Những lưu ý khi xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc
Khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc phải truy xuất được nguồn gốc, quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra, xử lý kiểm dịch thực vật...
Với hình thức ký luân phiên, ngày 23/11, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đã được công bố chính thức trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, sản phẩm được xuất khẩu sẽ phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, theo Nghị định thư, danh sách các loài sinh vật gây hại (đối tượng kiểm dịch thực vật) mà Trung Quốc quan tâm gồm: Streptomyces ipomoeae, Pythium splendens, Pratylenchus brachyurus, Longidorus sản phẩm, Meloidogyne arenaria, Meloidogyne incognita, Meloidogyne javanica.
Vùng trồng khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc phải áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP); thực hiện điều tra giám sát các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm. Vùng trồng có các biện pháp kiểm soát hiệu quả nhằm giảm thiểu mức độ nhiễm sinh vật gây hại; theo dõi và kiểm soát sinh vật gây hại được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật đã được tập huấn. Người sản xuất phải lưu giữ hồ sơ về giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại, hồ sơ này sẽ được chuyển đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc khi có yêu cầu.
Cơ sở đóng gói khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc cũng phải đáp ứng các yêu cầu về khu vực đóng gói phải sạch sẽ, vệ sinh và nền phải cứng; ngay sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt. Khoai phải rửa bằng nước 2 lần nhằm loại bỏ tạp chất và thực hiện các biện pháp đảm bảo rằng khoai lang không có các loại côn trùng sống, đất, tàn dư thực vật như thân rễ, lá… đặc biệt là không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm. Cơ sở phải áp dụng các biện pháp hiệu quả để kiểm soát sinh vật gây hại khác, như bố trí bẫy bọ cánh cứng và mọt để tránh lây nhiễm trong quá trình đóng gói….
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, trước khi xuất khẩu khoai lang phải tiến hành lấy mẫu 2% mỗi lô hàng. Nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch mà Trung Quốc quan tâm còn sống, còn lá hoặc đất thì lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc và doanh nghiệp xuất khẩu cũng như vùng trồng khoai lang liên quan sẽ bị tạm dừng xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải tiến hành điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục.
Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cấp cho các lô hàng đáp ứng yêu cầu và ghi thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói, số container và số seal.
Những trường hợp vi phạm như khoai lang không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ; sản xuất từ vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa đăng ký; phát hiện dính đất; phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật, khoai lang sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.
Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch động thực vật nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng khoai lang sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan.
Để sớm có lô hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sau khi Nghị định thư được ký kết, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hớp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, đánh giá nhằm hoàn thành việc đăng ký cho các đơn vị đã nộp hồ sơ. Các đơn vị đáp ứng yêu cầu sẽ được đăng trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Đối với các đơn vị chưa đạt yêu cầu, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục hỗ trợ thực hiện biện pháp khắc phục đối, đồng thời phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở rộng danh sách.
Khi bắt đầu xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện việc kiểm tra thường xuyên, còn Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra ngẫu nhiên các vùng trồng và cơ sở đóng. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo, các địa phương, doanh nghiệp, người dân, chủ mã số vùng trồng… phải luôn tuân thủ đúng các quy định trong sản xuất.
Theo thống kê của Cục trồng trọt, năm 2021 Việt Nam có trên 109.000 ha trồng khoai cho sản lượng khoảng 1,38 triệu tấn. Tuy nhiên, khoai lang là cây ngắn ngày, dễ trồng, dễ mở rộng diện tích.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhận định, với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, đầu ra cho sản phẩm này sẽ ổn định, sẽ giúp định hình các vùng sản xuất khoai lang trọng yếu như Vĩnh Long, Đắk Nông… đưa nông dân đến sản xuất lớn, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, có lợi nhuận tốt hơn.
Để mở cửa thị trường đối với sản phẩm khoai lang, việc đàm phán được bắt đầu từ năm 2012, tuy nhiên vì nhiều lý do, mà cho đến năm 2018 mới được khởi động lại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ký nghị định thư cho phép nhập khẩu chính ngạch khoai lang, tổ yến từ Việt Nam vào Trung Quốc.