Những gợi mở cho kinh tế Việt Nam từ Harvard

Chia sẻ Facebook
17/05/2022 01:00:25

Sáng 15-5 (giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự tọa đàm chính sách với các giáo sư, khách mời tại Đại học Harvard, bang Massachusetts.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Harvard vào chiều 14-5 (theo giờ địa phương) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH


Buổi tọa đàm chính sách này diễn ra ngay sau khi Thủ tướng có bài phát biểu kéo dài khoảng 40 phút, tập trung trình bày về chủ đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại Việt Nam.


Tôi đến đây với tình cảm kép: tình cảm của Đại học Harvard dành cho đoàn và tình cảm của mối lương duyên, sự kết nối giữa Việt Nam và Mỹ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính


Hiến kế từ giáo sư Harvard

Tại tọa đàm, giáo sư kinh tế David Dapice ở Đại học Harvard đánh giá việc tham gia những hiệp định thương mại quốc tế là thành công tuyệt vời của Việt Nam. Hàng triệu người lao động nông nghiệp đã vào nhà máy.

Tuy nhiên, ông Dapice chỉ ra một trong những điểm yếu của kinh tế Việt Nam chính là phần lớn nguyên liệu sản xuất đều nhập từ Trung Quốc. "Khi COVID-19 xảy ra, biên giới đóng cửa hay khi có căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phát triển đầu vào trong nước, đa dạng hóa nguồn phục vụ xuất khẩu", giáo sư Dapice nêu.

Cũng theo giáo sư Dapice, thặng dư thương mại với Mỹ năm nay của Việt Nam có thể lên tới 100 tỉ USD. Con số này so với Mỹ là nhỏ, nhưng gợi ý cho Việt Nam cần liên tục trao đổi để tránh bị cho là thao túng tiền tệ.

Đáp lại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết ngân hàng phải tăng cường phân tích dự báo để đưa ra chính sách đồng bộ, phù hợp thực tiễn; kiên quyết không dùng tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại.

"Với sự kiên định đó, trong nhiều năm, kết quả kiểm soát lạm phát của Việt Nam rất ấn tượng, đi đôi với tốc độ tăng trưởng khá cao. Thị trường ngoại hối ổn định, là điểm sáng để Việt Nam nâng cao vị trí trong xếp hạng tín nhiệm", bà Hồng nói.

Chuyên gia kinh tế Dapice cũng cho rằng nền quản trị của Việt Nam cũng nên kích hoạt phản ứng nhanh nhạy, còn nền kinh tế số đòi hỏi đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giao thương với nước ngoài, hợp tác đào tạo giáo dục.

Giáo sư Dapice cho biết việc thu hút FDI ngày càng khó hơn, do đó ông khuyến nghị Việt Nam hãy làm sao cho năng lượng tái tạo hiện hữu, tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước ASEAN khác. "Muốn trở thành nền kinh tế đáng tin cậy, phải tránh xa nguồn đầu tư không mang lại cạnh tranh cho Việt Nam", ông gợi ý.

Cuối cùng, theo vị giáo sư đang giảng dạy tại Đại học Harvard, nền kinh tế Việt Nam phải được duy trì độ mở cần có, đặc biệt là vấn đề thông tin trao đổi. Khi có độ mở sẽ thu hút nhiều tài năng hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.


3 câu hỏi dành cho Thủ tướng

Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được 3 câu hỏi từ các khách mời. Có vị băn khoăn ĐBSCL là tài sản địa chính trị nhưng đã bị hạn chế nước ở thượng nguồn, làm ảnh hưởng đến hạ nguồn. Chính phủ Việt Nam làm gì để hạn chế tác động đó?

Thủ tướng cho biết trong cuộc thảo luận với Tổng thống Joe Biden ở khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, hai bên cũng đề cập nội dung này. Theo Thủ tướng, đây là vấn đề của khu vực nên cần có sự chung tay của các nước, và cũng có tác động đến người dân nên phải kêu gọi người dân cùng quan tâm.

Câu hỏi thứ hai đến từ cô Sahra, sinh viên cao học ở Đại học Harvard. Cô đặt câu hỏi: "Việt Nam làm gì để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo?". Đáp lại, Thủ tướng nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là quan điểm nhất quán của Việt Nam, quan điểm này vừa phải kế thừa vừa đổi mới và phát triển.

"Phải có hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo, trước hết phải có thể chế, nguồn lực, con người, làm sao để mỗi người hào hứng tham gia đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phải có sự chung tay hợp tác quốc tế mới tạo ra được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo", Thủ tướng nêu.

Nêu câu hỏi cuối cùng là một chuyên gia an ninh mạng người Việt Nam đang làm việc tại Mỹ. Anh này cho biết muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực phát triển kinh tế số nhưng chưa biết làm như thế nào.

Thủ tướng cho biết an ninh mạng là vấn đề toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Đây là vấn đề Việt Nam đang hợp tác quốc tế và tự nâng cao năng lực thông qua xử lý các vấn đề xảy ra trong thực tiễn.

"Bạn có thể tham gia hỗ trợ hoàn thiện thể chế, công nghệ liên quan an ninh mạng, đặc biệt là tham gia đào tạo con người vì tạo ra an ninh mạng hay chống lại nó đều là do con người", Thủ tướng cho biết.


Kiên định nền kinh tế độc lập, tự chủ

Trong bài phát biểu tại Đại học Harvard, Thủ tướng giải thích vì sao Việt Nam kiên định xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Thủ tướng cho biết thời gian gần đây, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định trên nhiều phương diện như cạnh tranh chiến lược, xung đột diễn ra gay gắt, rủi ro tài chính, tiền tệ quốc tế và đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng.

Ngoài ra, thế giới cũng đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng, an ninh con người...

"Bối cảnh đó đòi hỏi các nước phải chú trọng hơn đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm thiểu tác động trước những cú sốc từ bên ngoài trong quá trình hội nhập; trong đó, khẳng định xu hướng độc lập, tự chủ không có nghĩa là đóng cửa, tự cung tự cấp mà gắn liền với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế", Thủ tướng nêu.

Phát biểu tại ĐH Harvard (Mỹ), Thủ tướng nêu rõ việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Chia sẻ Facebook