Những ‘hóa thạch’ đẹp đẽ về người chiến sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng

Chia sẻ Facebook
21/07/2022 21:27:22

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam gọi những tác phẩm mỹ thuật trong triển lãm ‘Còn mãi với thời gian’ chính là những hóa thạch đẹp đẽ về hình tượng người chiến sĩ, liệt sĩ, là tiếng lòng của các nghệ sĩ về những người ngã xuống cho hòa bình.

Nhiều khách quốc tế xem triển lãm "Còn mãi với thời gian" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU


Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang diễn ra triển lãm mỹ thuật Còn mãi với thời gian , kéo dài tới 29-7.

Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022).

Triển lãm giới thiệu 69 tác phẩm mỹ thuật đa dạng về phong cách, chất liệu của 62 tác giả được lựa chọn trong sưu tập của hai bảo tàng.

Các tác phẩm hội họa, điêu khắc của nghệ sĩ nhiều thế hệ, trong đó không ít những nghệ sĩ đã trực tiếp cầm súng, cho thấy những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ; những ký ức không quên về các cuộc chiến tranh đã qua cũng như những nỗi đau hậu chiến; về những người mẹ Việt Nam anh hùng; những dân quân, y sĩ, bác sĩ, những con người bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.

Một vị khách quốc tế quan tâm chụp lại nhiều bức họa kháng chiến - Ảnh: T.ĐIỂU


Người xem sẽ được trải qua nhiều cảm xúc, từ rưng rưng trước những mất mát hy sinh, sức chịu đựng của con người trong chiến tranh (điêu khắc Anh thương binh - Phạm Mười, Ca mổ trong hang sơ tán - Trần Ngọc Hải)… đến xót xa trước những nỗi đau sau cuộc chiến như tác phẩm Không trở về, Sau cuộc chiến, Người đồng đội được tìm lại, Người đàn bà ở phố Khâm Thiên, Dioxin


Và tự hào về những người lính dũng cảm, kiên cường trong những trận chiến khốc liệt mà luôn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi qua các tác phẩm như Trong lán dân quân (họa sĩ Nguyễn Văn Chung), Thương binh xem triển lãm ( họa sĩ Xuân Hồng ), Đêm trăng qua vọng gác (họa sĩ Mai Long), Đọc báo cho thương binh (họa sĩ Trần Hữu Tê).

Tác phẩm Mẹ Thứ - Mẹ Việt Nam anh hùng của nhà điêu khắc Nguyễn Minh Đỉnh trưng bày tại triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU


Những tác phẩm thể hiện tình quân - dân gắn bó như Bà má miền Trung (họa sĩ Nguyễn Văn Chư), Đón anh về (nhà điêu khắc Lê Thược) , Nuôi giấu thương binh (họa sĩ Thọ), Giã gạo nuôi quân (họa sĩ Phạm Việt)... cũng mang đến nhiều cảm xúc tự hào đặc biệt cho người xem về cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại của dân tộc.

Có một ‘cung trầm’ ở di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), mời gọi người ghé thăm, xúc động trước những tấm gương anh hùng, liệt sĩ trong tháng 7, tháng tri ân những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống cho độc lập, tự do.

Chia sẻ Facebook