Những loài động vật nằm trong dự án 'tái sinh' của các nhà khoa học
Đã có rất nhiều tuyên bố cho rằng các nhà khoa học muốn 'tái sinh' những loài động vật đã tuyệt chủng. Trên thực tế, chúng ta không thể hồi sinh những loài động vật đã tuyệt chủng hàng trăm triệu năm. Tuy nhiên, với trình độ phát triển của khoa học hiện tại, chúng ta có thể 'tái sinh' một vài loài động không còn cách đây chưa đầy 800.000 năm.
Voi ma mút lông cừu
Điều đáng buồn là con người hiện đại chưa bao giờ nhìn thấy một con voi ma mút lông cừu ngoài đời thật. Do đó, một công ty có tên Colossal nhận được 15 triệu đô la trong quỹ tư nhân để thực hiện công việc đưa voi ma mút lông cừu trở lại cuộc sống.
Theo The New York Times, người đứng đầu công ty, nhà sinh vật học George Church của Trường Y Harvard, đã thực hiện dự án trên quy mô nhỏ trong gần một thập kỷ khi họ nhận được số tiền tài trợ khổng lồ.
Ý tưởng là họ sẽ lấy DNA của voi và kết hợp với các gen riêng lẻ, sau đó thêm, bớt và chỉnh sửa để tạo ra một loài voi có những đặc điểm tương tự như loài voi ma mút lông cừu cổ đại - như một bộ lông dày và khả năng phát triển mạnh trong điều kiện cực lạnh.
Sư tử hang động
Sư tử hang động là những kẻ săn mồi khổng lồ đã lang thang khắp châu Âu và châu Á cho đến khoảng 10.000 đến 12.000 năm trước. Chúng có kích thước lớn hơn sư tử ngày nay, chúng nặng tới 400kg khi trưởng thành, và con mồi chính của chúng là loài gấu hang động. Không rõ lý do tại sao chúng tuyệt chủng, nhưng việc phát hiện ra một số ít xác chết của chúng được bảo tồn tốt đã khiến các nhà khoa học băn khoăn về việc liệu họ có thể tách gen và hồi sinh được chúng hay không.
Gần đây nhất, các nhà khoa học đã phát hiện được xác của hai cá thể sư tử hang động khoảng hai tháng tuổi được bảo toàn nguyên vẹn, được đặt tên là Boris và Sparta. Cặp sư tử này tìm thấy ở cùng một nơi - gần sông Senyalyakh ở miền đông nước Nga - nhưng sống cách nhau khoảng 15.000 năm. Con sư tử hang động trẻ hơn - và còn nguyên vẹn hơn về mặt thể chất - là Sparta, theo nghiên cứu của các nhà cổ sinh vật học, họ cho rằng nó đã chết trong "giai đoạn đói khát tột độ".
Chim Moa
New Zealand Birds Online mô tả chim Moa là một nhóm các loài chim khổng lồ, không biết bay - từng rất phong phú về số lượng loài. Chúng tuyệt chủng do bị con người săn lùng quá mức. Moa bụi nhỏ là một trong chín loài chim Moa từng tồn tại trên hành tinh của chúng ta. Khi các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard hoàn thành bước đầu tiên trong quá trình nghiên cứu về sự tuyệt chủng của loài chim này, họ đã hoàn thiện một bộ gen đầy đủ của chúng, sử dụng DNA lấy từ xương ngón chân của một con chim Moa trong một viện bảo tàng.
Trên thực tế, đây là một đột phá trong nghiên cứu bởi DNA bắt đầu phân hủy từ khi chết, và nó được mô tả giống như lấy một chiếc bình thủy tinh đã vỡ và công việc của các nhà khoa học là cố gắng ghép chúng lại với nhau.
Rùa đảo Pinta
Hòn đảo Pinta thuộc quần đảo Galapagos - giống như nhiều hòn đảo biệt lập khác, nó bị hủy hoại bởi con người. Năm 1959, ngư dân đưa ba con dê lên đảo để làm nguồn cung cấp thịt tiện dụng. Thật không may, những con dê đã sinh sản vô tội vạ, ước tính có khoảng 40.000 con vào năm 1970 và chúng đã phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái ban đầu trên đảo.
Theo Galapagos Conservancy, con rùa được biết đến với cái tên Lonesome George (trong ảnh) đã được chuyển đến khu bảo tồn rùa của hòn đảo, nhưng sau nhiều lần nỗ lực tìm kiếm một người bạn đời phù hợp cho nó nhưng không thành, nó đã chết vào năm 2012. Người ta tin rằng nó là cá thể cuối cùng của loài này.
Năm 2020, NBC báo cáo rằng các nhà bảo tồn đã tìm thấy một cá thể cái của loài này, đồng thời cũng tìm thấy 18 con cái khác và 11 con đực là con lai của hai loài: rùa đảo Pinta (giống như Lonesome George) và rùa đảo Floreana đã tuyệt chủng. Người ta cũng tin rằng những con lai này mang DNA của tổ tiên đã tuyệt chủng của chúng và mang đến cơ hội tái sinh cho loài rùa đảo Pinta.
Bò rừng châu Âu - Aurochs
Aurochs là một loài bò rừng đã tuyệt chủng, được coi là tổ tiên hoang dã của gia súc nhà hiện đại. Với chiều cao vai lên tới 180 cm ở bò đực và 155 cm ở bò cái, nó là một trong những loài động vật ăn cỏ lớn nhất với cặp sừng dài và rộng khổng lồ - dài tới 80 cm.
Loài này có lẽ đã tiến hóa ở châu Á và di cư về phía tây và bắc trong thời kỳ ấm áp giữa các giai đoạn của kỷ băng hà. Hóa thạch lâu đời nhất của loài này được biết đến được tìm thấy ở Ấn Độ và Bắc Phi có niên đại vào kỷ Pleistocen giữa và ở châu Âu vào kỷ Holstein. Như được chỉ ra bởi các di tích hóa thạch ở Bắc Âu, nó đã đến Đan Mạch và miền Nam Thụy Điển trong kỷ Holocen. Tuy nhiên, loài bò rừng này đã bị suy giảm về số lượng trong cuối Holocen do môi trường sống bị thay đổi và săn bắn quá mức của con người. Cá thể cuối cùng của loài này chết vào năm 1627 trong rừng Jaktorów ở Ba Lan.
Loài bò rừng này cũng được mô tả trong các bức tranh hang động thời kỳ đồ đá cũ, tranh khắc đá thời kỳ đồ đá mới, các bức phù điêu của Ai Cập cổ đại và các bức tượng nhỏ thời kỳ đồ đồng. Nó tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh trong các tôn giáo ở Cận Đông cổ đại.
Hổ Tasmania
Vào ngày 7/9/1936, con hổ Tasmania cuối cùng mà con người biết tới đã chết trong tình trạng bị giam cầm trong vườn thú Beaumaris của Hobart, Úc.
Nhưng tháng trước, Bộ Công nghiệp, Công viên, Nước và Môi trường (DPIPWE) của Tasmania đã công bố một số tài liệu tiết lộ việc những công dân của Úc đã báo cáo về việc nhìn thấy hổ Tasmania. Trong hai năm qua, đã có tám trường hợp nhìn thấy và được báo cáo, trong đó sự kiện gần đây nhất là vào tháng 7/2019.
Sinh vật này còn được gọi là chó sói Tasmania do hình dạng giống họ chó, hay còn gọi là hổ Tasmania do bộ lông màu nâu vàng và một dải sọc đen vằn ở phần cuối lưng và đuôi, nhưng trên thực tế chúng lại là một thành viên của gia đình thú ăn thịt Thylacine.
Con mồi của hổ Tasmania thường là kanguru, wombats và đôi khi cừu và gia súc. Điều đó đã khiến cho chúng trở thành cái gai trong mặt của những thực dân Anh định cư ở Tasmania vào năm 1803.
Và chỉ khoảng 130 năm sau, những con hổ Tasmania hoang dã cuối cùng cũng được cho là bị con người săn bắn đến mức tuyệt chủng. Đó cũng là tất cả những gì mà chúng ta biết về loài động vật bí ẩn này. Chính vì vậy. một số chuyên gia cũng như thợ săn vẫn tin rằng chúng chưa hề tuyệt chủng, có thể đang ẩn khuất đâu đó ngoài kia.
Không giống như hầu hết các loài thú có túi khác, cả hổ đực và hổ cái Tasmania đều sở hữu những chiếc túi. Chúng có tên khoa học là Thylacinus cynocephalus, tạm dịch là "thú đầu chó có túi".
Theo nhà khoa học người Mỹ Richard K. Nelson, "Thylacine là một trong những động vật đặc biệt nhất trên trái đất. Chúng giống như một con chuột túi nhưng được tạo hóa nhào nặn lại để giống như một con sói".
Hổ Tasmania có đuôi cứng như chuột túi, chân ngắn và hàm có 40 đến 50 chiếc răng sắc nhọn. Chúng có thể sinh sống tới 7 năm bên ngoài tự nhiên.
Loài vật này có thói quen săn mồi đơn độc và thường có thói quen ăn đêm. Chúng giao tiếp với nhau thông qua tiếng sủa khàn khàn, hay tiếng kêu "giống như chó sục", theo Chính phủ Tasmania.
Tham khảo: New Zealand Birds Online; New Zealand Herald; Galapagos Conservancy; NBC