậm chí là có thể đón nhận kết cục tệ nhất. Nhưng anh cũng biết rằng, nếu mọi chuyện đều ổn, anh sẽ vượt qua nó cùng với 7,5cm chiều cao nữa.


" Hôm trước ngày tiến hành phẫu thuật, tôi đã rất lo sợ, nhưng đó là điều tôi thực sự muốn ", Lewis không muốn lộ tên thật hay chi tiết về cuộc phẫu thuật, bao gồm cả chi phí cụ thể, cho hay.


Dịch vụ "kéo dài chân" chưa bao giờ hết hot

Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ kéo dài chân, còn gọi là phẫu thuật tăng chiều cao đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là trong nhóm đàn ông trẻ tuổi. Các công nghệ tiến bộ, sự thay đổi thái độ đối với phẫu thuật thẩm mỹ, cũng như việc các bác sĩ chỉnh hình ngày càng hứng thú với kinh doanh, là những yếu tố chính thúc đẩy phẫu thuật này phổ biến hơn trong những năm qua.


Quá trình sẽ kéo dài trong nhiều tuần và bệnh nhân gần như bất động trong thời gian dài. Sau đó, họ sẽ phải mất một thời gian ngồi xe lăn và hàng tháng trời tập vật lý trị liệu để cơ bắp thích nghi. Nhiều người đàn ông đã giấu gia đình , bạn bè để đi làm phẫu thuật, lấy lý do là tạm thời nghỉ việc để du lịch xả stress.

Phẫu thuật tăng chiều cao cho nam giới phát triển trong những năm gần đây.

Bác sĩ Dror Plaley, một chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình tại Florida (Mỹ), cho biết mỗi ca phẫu thuật như vậy ông thu trung bình 2,3 tỷ đồng. Một người đàn ông Mỹ 32 tuổi giấu tên muốn kéo dài cả 4 phần xương chân để tăng chiều cao từ 1m73 lên 1m83. Chia sẻ với tờ The Guardian, anh cho biết mình phải trả khoảng 50.000 đô (gần 1,25 tỷ đồng) cho một phòng khám ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Mỹ là quốc gia hàng đầu trong việc thực hiện những ca phẫu thuật như thế này đứng từ góc độ an toàn và công nghệ hiện đại. Vào năm 2020, đã có vài trăm ca phẫu thuật tăng chiều cao được thực hiện trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên giá cả nơi đây khá cao so với những quốc gia khác. Đất nước có chi phí phẫu thuật kiểu này khá rẻ đó là Ấn Độ nhưng mức độ rủi ro lại cao hơn.


Chứa đựng nhiều rủi ro

Một nghiên cứu của Đại học Y tế Florida cho thấy, tỷ lệ thành công mỹ mãn, hoàn hảo của phẫu thuật tăng chiều cao chỉ là 40%. Hầu hết các trường hợp đều phải phẫu thuật lần 2 và đối mặt với nguy cơ teo khớp, teo cơ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phẫu thuật nâng chiều cao không được đưa vào thẩm mỹ nội khoa vì có thể gây nhiễm trùng xương sau mổ, biến dạng xương, đau mãn tính... nguy hiểm hơn là có thể tàn tật suốt đời.


Tất nhiên, một số người vẫn sẵn sàng chịu đựng những rủi ro và đau đớn để thực hiện phẫu thuật, cải thiện vóc dáng. Và điều quan trọng hơn là họ không còn mang tâm lý tự ti, mặc cảm khi đi ra ngoài xã hội , mọi thứ sẽ thuận lợi hơn trong cuộc sống.


Những người đàn ông mang chiều cao khiêm tốn bị ám ảnh tâm lý nặng nề.


Một người cha giấu tên nói với tờ The Guardian rằng con trai tuổi teen của ông đã hình thành suy nghĩ sẽ làm phẫu thuật này khi lớn lên. " Con tôi nói không ai coi trọng mình nếu nhỏ con và con gái cũng không thích nó ", người cha chia sẻ.


Người cha đổ lỗi cho mạng xã hội vì chứa đựng những điều độc hại và sự sùng bái vẻ đẹp cơ thể một cách quá đà tiêu cực: " Lũ trẻ đều muốn có làn da láng mịn, mái tóc hoàn hảo và chiều cao 1m8. Khi nói chuyện qua mạng với con gái, câu hỏi đầu tiên mà con trai tôi nhận được sau khi được xin ảnh bản thân là ‘Cậu cao bao nhiêu thế?’ ".

Trong một xã hội đang nỗ lực đấu tranh vì bình đẳng, chiều cao vẫn là một thành kiến được chấp nhận. Nó đã trở thành tiêu chuẩn ngoại hình chủ chốt đối với nhiều người, và đàn ông chịu áp lực đặc biệt lớn. Ngoài những ca rối loạn mặc cảm ngoại hình, áp lực xã hội và tâm lý khiến người ta ngày càng muốn tìm đến loại phẫu thuật cần hy sinh rất nhiều này. Lewis cho biết cách mọi người đối xử với anh rất khác biệt khi anh đã cao hơn, việc hẹn hò cũng trở nên dễ dàng hơn trước nhiều.


Dù cảm thấy tốt, anh cũng không thể nào tránh khỏi cảm giác nuối tiếc vì đã dành một khoản tiền rất lớn cho một phẫu thuật rủi ro: " Tôi thấy buồn mỗi khi nhớ lại việc mình trở nên tự ti, cảm thấy bản thân vô giá trị đến mức nào. Tôi ước gì mọi người sống tử tế với nhau hơn một chút ".


Ngọc Linh

Chia sẻ Facebook