Những ngành điêu đứng bởi đợt nắng nóng lịch sử của Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
26/08/2022 12:43:00

Trung Quốc đang phải đối mặt với những đợt hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt, làm giảm nguồn cung cấp thủy điện và tăng nhu cầu điện trong các hộ gia đình. Các chuyên gia cảnh báo, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lương thực của Trung Quốc và đe dọa nguồn cung cấp pin, năng lượng mặt trời và một số kim loại.


Embed from Getty Images


Ngày 16/8/2022, một đoạn lòng sông Trường Giang ở Trùng Khánh, Trung Quốc khô cạn. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Hôm thứ Hai (22/8), Cục Khí tượng Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo màu đỏ về nhiệt độ cao trong ngày thứ 11 liên tiếp, đồng thời tiếp tục đưa ra cảnh báo màu cam về hạn hán. Do mực nước giảm mạnh, tại tỉnh Tứ Xuyên, nơi phụ thuộc nhiều vào thủy điện, chỉ sản xuất được một nửa công suất so với mức bình thường. Chính quyền đã thông báo cắt điện kéo dài cho đến thứ Năm (25/8).

Khu vực Trùng Khánh thông báo, bắt đầu từ thứ Hai, hơn 500 trung tâm mua sắm và các cơ sở kinh doanh khác phải rút ngắn giờ làm việc, để giảm bớt nhu cầu điện năng.

Chủ nhật (21/8), Cục Khí tượng cho biết, có tới 62 trạm khí tượng từ Tứ Xuyên đến Phúc Kiến đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Kể từ tháng Tám, gần 200 trạm khí tượng trên khắp Trung Quốc đã ghi nhận nhiệt độ cao 40°C, và thời gian kéo dài cũng phá kỷ lục kể từ năm 1961.

Đợt nắng nóng lịch sử này đang đe dọa nguồn cung cấp các loại vật liệu khác nhau ở Trung Quốc. Dưới đây là các ngành công nghiệp khác nhau bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao.

1. Sản xuất lương thực

Theo Bloomberg, trong một báo cáo, các nhà phân tích tại Tập đoàn Goldman Sachs đã cảnh báo, 6 khu vực bị hạn hán, gồm Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Bắc, Hà Nam, Giang Tây và An Huy, chiếm gần một nửa sản lượng gạo của Trung Quốc năm 2021.


Cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, nhiệt độ cao và lượng mưa thấp kể từ tháng Bảy đến nay đã đặt ra “thách thức nghiêm trọng” đối với sản xuất ngũ cốc vụ thu, ảnh hưởng đến vụ lúa giữa kỳ và sản lượng ngô vụ hè, Reuters đưa tin. Bộ Nông nghiệp đã yêu cầu chính quyền địa phương dành nhiều nguồn lực hơn để chống lại hạn hán.

Báo cáo cũng cho biết, theo tỉnh Hà Nam – trung tâm nông nghiệp của Trung Quốc, đến nay, hơn 1 triệu ha cây trồng đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, khoảng 2,2 triệu ha ruộng trên toàn bộ lưu vực sông Trường Giang đã bị ảnh hưởng.

Do hạn hán kéo dài và không có mưa, nông dân trồng lúa xung quanh hồ Bà Dương đã phải bơm nước từ hồ khẩn cấp. Diện tích hồ có thể điều chỉnh mực nước sông Trường Giang này, hiện đã bị thu hẹp gần 70 % so với mức bình quân 10 năm trở lại đây.


Embed from Getty Images


Ngày 21/8/2022, diện tích hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc bị thu hẹp đáng kể, do nhiệt độ cao và hạn hán kéo dài. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

2. Sản xuất pin và pin Lithium

Theo Bloomberg, Tứ Xuyên sản xuất hơn 1/5 sản lượng Lithium (LIB, pin sạc) của Trung Quốc. Tập đoàn CATL (Ninh Đức Thời Đại) – cơ sở sản xuất lớn thứ 2 của nhà sản xuất pin đẳng cấp thế giới, được đặt tại Tứ Xuyên, và nhà máy sản xuất pin tại địa phương cũng đã ngừng sản xuất.

Goldman Sachs phân tích rằng các hạn chế về nguồn điện có thể làm giảm 5% sản lượng hợp chất lithium hàng tháng của Trung Quốc, và tác động tiềm tàng đối với vật liệu cathode cho pin lithium ion (LFP) còn lớn hơn.

Giá lithium đã tăng trong năm qua. Do gián đoạn sản xuất ở Tứ Xuyên, vào cuối tuần, giá hợp chất vô cơ lithium cacbonate đã chạm mức cao nhất kể từ tháng Tư, và dự kiến ​​sẽ sớm đạt mức cao mới.

Các nguồn tin trong ngành nói với Reuters, rằng nhà máy nghi Tân của Tập đoàn CATL sản xuất pin cho Tesla, lo ngại rằng sự gián đoạn này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô Mỹ.

(Ảnh: B.Zhou/ Shutterstock)

3. Sản xuất phụ tùng ô tô

Việc cắt điện ở Tứ Xuyên cũng khiến các nhà cung cấp phụ tùng ô tô không thể sản xuất đủ sản lượng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu phụ tùng cho các nhà sản xuất như SAIC Motor và Tesla, cũng như việc lắp ráp xe hoàn chỉnh. Hiện tại, chủ yếu liên quan đến 16 công ty cung cấp phụ tùng, gồm Thành Đô Yinli Car Parts (Công ty phụ tùng ô tô Ngân Lợi).

Tesla và SAIC Motor – nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, đã thông báo với chính quyền Thượng Hải, rằng chính sách cắt giảm điện ở Tứ Xuyên đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các nhà máy của họ ở Thượng Hải.

Khủng hoảng điện: Bến Thượng Hải tắt đèn chiếu sáng, Tứ Xuyên cảnh báo cao nhất

4. Ngành năng lượng mặt trời

Bloomberg đưa tin, khi nhu cầu năng lượng tái tạo tăng mạnh, khoảng 15% polysilicon (silicon đa tinh thể) được sử dụng trong các tấm pin mặt trời đến từ Tứ Xuyên và giá vật liệu này đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Daiwa Capital viết trong một bài phân tích rằng việc cắt điện kéo dài sẽ làm giảm nguồn cung và có thể khiến giá polysilicon và lithium tăng hơn nữa.

JinkoSolar (Năng lượng Tinh Khoa), một trong những nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, cho biết 2 nhà máy của họ ở Tứ Xuyên đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện, hiện vẫn chưa rõ khi nào có thể hoạt động bình thường sẽ trở lại.


Theo báo cáo của “Đệ nhất Tài Kinh” (Kinh tế Tài chính Số 1)- kênh truyền thông Đại Lục, những người trong ngành công nghiệp quang điện cho biết, polysilicon ở thượng nguồn của ngành quang điện thuộc ngành công nghiệp mang năng lượng cao, trong đó chi phí điện năng chiếm khoảng 30% giá thành.

Sau khi cắt điện ở Tứ Xuyên, năng lực sản xuất vật liệu silicon sẽ bị ảnh hưởng. Điều này khiến nguồn cung vật liệu silicon quang điện đang thiếu hụt càng trở nên tồi tệ hơn.

Kênh truyền thông này cho rằng sản lượng vật liệu silicon bị ảnh hưởng là khoảng 207.000 tấn, gồm 107.000 tấn từ công ty Vĩnh Tường Lạc Sơn (Công ty cổ phần Tongwei – Thông Uy) và 107.000 tấn silicon dạng hạt từ GCL Lạc Sơn (Tập đoàn Công nghệ GCL).

Tập đoàn Công nghệ GCL cho biết, do ảnh hưởng của các hạn chế về điện, nếu toàn bộ việc sản xuất vật liệu silicon tại địa phương bị ngừng, dự kiến ​​mỗi tháng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng 9.000 tấn.


Embed from Getty Images


Một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 7/1/2022. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

5. Luyện nhôm và đồng

Ngành công nghiệp luyện kim sử dụng nhiều năng lượng thường gặp rủi ro cao do thiếu điện.

Goldman Sachs chỉ ra, tại Tứ Xuyên, một nhà sản xuất nhôm nổi tiếng, dây chuyền luyện nhôm khoảng 360.000 tấn đã ngừng hoạt động, và 300.000 tấn khác đang gặp rủi ro.

Đầu tháng Tám, tỉnh An Huy, một trong những nơi sản xuất đồng hàng đầu của Trung Quốc, đã cắt giảm sản lượng sau khi chính quyền địa phương này ra lệnh cắt điện.

Nhu cầu trong một số ngành cũng được thúc đẩy. Bloomberg đưa tin, khi ngành công nghiệp tìm kiếm nhiên liệu thay thế, việc mua dầu diesel ở Tứ Xuyên đang gia tăng, và các máy phát điện diesel tại địa phương đều hết sạch hàng.


Theo Trần Đình / Epoch Times

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi: “Tồn tại được là chính"

Người sáng lập Huawei, đã đề cập trong bài viết rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với tình trạng suy thoái và suy giảm khả năng tiêu thụ.

Chia sẻ Facebook