Những hiệu ứng tích cực của chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa
Thời gian qua, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã và đang mang lại những hiệu ứng tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của giáo dục.
Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt với đối tượng phục vụ, tác động rất đông đảo, rộng rãi, liên quan đến nhiều gia đình và thành phần trong xã hội. Thời gian qua, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã và đang mang lại những hiệu ứng tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của giáo dục. Sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc thù, vì vậy, cần có những quyết sách để ổn định thị trường sách giáo khoa, trong đó có những quyết sách về việc tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, thẩm định, phát hành, giá cả...
Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) là một cơ sở giáo dục phổ thông nhưng đã đóng góp nhiều tác giả cho công tác biên soạn sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cô giáo Lê Thị Vân Anh - giáo viên trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội - chia sẻ: "Là những người thực dạy, chúng tôi hiểu được tâm sinh lý của các con, chúng tôi biết các con cần gì mong gì trong cuốn sách tham khảo mà chúng tôi đang thực hiện".
Cô giáo Phùng Thị Thạo - giáo viên trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết: "Đây là một cơ hội để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm đồng thời cũng cảm thấy cần phải trau dồi chuyên môn, đọc rất nhiều tài liệu liên quan xây dựng những bài tập theo hướng phát triển năng lực cho các con".
Thực tế, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã huy động được đông đảo nhà giáo, nhà khoa học tham gia viết sách. Chỉ tính riêng bộ sách Cánh Diều đã quy tụ 350 tác giả.
Tại Tọa đàm "Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục", các đại biểu nhất trí rằng đây là chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá khi không chỉ chống độc quyền mà còn mang lại lợi ích rất lớn là giảm bớt gánh nặng đầu tư công.
Kiên định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa mặt hàng này vào danh mục hàng hóa được định giá cần được cân nhắc kỹ lưỡng với các chính sách phù hợp.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam - cho hay: "Sách giáo khoa không phải là thị trường độc quyền, chúng ta đã thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa thì có nghĩa là chúng ta đã cho phép một thị trường cạnh tranh trong sản xuất sách giáo khoa. Vậy thì nhà nước vẫn phải quản lý nhưng quản lý bằng cách nào để vẫn phát huy hết hiệu quả tạo điều kiện cho người sản xuất sản xuất được, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiêu dùng được".
Chương trình phổ thông 2018 là lần đầu thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa. Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, việc thực hiện chủ trương này đã không tránh được những khó khăn, khiếm khuyết. Tiếp thu, có giải pháp, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục bổ sung thêm các nội dung để hoàn thiện cơ chế, chính sách.