Những loại vaccine trẻ không thể bỏ lỡ trong giai đoạn đầu đời

Chia sẻ Facebook
21/09/2022 23:59:59

Bỏ lỡ các mũi vaccine đầu đời khiến trẻ dễ nhiễm bệnh, gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tương lai.


Ở giai đoạn đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Trẻ càng nhỏ mắc bệnh càng nặng, càng tăng gánh nặng tàn tật, cản trở sự phát triển về thể chất, trí não và tinh thần, kể cả khi trưởng thành.

Nhiều phụ huynh có quan niệm, trẻ sơ sinh vừa chào đời nhận được kháng thể của mẹ nên đã có miễn dịch với một số bệnh, không cần phải tiêm ngừa vaccine. Tuy nhiên, miễn dịch có được từ mẹ chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng đến 1 năm, qua thời gian này, nếu không được củng cố miễn dịch, trẻ có nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm như: lao, ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ, sởi, quai bị, rubella, viêm não Nhật Bản...


Trẻ em cần tiêm đầy đủ vaccine trong năm đầu đời và về sau để tăng cường miễn dịch, phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, những trẻ sinh non; sinh ra bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân; có các bệnh lý bẩm sinh là những đối tượng dễ diễn tiến nặng, khó cứu chữa nếu mắc bệnh truyền nhiễm, không nên trì hoãn tiêm chủng. Ở trẻ thường bị bệnh vặt, tiêm vaccine đầy đủ giúp trẻ phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, đồng thời phòng hiệu quả bệnh vặt, khỏe mạnh phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ.

Trong những tháng đầu đời, trẻ cần được tiêm/ uống đầy đủ các loại vaccine để kịp thời tăng cường miễn dịch, phòng bệnh truyền nhiễm.

Ở nước ta, thời kỳ trước năm 1985, khi đó vaccine còn chưa được phổ biến rộng rãi, ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, các bệnh viêm phổi, viêm màng não do H.influenzae type B và các bệnh do phế cầu khuẩn (nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm tai giữa…) đã từng cướp đi nhiều sinh mệnh của trẻ nhỏ. Hiện tại, tuy vaccine đã phổ biến rộng rãi thông qua hai hình thức Tiêm chủng mở rộng và Tiêm chủng dịch vụ, nhưng vẫn còn nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa được chủng ngừa đầy đủ những mũi tiêm đầu đời, do nhiều phụ huynh không biết hoặc không rõ lịch tiêm vaccine.

Hậu quả, nhiều trẻ mắc bệnh truyền nhiễm, diễn tiến nặng khi còn rất nhỏ. Điển hình, đã có trẻ mắc ho gà khi 2- 3 tháng tuổi, hay mắc bệnh sởi khi 9-12 tháng tuổi, trong khi đó từ 2 tháng tuổi trẻ đã được chỉ định tiêm vaccine phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván, từ 9 tháng tuổi được chỉ định tiêm vaccine phòng sởi. Đợt dịch bạch hầu năm 2020 cũng ghi nhận nhiều trẻ rất nhỏ mắc bệnh khi chưa tiêm vaccine bạch hầu mũi nhắc lại.

Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em & Người lớn VNVC khuyến cáo, sau khi sinh, trẻ cần tiêm ngay 2 loại vaccine quan trọng là: Vaccine phòng lao (BCG) và vaccine phòng viêm gan B sơ sinh. Ở các độ tuổi 2, 3, 4 tháng tuổi, trẻ cần tiêm các vaccine phòng bệnh ho gà - bạch hầu - uốn ván, bại liệt, viêm gan B, các bệnh do vi khuẩn Hib, vaccine phòng viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa do vi khuẩn phế cầu. Đặc biệt, trẻ cần được uống vaccine phòng Rotavirus ở giai đoạn 2 và 3 tháng tuổi.

Từ 6 tháng tuổi, trẻ cần tiêm phòng bệnh cúm mùa, viêm màng não do não mô cầu BC, tiêm nhắc lại vaccine phòng phế cầu khuẩn.

Từ 9 tháng tuổi, trẻ cần tiêm vaccine phòng sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu ACYW-135.

Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên cần bổ sung ít nhất 6 loại vaccine, trong đó có những loại rất quan trọng như thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, sởi - quai bị - rubella,...

Không nên bỏ lỡ bất kỳ cơ hội tiêm chủng nào, đặc biệt với nhiều loại vaccine chỉ có cơ hội chủng ngừa duy nhất một lần trong đời.

Tiêm chủng đầy đủ vaccine trong những năm tháng đầu đời là tấm khiên vững chắc bao bọc trẻ trước nguy cơ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tấn công, giúp trẻ lớn lên an toàn, khỏe mạnh, phát triển toàn diện cả thể chất, lẫn tinh thần, trí tuệ. Không nên bỏ lỡ bất kỳ cơ hội tiêm chủng nào, đặc biệt với nhiều loại vaccine chỉ có cơ hội chủng ngừa duy nhất một lần trong đời, nếu quá tuổi sẽ không đạt hiệu quả tối ưu hoặc không có tác dụng, như: vaccine lao, viêm gan B sơ sinh, tiêu chảy cấp do Rotavirus, vaccine 5 trong 1, vaccine 6 trong 1, vaccine phế cầu…

Hệ thống tiêm chủng VNVC với hơn 80 trung tâm tiêm chủng trên cả nước đang có đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em và người lớn, đặc biệt là các vaccine cho trẻ em trong giai đoạn đầu đời.

Nhằm giải đáp thắc mắc của phụ huynh về "Những vaccine đầu đời không thể thiếu của trẻ", 20 giờ, thứ Năm, ngày 22/9/2022, Hệ thống Tiêm chủng VNVC thực hiện Chương trình Tư vấn trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu:

BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC;

TS.BS Nguyễn An Nghĩa - Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình được phát sóng trực tiếp trên các nền tảng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Vĩnh Long, Báo điện tử VnExpress, Báo Thanh Niên, Hệ thống tiêm chủng VNVC, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hệ thống Phòng khám dinh dưỡng - Nutrihome.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi để được các chuyên gia giải đáp ngay trong chương trình.

Chia sẻ Facebook