Những loài vật có khả năng "thành tinh" trên Trái đất

Chia sẻ Facebook
25/08/2024 05:58:47

Trẻ mãi không già, mất đầu cũ - mọc đầu mới, trường sinh bất lão... là những khả năng có 1-0-2 của các loài động vật "sống dai" này.

Thế giới động vật vô cùng bao la, rộng lớn. Ít ai biết rằng, có rất nhiều loài sinh vật trên Trái đất mang trên mình những năng lực siêu phàm giống hệt các anh hùng trong truyện tranh, hay phim ảnh mà con người luôn mong muốn có được…

Cùng điểm lại một vài loài vật có khả năng vượt trội, được ví như động vật "thành tinh" trong thiên nhiên dưới đây.

1. Trẻ mãi không già


Loài chuột chũi Đông Phi này tuy có vẻ bề ngoài xấu xí, một lớp da nhăn nhúm màu hồng, trụi lông và đôi mắt gần như mù lòa nhưng lại "thọ" thuộc top đầu trong họ động vật gặm nhấm.

Chuột chũi có khả năng loại bỏ những protein bị tổn thương một cách hiệu quả, đồng thời giữ lại protein ổn định và có chất lượng cao. Nhờ đó mà chúng không mang những biểu hiện thông thường của sự lão hóa cũng như suy giảm chức năng não.

Chuột chũi sống thọ tới 26 năm hoặc hơn nữa và điều đặc biệt nhất là chúng vẫn có thể sinh sản ở tuổi rất già.

Một số nhân tố khác góp phần làm tăng tuổi thọ của loài chuột chũi này phải kể đến nữa là tốc độ trao đổi chất trong cơ thể chúng rất thấp, giúp làm giảm quá trình phá hủy tế bào. Chính vì vậy, ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời, chuột chũi Đông Phi cũng tỏ ra rất sung mãn.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu mô ở chuột chũi Đông Phi và nhận ra rằng, những con thú gặm nhấm nhỏ bé sống dưới lòng đất này sản xuất ra một dạng chất độc đáo được gọi là hyaluronan. Chất này sẽ bảo vệ chúng tránh khỏi căn bệnh ung thư cùng nhiều căn bệnh nguy hiểm khác trên Trái đất.

2. Mất đầu cũ, mọc đầu mới


Loài sâu Planarian có một khả năng vô cùng đặc biệt, đó là chúng có thể tái sinh lại phần đầu bị đứt, đặc biệt hơn là nó vẫn giữ nguyên trí nhớ trong bộ não mới của mình.

Những con vật kỳ lạ này thường sống dưới nước hoặc trong môi trường ẩm ướt ở trên cạn. Nhờ khả năng tự sinh sôi tế bào gốc nằm linh hoạt, phân bố khắp cơ thể mà khi bị đứt lìa, chúng có thể phát triển thành một con sâu hoàn chỉnh. Điều này khiến chúng trở thành sinh vật lý tưởng cho hình mẫu bất tử.

Đồng thời, dù phần cơ thể bị cắt lìa không mang đầu, nhưng sau khi tái tạo lại hoàn chỉnh, sâu Planarian vẫn giữ nguyên trí nhớ về điều kiện môi trường xung quanh, các vật cản, hay cách di chuyển đã học được.

3. Trường sinh bất lão


Có tên khoa học là Tardigrades, bọ gấu nước là loài sinh vật nhỏ bé, bơi trong nước, có 8 chân được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1773 bởi nhà sinh vật học người Đức Johann August Ephraim Goetze. Sở dĩ chúng có tên là gấu nước bởi thân hình mũm mỉm cùng cách di chuyển chậm chạp của chúng làm người ta nhớ tới dáng đi của loài gấu.

Bọ gấu nước trưởng thành có thể dài 1,5mm, con nhỏ dài khoảng 0,1mm.

Bỏ qua ngoại hình kỳ cục thì bọ gấu nước còn nổi tiếng với khả năng sống dai nhất hành tinh. Chúng vẫn không chết ngay cả khi bị đun sôi, đông đá, nén lại trong áp suất cực cao hay thậm chí bị sấy khô. Hơn thế, loài vật này có thể tồn tại trong tình trạng khô cứng hoàn toàn trong nhiều năm liền và sau đó hồi sinh trở lại như thể chẳng có gì xảy ra cả.

Thậm chí, nó còn có thể tồn tại tốt trước bức xạ Mặt trời hay bức xạ tia gamma ở mức cao, gấp trăm lần giới hạn đủ giết chết một người. Bọ gấu nước tồn tại trong khoảng thời gian 10 năm mà không cần tới thức ăn, nước uống.

Đặc biệt hơn, chỉ với 3% lượng nước thông thường cũng giúp chúng thực hiện tốt việc sinh sản. Chính vì vậy, bọ gấu được phát hiện ở khắp nơi trên thế giới, từ đỉnh Himalaya tới đáy biển sâu tới 4.000m.

Không những thế, loài sinh vật kì lạ này còn đủ khả năng chống chọi với môi trường khắc nghiệt của vũ trụ. Chúng thích nghi với tia phóng xạ trong vũ trụ, môi trường chân không, cái lạnh băng giá và trở thành sinh vật đầu tiên sống sót trong môi trường vũ trụ mà không cần thiết bị bảo vệ.

Chia sẻ Facebook