Những lần chia tay tuổi đôi mươi, ký ức tươi đẹp
Lần chia tay ấy, ngậm ngùi thay, không phải 3 tháng quân trường mà chỉ 2 - 3 tuần sau, cả trung đội của Tuyết Hồng và cả lứa thanh niên cùng đợt đó nửa đêm được đưa lên xe lên Xa Mát, rồi đi sâu qua K…
Tôi tuổi con trâu, bản tính lì lợm nhưng cũng có chút máu phiêu lưu, một ít lãng mạn.
Đến giờ tôi vẫn không quên được khí thế ngời ngời của những ngày giữa tháng 12-1978.
Toàn bộ đoàn viên thanh niên ở trường cấp III tôi đang học được vận động, huy động đi bộ đội, lúc đó không hiểu từ đâu có tên gọi là đợt Hồng quân. Lễ phát động với những bức tâm thư viết bằng máu và những cánh tay giơ cao thể hiện quyết tâm lên đường bảo vệ biên cương Tổ quốc, chống bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xary xâm lược...
Đêm lửa trại liên hoan chia tay, trong ánh lửa bập bùng, những người trẻ tuổi 17 - 18 chỉ biết vỗ tay vui say, hòa theo tiếng hát lời ca, chứ mấy ai được kết nối, nói chuyện riêng như trong mấy bộ phim sau này hay được trình chiếu…
Một tuần sau, tụi tôi lại gặp nhau ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Các bạn trai có vẻ thích nghi nhanh, có bạn còn ra căng tin kêu cà phê, mời các anh em đến thăm ăn kẹo lạc... Còn các em gái tân binh - học trò hình như vẫn chưa quen với bộ đồ thụng thịnh, vẫn còn ngại ngần, e thẹn… với xung quanh.
- Vô đây một tuần, Tuyết Hồng và các bạn ổn chứ!
- Ừ, thì cũng làm quen với quân ngũ thôi!
Giờ chia tay cũng có chút gì bịn rịn, kiểu kẻ ở người đi.
Thật ra, khi ấy, tôi cũng đã viết đơn tình nguyện. Thế nhưng, thầy hiệu trưởng và thầy bí thư Đoàn trường nói tôi ở lại, vì là con trai một, lại bị cận nặng. Hơn nữa, tôi đang tham gia đội tuyển học sinh giỏi văn do Sở Giáo dục triệu tập, bồi dưỡng. Ở lại tôi cũng sẽ tiếp tục gánh vác nhiệm vụ cán bộ Đoàn lớp, Đoàn trường…
Tôi vào Bệnh viện quân y 7C, nhiều thương binh...
Bạn Thuyết học ban C chung khóa cũng về nằm đó với cái bàn chân bị mất. Bác sĩ nói có khi phải cắt thêm vì có dấu hiệu hoại tử do để lâu. Đường xa từ chiến trường về hậu cứ, đâu phải ai cũng được chở về bằng trực thăng… Không bỏ mạng, vùi xác ở mấy cánh rừng bên đó là may lắm rồi.
Tôi hỏi về Hồng, Thuyết nói sau khi rời trung tâm huấn luyện, mỗi người được phân bổ đi một nơi, khó liên lạc và cũng không biết các bạn bây giờ ra sao.
Đâu khoảng 3 - 4 tháng sau, tôi nhận được một lá thư từ Tuyết Hồng.
Mở ra là một chiếc lá cao su. Chữ viết bằng bút bi nắn nót: "Tối nay, Hồng và các bạn lên đường. Không biết nói gì hơn, cầu chúc cho bạn khỏe, học giỏi… Hy vọng sẽ có ngày gặp lại".
Ngoài bì thư ghi hòm thư của Trung tâm huấn luyện Quang Trung… Tôi không có cách gì liên hệ lại.
Lần chia tay thứ hai
Tốt nghiệp xong, có một sự thôi thúc nào đó rất khó lý giải, tôi nói bằng mọi cách phải vào quân ngũ. Khi ấy, các sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ được tuyển chọn đưa đi đào tạo sĩ quan.
Tôi nhờ Đức, thằng bạn thân suốt 4 năm đại học: "Mày đứng sau đọc chữ trên bảng chữ đo độ cận, viễn giùm tao".
Thế là tôi được vào trường Quân chính.
Thứ bảy, chủ nhật, các em ở lớp, ở khoa lên thăm.
Ai ngờ, các anh em đã tu hết mấy chai rượu mận, rượu mơ theo tiêu chuẩn. Có thằng Ân, rất đảm đang, chạy ra công ty thủy sản mua được mấy ký đầu mực xuất khẩu cái mình, còn sót lại cái đầu, giá 5 đồng/kg, về nấu với rau muống cải thiện của tiểu đoàn...
Cũng ngất ngây cho đến khi về lại đời thường. Lần lượt, các em chung lớp, chung khoa có người yêu, có chồng, sinh con đẻ cái, giờ có cháu nội cháu ngoại đủ đầy.
Đứa đi làm giáo viên, đứa vô công an, hải quan, đứa đi tàu viễn dương…
Chia tay nhưng đến giờ không biết chia tay những ai, chẳng biết các bạn ấy có chút gì lưu luyến với mình không.
Tôi cũng như nhiều người không thích chia ly. Chia tay rồi nên có lúc, có ngày đoàn tụ, nhưng biết sao giờ, cuộc đời có khi tan hợp vui buồn không nói trước được, nhưng những cuộc chia tay tuổi đôi mươi không chỉ là nỗi buồn, còn là những ký ức tươi đẹp...
Những buổi dạ hội, lễ chào cờ cuối cùng và đêm tri ân thầy cô, cha mẹ là những dấu ấn đẹp đẽ của học sinh THPT trước khi kết thúc một năm học đặc biệt kéo dài vì dịch COVID-19.