Những 'hàng rào tre' giữa lòng Trung Quốc
Tồn tại tư tưởng “bảo hộ địa phương”, hay nói cách khác là một cuộc chiến tranh thương mại cục bộ, ngay trong lòng Trung Quốc.
Dù nhiều người dân Trung Quốc không dám thừa nhận sự thật phũ phàng này, nhưng không khó để nhận ra điều đó ngay từ những chiếc taxi đang hàng ngày chạy trên các con phố khắp đất nước.
Phần lớn xe taxi đang lưu hành tại thành phố Bắc Kinh thuộc dòng xe Hyundai Elantras. Tại Thượng Hải, chúng ta thường xuyên bắt gặp những chiếc taxi Touran or Passat của hãng chạy Volkswagen lăn bánh trên đường phố. Và tại Vũ Hán, dòng xe phổ biến dùng để chạy taxi là Citroën Elysées.
Trong mỗi trường hợp, lời giải thích hầu như tương tự. Những thương hiệu xe hơi kể trên đều phải liên doanh với các nhà sản xuất ôtô nội địa, “con cưng” của chính quyền mỗi địa phương đó, dù điều đó gây không ít ảnh hưởng tới các hãng sản xuất xe hơi khác và khách hàng của họ.
Đây chính là ví dụ điển hình nhất cho tư tưởng “bảo hộ địa phương”, hay nói cách khác là một cuộc chiến tranh thương mại cục bộ, đang tồn tại trong lòng Trung Quốc. Phần lớn các tỉnh, thành phố đang nỗ lực bảo vệ các doanh nghiệp địa phương khỏi sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp “ngoại lai”. Những biện pháp bảo hộ này khiến cho một thị trường Trung Quốc rộng lớn bị phân mảnh thành muôn vàn những thị trường nhỏ lẻ.
“Trung Quốc có nhiều đặc điểm giống như Liên minh châu Âu”, Jörg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc. “Chúng tôi có 27 quốc gia thành viên, còn họ có 31”. EU nỗ lực hình thành nên một thị trường chung trong suốt ba thập kỷ qua, và Trung Quốc cũng đã tham gia cuộc chiến chống lại tư tưởng cục bộ này trong từng ấy thời gian. Các tờ báo tại thời điểm năm 1991 tràn ngập các bài báo nói về chủ đề “độc tài kinh tế”, chia rẽ Trung Quốc thành những “công quốc” nhỏ, được bảo vệ bởi những “hàng rào tre”.
Những biện pháp bảo hộ đó tương đối sức đa dạng, theo Wuttke. Chính quyền các địa phương có thể đưa ra những quy định mà chỉ các doanh nghiệp địa phương có thể đáp ứng và các quy định gây bất lợi cho những doanh nghiệp đến từ địa phương khác. Trong quá khứ, từng xuất hiện trường hợp chỉ có các mẫu xe ôtô sản xuất tại địa phương đó mới được quyền ưu tiên sử dụng đường cao tốc, theo kết quả một cuộc nghiên cứu của Panle Jia Barwick và cộng sự tới từ Đại học Cornell.
Một vài trường hợp xảy ra thời gian gần đây còn được chính Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) phơi bày.
Ví dụ, tỉnh Cát Lâm yêu cầu sản phẩm của các công ty phân bón phải được kiểm định bởi một cơ quan kiểm định địa phương. Thành phố Mã An Sơn từ chối cấp phép khai thác Dolomit cho các doanh nghiệp tư nhân khi họ chưa xin đủ 7 con dấu từ các cơ quan chức năng địa phương này. Thành phố Thái Nguyên yêu cầu các lái xe tải phải cung cấp lộ trình trong quá trình cấp phép ra vào thành phố, điều khiến cho các tài xế tới từ địa phương khác gặp vô vàn khó khăn. Cơ quan quản lý giao thông tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Giang Tây ủy quyền đăng ký xe đạp điện cho các doanh nghiệp bảo hiểm địa phương, và họ thường yêu cầu khách hàng mua kèm bảo hiểm phương tiện.
Những trường hợp hợp bảo hộ kể trên đều đã được chấn chính, theo NDRC. Tuy nhiên, việc cơ quan này công bố những trường hợp kể lên phần nhiều mang tính chất răn đe những cách làm tương tự đã, đang và sẽ được áp dụng tại nhiều địa phương khác.
Để hiểu rõ hơn động cơ đằng sau hành động của NDRC, hãy tìm hiểu điều gì đã xảy ra khi những quy định bảo hộ đó được dỡ bỏ.
Các địa phương cấp huyện tại Trung Quốc (với dân số trung bình khoảng 500.000 người) thường “bắt tay với những địa phương cấp cao hơn (với dân số lên tới hàng triệu người) và sau đó xóa bỏ đi các hàng rào hành chính ngăn cách giữa các bên. Khi điều đó xảy ra, những địa phương này thường có bước phát triển vượt bậc về mặt kinh tế-xã hội. Thu nhập bình quân đầu người tại các địa phương này cao hơn 12,6% so với địa phương “khép mình”, theo kết quả nghiên cứu của Yi Han và cộng sự tới từ Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc. Điều này hoàn toàn tương tự với các quốc gia nhỏ tại châu Âu, được hưởng lợi từ một thị trường chung rộng lớn.
Những nỗ lực nhằm xóa bỏ những “hàng rào tre” đó trở nên cấp thiết trong một vài năm gần đây. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung và gần đây nhất là đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo Trung Quốc kết luận rằng nền kinh tế số hai thế giới không thể tiếp tục phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Họ đang chuyển hưởng nền kinh tế ra khỏi một mô hình tăng trưởng cũ kỹ, với tăng trưởng được tạo ra thông qua nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa và linh kiện rồi xuất khẩu các sản phẩm hoàn thiện. Sự chú ý của họ giờ đã chuyển sang một thị trường nội địa đầy tiềm năng.
Trong tháng 4, Bộ Chính trị và Quốc vụ viện Trung Quốc (tương đương với cấp chính phủ) đã thống nhất ý kiến chỉ đạo xây dựng một “thị trường quốc gia thống nhất”.
Tuy nhiên, thời điểm chiến lược này được khởi xướng trùng khớp với quãng thời gian Thượng Hải đang trong giai đoạn phong tỏa chặt với thậm chí những hàng rào sắt đã được dựng lên. Tuy nhiên, sáng kiến này hoàn toàn được chào đón. “Họ nhận ra rằng những phép màu trong công tác xuất khẩu trong suốt thời gian qua sẽ sớm biến mất. Họ cố gắng tìm ra một mô hình tăng trưởng mới đối với nền kinh tế. Và dỡ bỏ những rào cản cục bộ không phải là một ý tưởng tồi”, Wuttke nhận định.
Tồn tại quan ngại rằng nếu chính quyền các địa phương nới lỏng các quy định pháp luật, họ có thể rơi vào tình trạng trì trệ, mất động lực. Cạnh tranh giữa các địa phương suy cho cùng là động lực giúp nền kinh tế luôn vận động. Nhưng trong một thị trường thống nhất, nếu chính quyền các địa phương cạnh tranh nhau bằng cách đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nguồn lực chất lượng cao và hệ thống chính sách linh hoạt, điều đó sẽ giúp ích cho nền kinh tế nhiều hơn.
Và cũng tồn tại một mối lo lớn hơn rằng tư tưởng bảo hộ này sẽ tiếp tục tồn tại bất chấp nỗ lực kéo đổ nó từ giới lãnh đạo Trung Quốc. Một thị trường thống nhất, tất nhiên, sẽ có “kẻ thắng, người thua”. Các địa phương có thể sẽ vẫn duy trì tư tưởng bảo hộ vì một lý do: họ muốn bảo toàn việc làm của người dân, nguồn thu từ thuế và ổn định xã hội, những yếu tố quan trọng giúp họ ghi điểm với giới lãnh đạo cấp cao. Và để ngăn chặn tình trạng ưu ái các doanh nghiệp địa phương, Chính phủ Trung Quốc cũng cần phải thay đổi lại cách đánh giá của chính mình.
Nguồn: The Economist