Những loài xâm hại tàn phá nước Mỹ

Chia sẻ Facebook
14/01/2024 04:57:58

Nhiều loài xâm hại ở Mỹ đang đe dọa động thực vật bản xứ, phá hủy cơ sở hạ tầng, gây thiệt hại cho nông nghiệp và truyền bệnh cho con người.

Chuột hải ly

Chuột hải ly có kích thước khá lớn. (Ảnh: Guardian).

Chuột hải ly là loài chuột lớn sống dưới nước, trông như con lai giữa hải ly và chuột to ngoại cỡ. Tương tự hải ly, chúng có hàm răng màu cam do loại men răng đặc biệt chứa sắt. Loài chuột mập mạp không có phần cổ này có thể dài tới 60 cm và nặng 9 kg. Là động vật bản xứ ở Nam Mỹ, chuột hải ly được đưa tới Mỹ vào cuối thập niên 1890 do hoạt động buôn bán lông thú. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhiều con bỏ trốn hoặc sổng chuồng vào những năm 1940. Loài chuột xâm hại hiện nay lan ra ít nhất 20 bang, chủ yếu là các bang ở duyên hải vịnh Mexico như Louisiana và Florida.

Chuột hải ly phá hủy môi trường một phần do tính phàm ăn của chúng. Chúng tiêu thụ lượng thực vật bằng 25% trọng lượng cơ thể mỗi ngày và kiếm ăn thông qua đào hang, phá hủy đất, tàn phá thực vật bản xứ, gây xói mòn và phá hoại cơ sở hạ tầng.

Ốc sên đất châu Phi khổng lồ

Ốc sên đất châu Phi khổng lồ là mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng. (Ảnh: AFP).

Ốc sên đất châu Phi khổng lồ có thể dài tới 20 cm. Loài vật bản xứ ở Đông Á này được coi là một trong những loài ốc sên gây thiệt hại nhiều nhất thế giới. Chúng được giới thiệu vào Hawaii năm 1936 và đất liền Mỹ năm 1966, theo USDA. Khi ốc sên được tìm thấy ở Florida vào thập niên 1960, nỗ lực tiêu diệt có chi phí một triệu USD và kéo dài 10 năm. Tuy nhiên, gần đây nhà chức trách lại phát hiện ốc sên đất châu Phi khổng lồ tại Florida lần nữa.

Ốc sên ăn ít nhất 500 loài thực vật khác nhau và có thể phá hủy cơ sở hạ tầng chứa vữa và thạch cao. Không chỉ đẻ 1.200 quả trứng mỗi năm, chúng còn mang ký sinh trùng có thể gây viêm màng não ở người.

Giun đầu búa

Giun đầu búa, động vật bản xứ ở Đông Nam Á, có thể dài 30 cm với phần thân dẹt có sọc dài. Chúng cũng có phần đầu bẹt giống cá mập đầu búa. Loài giun này xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ năm 1891 và được tìm thấy ở các bang như Texas, Arkansas, và Georgia. Chúng là động vật săn mồi hiệu quả, chuyên ăn giun đất vốn đóng vai trò thiết yếu giúp duy trì sự lành mạnh của đất.


"Nếu giun đất bị tiêu diệt, thực vật sẽ không có đủ dưỡng chất cần thiết. Điều này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của hoa màu và cây cối trong vườn" , Ashley Morgan-Olvera, nhà nghiên cứu ở Viện loài xâm hại Texas, cho biết.

Bọ ve sừng dài châu Á

Bọ ve sừng dài châu Á lớn bằng hạt vừng và là loài bản xứ ở phía đông Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc. Những con bọ ve màu nâu nhạt có mặt ở Mỹ ít nhất từ năm 2010 và lan rộng ra vài bang miền đông, theo USDA.

Loài vật xâm hại này đe dọa động vật bản xứ và lây nhiễm sang cừu, dê, chó, mèo, ngựa, hươu và con người. Chúng thậm chí giết chết gia súc. Năm 2021, một nông dân ở Ohio phát hiện 3 con bò chết và bị bọ ve sừng dài châu Á bao phủ. Chúng có thể tự nhân bản hay sinh sản không cần con đực, vì vậy một con bọ ve có thể tạo ra quần thể mới bằng cách đẻ 2.000 quả trứng.

Lợn hoang và siêu lợn

Siêu lợn ở Canada đang tràn qua biên giới phía bắc vào Mỹ. (Ảnh: CTV).

Lợn, động vật bản xứ ở châu Âu và châu Á, được đưa tới Mỹ vào thế kỷ 16 bởi những người thám hiểm đầu tiên như một nguồn thức ăn. Lợn hoang ở Mỹ ngày nay thuộc cùng loài với lợn nuôi ở trang trại. Chúng sinh sống khắp miền nam và bang California. Tuy nhiên, siêu lợn ở Canada có thể đang xâm chiếm nước Mỹ từ phía bắc. Siêu lợn lai giữa lợn nhà và lợn hoang châu Âu, được nhân giống cách đây vài thập kỷ để tạo ra lợn to hơn. Siêu lợn có bộ lông dày, giúp chúng sinh tồn qua mùa đông lạnh ở Canada và miền bắc nước Mỹ.

Những con lợn này nặng hơn 272kg, săn loài bản xứ như ếch, kỳ giông và chim làm tổ trên mặt đất. Chúng cũng phá hủy hoa màu khi sục sạo mặt đất để ăn rễ cây và ấu trùng côn trùng. Siêu lợn được ghi nhận ở bang North Dakota và South Dakota, nhưng hiện nay chúng chưa thể thiết lập quần thể vĩnh viễn.

Chia sẻ Facebook