Những khoản lỗ kỷ lục của ngành thép
Cơn bão “ngành thép” ập đến khiến cuối tuần của nhà đầu tư thêm phần bất ổn. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng những khoản lỗ vừa công bố vẫn khiến giới đầu tư giật nảy mình.
Những khoản lỗ kỷ lục của ngành thép
Trong ngày thứ Sáu (28/10), hàng loạt ông lớn ngành thép công bố báo cáo tài chính với những khoản lỗ vượt xa dự báo của các chuyên viên phân tích.
Cụ thể, Hoà Phát lỗ sau thuế 1,786 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ cao nhất từ trước đến nay. Trong 15 năm qua, đây chỉ mới là quý lỗ thứ 2 của “vua thép”.
Hay như Thép Pomina ( HOSE : POM ) bất ngờ lỗ hơn 715 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn. Tổng Công ty Thép Việt Nam ( TVN ) cũng lỗ kỷ lục 534 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 3/2022 của các ông lớn ngành thép
Đvt: Tỷ đồng
Ở các doanh nghiệp tôn thép, Nam Kim và Hoa Sen cũng lỗ kỷ lục 419 tỷ đồng và 887 tỷ đồng, với doanh thu giảm tương ứng 44% và 50% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp thương mại thép như SMC cũng không khá khẩm hơn, với khoản lỗ 188 tỷ đồng, quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp thép quy mô nhỏ hơn cũng báo lỗ nặng như TIS lỗ hơn 25 tỷ đồng (lỗ nặng nhất từ năm 2013), VCA lỗ 22 tỷ đồng (nặng nhất từ năm 2009).
Một số doanh nghiệp thép rơi vào tình cảnh khó khăn đến nỗi phải đóng cửa lò cao và cắt giảm nhân sự như Pomina, hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên như Công ty TNHH Thép Miền Nam.
Nhu cầu ảm đạm, một công ty thép cho nhân viên nghỉ luân phiên trong quý 4
* Hãng thép Pomina dừng lò cao, cắt giảm nhân sự
Sau khi những khoản lỗ được hé lộ, một số cổ phiếu thép giảm sàn trong phiên ngày 28/10. Trên thực tế, đà giảm đã khởi đầu từ rất lâu và nếu so với đỉnh cuối năm 2021, SMC giảm gần 78%, TVN lao dốc hơn 70%, NKG giảm 67% và HPG sụt 62%.
Khó khăn của ngành thép
Những khoản lỗ kỷ lục xuất hiện sau 2 năm kinh doanh cực kỳ bùng nổ của ngành thép. Nguyên nhân vẫn đến từ đà giảm sâu của giá bán và sản lượng tiêu thụ thép, cùng với đó là việc trữ hàng tồn kho giá cao quá nhiều.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu sử dụng thép trong nước đang ở mức thấp, đồng thời xuất khẩu giảm nhiều do giá cao hơn giá khu vực.
“Các nhà máy đều đối diện mức lỗ lớn do tồn kho cao ở mức giá cao và đối diện mức lỗ lớn hàng tháng. Các nhà thương mại giảm bớt lượng mua vào vì tâm lý e ngại giá có thể giảm”, Hiệp hội thép Việt Nam cho biết.
Trên toàn cầu, lạm phát cao đang kéo giảm nhu cầu sử dụng các mặt hàng không thiết yếu như thép, đồng thời khiến Fed liên tục nâng lãi suất quyết liệt. Điều này làm tăng mặt bằng lãi suất trong nước, từ đó tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất, kinh doanh. Đồng USD tăng cũng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu như thép cán nóng, kẽm thỏi, hợp kim nhôm kẽm,… của các doanh nghiệp tôn mạ.
Chưa hết, sự trì trệ của thị trường bất động sản trong bối cảnh bị tắc nghẽn nguồn vốn chắc chắn sẽ tạo thêm thách thức cho ngành kim loại này trong quý 4/2022.
Trải qua những khó khăn hiện nay, nhà đầu tư giờ mới thấm thía lời cảnh báo của Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long cách đây 5 tháng. Với những ai ngó lơ lời cảnh báo này và vẫn “gắng gồng” với cổ phiếu thép, họ có lẽ trải qua một cuối tuần đầy bất ổn khi những ước tính của bản thân bị xáo trộn bởi kết quả quý 3.
Vũ Hạo