Những lớp học đặc biệt giữa nông trường cao su

Chia sẻ Facebook
03/11/2022 12:55:00

Hàng trăm điểm trường đặc biệt ở giữa những nông trường cao su không chỉ dạy học, các cô giáo còn chăm sóc từng giấc ngủ trẻ thơ trong những đêm bố mẹ vắng nhà.

Lớp học đặc biệt giữa những nông trường cao su là hàng chục nghìn công nhân vùng biên giới Gia Lai có thể gửi gắm con em mình để yên tâm với công việc, nhất là đang trong giai đoạn cao điểm khai thác và chế biến mủ cao su. 4 tháng cuối năm là lúc điểm trường này đông kín học sinh mầm non và mẫu giáo vào ban đêm. Cô Nguyễn Thị Hồng cùng các cô giáo khác của điểm trường Đội 5 đã quen với lịch làm việc khác thường này từ gần 20 năm nay.

"Tình huống cháu đến ban đêm khóc rất nhiều, theo bố mẹ về, các cô phải dỗ để bố mẹ cháu yên tâm", cô Hồng chia sẻ.

Cách đó gần 30 km là xã Ia Boòng, huyện Chư Prông. Trong khi chờ điểm bán trú được xây dựng, một nơi ở tạm thời đã được dựng lên để chăm sóc hơn 30 em nhỏ là con của các công nhân cao su thuộc Trung đoàn Kinh tế - Quốc phòng 710, Binh đoàn 15. Các em ở đây cả tuần, nếu bố mẹ bận làm việc ở nông trường. Phụ huynh sẽ thay phiên nhau tới hỗ trợ cô giáo chăm sóc cho các con.

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có 11 trường, gồm hơn 100 điểm trường ngay tại các đội sản xuất cao su là do Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) thành lập và phối hợp với địa phương quản lý. Trong số gần 7.000 học sinh ở các độ tuổi thì có hơn 2.000 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Những lớp học ở nông trường thường kéo dài hơn so với 1 lớp học thông thường, nhưng gần 20 năm qua, hàng trăm điểm trường như thế này ở vùng biên giới Tây Nguyên đang là điểm tựa tinh thần để hàng chục nghìn công nhân cao su yên tâm lao động.

Chia sẻ Facebook