Những ngôi làng tỷ phú nổi tiếng Việt Nam
Nhiều ngôi làng được người dân cả nước gọi tên là làng tỷ phú Việt Nam, bởi những nơi đây, người dân giàu lên, đổi đời nhờ nghề truyền thống.
Nhờ chăm chỉ làm ăn với những nghề truyền thống, nhiều người nông dân phất lên thành tỷ phú. Họ xây nhà lầu, mua xe hơi, khiến những ngôi làng mình ở được biết đến với cái tên "làng tỷ phú".
Làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh
Làng Đồng Kỵ thuộc xã Đồng Quan, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng khắp nơi về việc chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Khi xưa Đồng Kỵ chỉ có quy mô làng nghề nhỏ nhưng giờ đây đã phát triển thành một phường nghề sầm uất nhất thị xã Từ Sơn.
Đồng Kỵ ngày nay có hơn 400 công ty hợp tác xã chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và cứ khoảng 10 hộ dân lại có 1 giám đốc của một công ty hay xí nghiệp nào đó, ngay cả trong 1 gia đình có cả bố lẫn con trai đều làm giám đốc cả nên Đồng Kỵ còn được người làng khác ví von là làng giám đốc, làng tỷ phú.
Nhờ vào phát triển đồ gỗ mỹ nghệ mà ngôi làng này thay da đổi thịt hẳn ra so với thời kỳ trước đây, người dân không phải chạy ăn từng bữa nữa. Đồ gỗ mỹ nghệ của Đồng Kỵ không những nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài, chính vì thế mà trong làng có khoảng 500 hộ làm nghề buôn bán lớn với giá trị từ hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài những sản phẩm bình dân có giá trị vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng thì hiện nay do nhu cầu thị hiếu của khách hàng tăng cao nên những sản phẩm bán ra tại đây lên đến hàng chục tỷ đồng là chuyện bình thường.
Thời gian gần đây, nhà cửa của người dân trong làng được xây dựng khang trang bề thế hẳn ra, nhiều nhà cao tầng mọc lên như nấm, còn có những gia đình xây cả biệt thự nguy nga. Đồng thời, hoạt động mua bán bất động sản cũng diễn ra tấp nập tại đây vì đất ở đây có giá trị tiền tỷ và người dân làng Đồng Kỵ còn mạnh dạn mua đất ở các làng bên cạnh để mở rộng nhà xưởng, cơ sở sản xuất của mình.
Làng buôn tóc Đông Bích, Bắc Ninh
Làng Đông Bích thuộc xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cách Thủ đô Hà Nội tầm 30 km, nổi tiếng với nghề buôn tóc, một nghề tưởng chừng không cho thu nhập cao nhưng người dân làng này lại giàu có, thậm chí nhiều người trở thành tỷ phú.
Nhờ nhu cầu làm đẹp rất được thịnh hành ngày nay mà nghề buôn tóc đem lại lợi nhuận không hề nhỏ cho các con buôn, nhiều đại lý thu mua tóc lớn mọc lên trong vùng để gom tóc từ những người thu mua dạo.
Nhờ vào nghề buôn tóc mà cuộc sống của người dân làng Đông Bích đã thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng tích cực. Cả làng có hơn 400 hộ dân thì đến 350 hộ làm nghề buôn tóc, trong số đó hàng chục hộ mở đại lý lớn và trở thành tỷ phú giàu có, xây được nhà to mua được xe hơi sang trọng. Những hộ còn lại thu mua nhỏ lẻ cũng thuộc diện giàu có khấm khá, cuộc sống không lo nghĩ về tiền bạc.
Làng thịt lợn Miêng Thượng, Hà Nội
Làng Miêng Thượng (xã Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội) từ một vùng đất nghèo đói trở thành ngôi làng sản sinh ra nhiều tỷ phú nhờ vào nghề buôn thịt lợn.
Nói tới người làm giàu từ buôn thịt lợn của làng, ai cũng biết tới ông Nguyễn Văn Sinh (sinh năm 1944). Thời điểm từ 1997 - 1998, trung bình mỗi ngày gia đình ông bán hết 6 con lợn với mức lãi đạt 3 - 4 triệu/ngày. Tới nay, những người con của ông Sinh vẫn làm giàu theo nghề này, hiện tại tất cả con của ông đều có nhà riêng và sở hữu khối tài sản lớn.
Thấy gia đình ông giàu lên nhanh chóng, người dân trong làng từ đó mới bắt đầu học theo. Nhà nào cũng vận động con cháu ra Hà Nội đi chợ, có những gia đình 5 người con thì cả 5 người đều đi bán thịt. Chỉ sau một thời gian ngắn, thôn Miêng Thượng đã thay đổi hoàn toàn. Khắp từ đầu đến cuối thôn, những tòa biệt thự cao tầng nằm san sát, nối đuôi nhau chạy dọc trên con đường khô cằn năm xưa.
Tính đến thời điểm hiện tại, người dân thôn Miêng Thượng gắn bó với nghề buôn bán này đã hơn 10 năm. Tuy nhiên, theo ông Sinh nghề này chỉ thực sự phát triển trong vòng 7 năm trở lại đây.
Làng đồng nát Diễn Tháp, Nghệ An
Xã Diễn Tháp, Diễn Châu, Nghệ An được cho là thay da đổi thịt trở thành một trong những ngôi làng giàu bậc nhất từ khi người dân nơi đây bỏ ruộng đồng quay sang làm nghề buôn phế liệu.
Ban đầu, họ chỉ đi thu gom ở các huyện, xã của tỉnh rồi sau đó tiếp tục mở rộng địa bàn ra các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Cả làng thu mua đủ thứ, từ xoong nồi, lông vịt đến dép nhựa hỏng, bao bì, chai lọ… Cũng từ đó, Diễn Tháp còn có tên gọi khác là "làng phế liệu".
Khi nguồn phế liệu trong nước đã khan hiếm thì họ lại sang tận Lào để thu mua. Thời điểm đó, giá phế liệu tại Lào vô cùng thấp nên người dân trong xã ồ ạt kéo nhau sang nước bạn. Mỗi chuyến phế liệu từ Lào về sau công đoạn phân loại, tái chế… thì được đưa trở lại Lào bán với giá cao. Dần dần, Diễn Tháp phất lên nhanh chóng và trở thành một trong những xã giàu nhất tỉnh Nghệ An.
Bắt đầu từ năm 2000, người dân Diễn Tháp đua nhau xây nhà tầng, biệt thự. Chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã mang một bộ mặt hoàn toàn mới. Hai bên đường dẫn vào xã là những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau. Hai bên vỉa hè, hàng loạt những chiếc ô tô tải nằm im lìm, chờ những chuyến hàng tiếp theo để xuất hàng sang Lào.
Làng mổ xe Tề Lỗ, Vĩnh Phúc
Làng “mổ xe” được gọi theo chính nghề nghiệp của người dân trong làng Tề Lỗ thuộc xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Vùng quê này như một đại công trường khổng lồ đang thi công tháo lắp sửa chữa đầy đủ tất cả các chủng loại xe từ xe máy, xe ô tô, xe cơ giới công trình như máy xúc, máy đào, máy ủi…
Tại đây, tiếng máy nổ của động cơ, tiếng quai búa, tiếng gọi nhau í ới trao đổi mua bán diễn ra rất nhộn nhịp, ào ào tấp nập từ mờ sáng đến tận khuya.
Hiện nay theo ước tính của người dân nơi đây thì làng Tề Lỗ này có khoảng 600 đến 700 bãi “mổ xe” hoạt động trên địa bàn. Nghề “mổ xe” không những đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho chủ nhân công xưởng giúp đại đa số ông chủ ở đây thành tỷ phú giàu có mà còn kéo theo chợ sắt phế liệu từ việc mổ xe thải ra như các động cơ, thiết bị xe hỏng rồi đến lốp xe chất chồng lên nhau trông rất ngổn ngang bề bộn nhưng ngược lại những thứ này cũng là nguồn thu nhập khá cao của các hộ gia đình làm nghề này.
Như một số thông tin mà người làng Tề Lỗ cung cấp thì trước đây ngôi làng này cũng như bao làng quê khác còn nghèo nàn lạc hậu dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng nghề lái trâu chăn vịt. Và cơ duyên đến với nghề “mổ xe” tại làng này đến từ việc có một vài người lãi lớn vì bán được máy ủi cũ từ đó cả làng đua nhau mua máy ủi về bán rồi đến xe ô tô cũ, máy công trường, xe cẩu, máy xúc… dần dà rồi ngôi làng này trở thành “cánh đồng xe cũ” từ lúc nào không hay.
Nhờ "mổ xe" cuộc sống của người dân trong làng được no ấm và đầy đủ hơn trước nhiều, nhiều gia đình trở thành đại gia, tỷ phú nhờ nghề này. Cơ sở hạ tầng trong làng được xây dựng khang trang sạch đẹp rồi nhà cửa kiên cố, cao tầng, biệt thự sang trọng được dựng lên, xe hơi được nhiều người mua sắm.