Những lưu ý đối với bệnh nhân điều trị đái tháo đường phụ thuộc insulin
Insulin là thuốc tiêm điều trị đái tháo đường, khi bệnh nhân mắc đái tháo đường phụ thuộc insulin, nghĩa là phải tiêm insulin bổ sung mỗi ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Hạnh My, Giảng viên Khoa Y dược, Trường Đại học Tây Nguyên, có 2 loại bệnh đái tháo đường gồm bệnh đái tháo đường type 1 phụ thuộc insulin và bệnh đái tháo đường type 2. Bệnh đái tháo đường type 1 phụ thuộc insulin thường được phát hiện ở những người trẻ tuổi.
Bệnh đái tháo đường type 1 là kết quả của sự biến mất của các tế bào bêta từ tuyến tụy, dẫn đến sự thiếu hụt toàn bộ insulin. Cơ thể không còn nhận ra các tế bào bêta này và tiêu diệt chúng nên bệnh đái tháo đường type 1 được cho là một bệnh tự miễn dịch. Khi mắc đái tháo đường type 1, bệnh nhân sẽ có biểu hiện khát nước nhiều, đói, đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi bất thường, khó lành vết thương, da ngứa khô…
Đối với các bệnh nhân bị đái tháo đường type 1 và một số bệnh nhân đái tháo đường type 2, khi cơ thể không dung nạp các thuốc đường uống hoặc chống chỉ định các thuốc đường uống thì sẽ sử dụng insulin bằng cách tiêm insulin dưới da nhiều lần trong ngày theo hướng dẫn của chuyên gia y tế. Điều này giúp cơ thể có thể bù đắp sự thiếu hụt sản xuất của insulin.
Khi dùng insulin đó sẽ là liệu pháp thay thế, nên đối với các bệnh nhân dùng insulin sẽ có một số nguy cơ như gặp biến chứng hạ đường huyết nếu bệnh nhân tiêm insulin nhưng không ăn uống. Do đó, nếu đã tiêm insulin, bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ.
Ngoài ra, khi tiêm insulin, bệnh nhân nên chú ý thay đổi vị trí tiêm theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tiêm nhiều tập trung một chỗ sẽ rất dễ gây biến chứng rối loạn chuyển hóa mỡ hoặc gây tích tụ insulin tại các vị trí đó.
Về chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc insulin cần có chế độ ăn uống hợp lý, theo đúng khẩu phần, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Một chế độ ăn uống được quản lý tốt sẽ giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và do đó tránh được các biến chứng của bệnh đái tháo đường về lâu dài.
Cần lưu ý, một người bệnh có thể phải dùng nhiều loại insulin trong một ngày, nên cần biết rõ mình đang tiêm loại insulin nào, loại xi-lanh nào để tránh tiêm nhầm. Cụ thể, dạng lọ insulin dùng bơm tiêm insulin (xi-lanh): Nồng độ insulin dựa theo số đơn vị trong 1 ml. Loại 1ml có 40 đơn vị insulin đựng trong 1 lọ 10ml (400 đơn vị insulin/lọ). Loại 1ml có 100 đơn vị insulin đựng trong 1 lọ 10ml (1000 đơn vị insulin/lọ).
Nếu dùng loại insulin có 100 đơn vị/ml thì sử dụng loại bơm tiêm insulin 0.3ml (có 30 vạch trên bơm tiêm); 0.5ml (có 50 vạch trên bơm tiêm). Ở các bơm tiêm này, 1 vạch trên bơm tiêm tương ứng với 1 đơn vị insulin.
Nếu dùng loại insulin có 40 đơn vị/ml thì sử dụng loại bơm tiêm 1ml có 80 vạch trên thân bơm tiêm (2 vạch tương đương với 1 đơn vị insulin) hoặc dùng loại 1ml có 40 vạch trên thân bơm tiêm (1 vạch tương đương với một đơn vị insulin). Bơm tiêm 40 đơn vị thường có nắp đỏ.
Dạng bút tiêm insulin: 1ml có 100 đơn vị insulin đóng trong ống 3 ml (300 đơn vị insulin/ống). Vì vậy nên hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng để mua đúng loại bơm tiêm phù hợp với lọ thuốc insulin để không tiêm sai liều thuốc chỉ định.