Những lưu ý trước khi CMND, CCCD mã vạch chính thức bị "khai tử"

Chia sẻ Facebook
23/10/2022 11:22:35

Những công dân được cấp CMND, CCCD mã vạch từ cuối năm 2020 được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2035. Với những công dân đang dùng Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch khi đổi sang Căn cước công dân (CCCD) gắn chip cần lưu ý những gì?

CMND, CCCD mã vạch chỉ được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2035

Theo Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 170/2007/NĐ-CP, CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp (dù là CMND 9 số hay 12 số).

Trong khi đó, từ ngày 1/1/2021, Bộ Công an đã triển khai cấp CCCD gắn chip thay cho CMND, CCCD mã vạch. Theo đó, những công dân được cấp CMND, CCCD mã vạch từ cuối năm 2020 được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2035. Từ năm 2036, CMND, CCCD mã vạch chính thức bị "khai tử" và việc sử dụng CMND, CCCD mã vạch sau thời điểm này bị cấm.

Như vậy, từ năm 2036, công dân vẫn chưa đổi sang CCCD gắn chip mới chắc chắn sẽ bị phạt.

Có bắt buộc đổi sang CCCD gắn chip nếu CMND, CCCD mã vạch còn hạn hay không?

Theo Điều 38 Luật Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực (1/1/2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD gắn chip.

Theo đó, những người đang sử dụng CMND 9 số hay 12 số, CCCD mã vạch nếu còn hạn sử dụng vẫn được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn theo quy định. Người dân có nhu cầu đổi hoặc thẻ bị sai sót, mất, hỏng,… thì mới phải đi đổi sang CCCD gắn chip.

Khi đổi CMND, CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip cần lưu ý những gì?


Đổi từ CMND 9 số sang CCCD gắn chip bị đổi số

Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân, số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân. Cụ thể, điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân quy định, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Còn CMND 9 số chỉ có 9 số và không phải mã định danh cá nhân. Vì thế, khi đổi CMND 9 số sang CCCD gắn chip sẽ bị đổi số.

Đổi từ CMND 12 số và CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip không bị đổi số

Theo Thông tư 57/2013/TT-BCA về mẫu thẻ CMND, mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Số CMND gồm 12 số tự nhiên, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Trường hợp đổi, cấp lại CMND thì số ghi trên CMND được đổi, cấp lại vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp lần đầu.

Thẻ CCCD mã vạch và CCCD gắn chip cũng có 12 số và là mã số định danh cá nhân. Theo Điều 12 Luật CCCD, số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Mã số này không thay đổi dù công dân đổi CMND 12 số, CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip.

Phải đính chính/cấp lại nhiều giấy tờ khi đổi từ CMND 9 số sang CCCD gắn chip

Khi đổi CMND 9 số sang CCCD gắn chip, ngoài những ưu điểm CCCD gắn chip mang đến, người dân sẽ gặp một số bất tiện khi phải đi thay đổi/cập nhật thông tin trên các giấy tờ liên quan.

Theo Điều 12 Thông tư 59/2021/TT-BCA, người dân có thể yêu cầu cơ quan quản lý CCCD nơi có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND. Sau đó, dùng Giấy xác nhận CMND cũ để thay đổi, cập nhật các giấy tờ liên quan như tài khoản ngân hàng, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, thông tin về thuế và thông tin trên sổ đỏ.

Trường hợp công dân đổi từ CMND 12 số, CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip sẽ không cần phải đính chính/cấp lại nhiều giấy tờ. Trừ trường hợp trước đó có đổi từ CMND 9 số qua CMND 12 số, CCCD mã vạch mà đến hiện tại vẫn chưa cập nhật thông tin.

Chia sẻ Facebook