Những kỹ năng sinh tồn cha mẹ cần rèn luyện cho con sớm nhất có thể
Trong thời gian gần đây, không ít những trường hợp xảy ra tại nạn đối với trẻ em. Vì vậy để hạn chế tối đa những thiệt hại, cha mẹ cần trang bị ngay cho con những kiến thức sinh tồn này, giúp con biết tự bảo vệ mình khi gặp những trường hợp nguy hiểm.
Dù cha mẹ đã bảo vệ con tốt đến thế nào cũng không thể chủ quan, không thể báo trước cả đời con sẽ không gặp phải các tình huống hỏa hoạn, đuối nước hay bị người xấu làm hại. Cách bảo vệ con an toàn nhất đó chính là dạy con tự mình bình tĩnh đối phó với những tình huống này là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần quan tâm hơn nữa trong việc trang bị cho con những kỹ năng sinh tồn cần thiết để tự bảo vệ bản thân.
1. Bình tĩnh ứng phó với hỏa hoạn
Trong thời gian gần đây, không ít những trường hợp hỏa hoạn xảy ra, gây tổn thất nghiêm trọng về người và của. Chính vì vậy, ứng phó với hỏa hoạn là một trong những kỹ năng rất cần thiết mà cha mẹ cần trang bị cho con của mình.
- Báo cho người lớn khi phát hiện có cháy: Trẻ còn quá nhỏ để có thể tự mình xử lý đám cháy, nhận biết được nguyên nhân và cách để dập tắt đám cháy một cánh an toàn. Vậy nên, hãy dạy cho trẻ biết cần báo cho người lớn giúp đỡ bé xử lý đám cháy càng sớm càng tốt, đồng thời phải thật bình tĩnh.
- Tìm cách thoát ra khỏi đám cháy: Bên cạnh việc tìm sự giúp đỡ từ người lớn, trẻ vừa phải tìm cách thoát ra khỏi khu vực có đám cháy càng sớm càng tốt. Vì không khí xung quanh rất độc hại, nếu trẻ ở lại đó quá lâu sẽ dẫn tới ngạt thở hoặc nhiễm khói độc. Chính vì vậy, cha mẹ cũng nên dạy trẻ nhận biết các lối thoát hiểm xung quanh nơi ở và tuyệt đối không được sử dụng thang máy khi có hỏa hoạn.
- Tránh hít phải khói độc: Bạn cần phải dạy bé biết làm ướt khăn hoặc miếng vải nào đó được tìm thấy xung quanh và dùng chúng để che mũi và miệng của mình. Ngoài ra, bạn cũng cần dạy trẻ không được đứng thẳng người để thoát khỏi đám cháy mà phải cúi thấp người sao cho khoảng cách của đầu với mặt đất càng gần càng tốt và di chuyển tới lối thoát hiểm gần nhất.
- Ngăn khói lan vào phòng: Trường hợp đám cháy xảy ra ngay tại lối thoát hiểm duy nhất của trẻ và không thể tự thoát ra được. Cha mẹ cần phải dạy trẻ bình tĩnh dùng miếng vải lớn nhúng nước và chặn các khe hở, đồng thời cũng dùng che mũi miệng mình lại, tuyệt đối không được nấp vào những nơi khó tìm hoặc không gian nhỏ. Nếu trong phòng có cửa sổ hay ban công, bạn cần dạy bé đứng ở đó và kêu gọi sự giúp đỡ bằng những tấm vải màu sắc để thu hút sự chú ý.
- Dập lửa cháy trên quần áo bé đang mặc: trường hợp, lửa bén vào áo quấn bé đang mặc, bạn nên dạy trẻ lăn qua lại trên sàn xa khu vực bị cháy hoặc nhúng ngay cơ thể vào nước.
2. Kỹ năng bơi
Một trong những kỹ năng sinh tồn mà các cha mẹ cần quan tâm, hướng dẫn hoặc đầu tư cho con đó là bơi. Việc trẻ biết bơi sẽ giúp hạn chế tối đa sự cố về đuối nước khi ở bể bơi hoặc tắm biển. Bên cạnh đó, việc bơi còn giúp trẻ nâng cao sức khỏe, hình thành các thói quen tốt, lành mạnh và hạn chế tâm lý hoảng loạn khi bị hụt hơi hay chuột rút dưới nước.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy trẻ một số biện pháp sơ cứu và xử lý ngay khi bơi. Hãy bình tĩnh quạt mạnh tay về phía sau, tạo lực đưa người lên khỏi mặt nước, cùng với đó, ngậm miệng lại và thở từ từ bằng mũi để tăng thêm lực giúp đầu ngoi lên hít thở và kêu cứu.
3. Các kỹ năng tự vệ
Bên cạnh hai kỹ năng trên, dạy trẻ về phòng vệ bản thân cũng là việc rất đáng để lưu tâm.
- Xử lý trong những trường hợp nguy hiểm, bất lợi: không được giữ im lặng khi thấy có nguy cơ bất trắc với bản thân. Ví dụ: thấy người lạ theo dõi mình hoặc có những hành vi bất thường. Cha mẹ nên dạy trẻ “giả vờ” chấp nhận những yêu cầu trước mắt của người lạ khi bị bắt, giữ bình tĩnh, kể chuyện huyên thuyên, hát khe khẽ, tìm cơ hội đánh lạc hướng nhằm tìm cách thoát thân hoặc gây sự chú ý những người xung quanh.
- Tuyệt đối không tin tưởng người lạ: Trẻ không được tin lời người lạ, kể cả người nhận là bạn của cha mẹ hay biết cả tên cha mẹ và tên của trẻ. Khi người lạ cho quà bánh tuyệt đối không được nhận, từ tốn, nói lời cám ơn và giữ thái độ lễ phép, mềm mỏng nhưng kiên quyết.
- Kiên quyết trước những dấu hiệu của hành vi xâm hại tình dục: Tuyệt đối trẻ không được ngồi xem phim hoặc những tranh ảnh đồi trụy. Tâm sự và nói với con những bộ phận tuyệt đối không cho người khác chạm kể cả người thân đi chăng nữa, nếu có hãy nói luôn với cha mẹ.
Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ học võ, tham gia các lớp võ như Karatedo, Judo, Boxing...