Những khu vực nóng “bỏng tay” của thị trường bất động sản Hà Nội hiện nay ra sao?
Thời gian qua, việc kiểm soát tín dụng và lệnh siết phân lô tách thửa đất nông nghiệp,... đã khiến thị trường bất động sản chững lại, theo đó, Hà Nội cũng không phải ngoại lệ.
Trong mấy năm trở lại đây, bất động sản Thủ đô liên tục xảy ra các cơn “sốt đất”. Theo đó, ngay cả vùng ven mức giá cũng tăng mạnh, thậm chí nhiều nơi đã tăng gấp 2 - 3 lần chỉ sau khoảng 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, sau lệnh siết phân lô tách thửa, kiểm soát tín dụng bất động sản,... bất động sản Hà Nội và vùng ven cũng chững lại.
Tại Hoài Đức là một trong những điểm nóng về đất đai tại Hà Nội những ngày này trở nên vắng lặng. Anh Quang Anh - chủ phòng giao dịch bất động sản tại khu vực cho biết, mới chỉ đầu năm 2022, mỗi ngày văn phòng bán được 3 - 4 lô đất nhưng 2 tháng nay không bán được lô nào.
“Đa phần khách hàng không mua thời điểm này do khó vay được vốn từ ngân hàng. Tôi lo ngại nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, thị trường bất động sản sẽ xuất hiện nhiều người cắt lỗ sâu vì nay cũng không còn sôi động như trước. Trước mắt, tình trạng cắt lỗ đã bắt đầu xuất hiện tại một số dự án bất động sản lớn. Tương tự, việc bỏ cọc sau khi trúng đất đấu giá lan rộng ra tại các địa phương. Đây là tín hiệu không tốt đối với thị trường bất động sản”, anh Quang Anh nói.
Tại huyện vùng ven Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, giao dịch bất động sản trầm lắng hơn, giá đất không còn hiện tượng tăng nữa và nhiều nhà đầu tư chịu áp lực tài chính đã bắt đầu cắt lỗ.
Nguyên nhân của tình trạng này là do Sở TN&MT Hà Nội yêu cầu cơ quan liên quan kiểm soát việc giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở… Sau lệnh siết tách thửa này, thị trường bất động sản ven Hà Nội trở nên vắng vẻ. Khiến thị trường vùng ven đã xuất hiện tình trạng cắt lỗ, nhưng vẫn ở mức thấp và chưa hình thành xu thế bán tháo.
Nhiều môi giới nhà đất tại các vùng ven của Hà Nội cũng thừa nhận, trước đây những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tìm về mua mảnh đất rộng rồi tách thửa bán lại thì nay cũng không có người về mua. Điều này đã khiến thị trường vùng ven những năm qua liên tục sốt đất.
Theo khảo sát, hiện giá đất tại nhiều khu vực từng là điểm nóng hồi đầu năm 2021 giờ đã hạ nhiệt, hiện mức giá chững lại. Cụ thể, các lô đất thổ cư Hòa Lạc, giá đất vẫn dao động từ 9 - 15 triệu đồng/m2. Khu vực Đồng Mô, Yên Bài (Ba Vì) giá khoảng 5 - 7 triệu đồng/m2. Tại Sóc Sơn, giá đất thổ cư tại Phủ Lỗ 15 - 30 triệu đồng/m2; tại Minh Tân, Minh Trí trên dưới 10 triệu đồng/m2…
Tại huyện Mê Linh, sau cuộc đấu giá mới diễn ra trong tháng 6, giá đất khu vực tăng nhẹ theo nhưng giao dịch nhỏ giọt. Anh Nguyễn Hà, môi giới tại Mê Linh cũng xác nhận, hiện nay giá đất tại khu vực tăng nhưng giao dịch gần như không có. “Không chỉ đất thổ cư tăng 10 - 20% mà cả đất dự án như dự án HUD Mê Linh mặc dù sau phiên trả giá công khai người mua được đã rao bán chênh 2 - 3 giá so với giá mua được thì nay lại tăng thêm khoảng 2 - 3 giá nữa so với giá chênh. Tuy nhiên, việc giá rao bán tăng là một chuyện còn giao dịch thành công thì rất hiếm”, anh Hà nói.
Hầu hết thị trường vùng ven và trung tâm Hà Nội, các môi giới cũng đều xác nhận giao dịch thành công khó kiếm. Dòng tiền đang có xu hướng về thế phòng thủ, chủ yếu các nhà đầu tư chỉ khảo giá.
Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội phân tích, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, đà tăng giá bất động sản được dự báo sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang cùng với nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá bất động sản tăng là xu hướng tự nhiên, nguyên lý của thị trường ở những khu vực được đầu tư hạ tầng đồng bộ nhưng nếu tăng nóng ăn theo quy hoạch, xây dựng hạ tầng thì đó là biểu hiện bất thường của hoạt động đầu cơ.
Minh Tâm
Nhịp sống kinh tế