Những gạch đầu dòng có ý nghĩa sống còn với tài xế khi lên dốc, đổ đèo

Chia sẻ Facebook
15/04/2024 04:50:31

Đường đèo dốc nhiều tài xế e ngại trước những hành trình dài, bởi chỉ một chút sơ sẩy là ô tô có thể lao xuống vực. Một số kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn tự tin hơn trong những chuyến du xuân.

Báo Dân Trí năm 2023 đưa thông tin với tiêu đề: Những gạch đầu dòng có ý nghĩa sống còn với tài xế khi lên dốc, đổ đèo. Với nội dung như sau:

Việt Nam có địa hình 3/4 là đồi núi, cộng thêm điều kiện thời tiết nóng ẩm mưa nhiều gây hạn chế tầm nhìn, nên nhiều cung đường đèo dốc rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi phía bắc Việt Nam (Ảnh: DutchTa/Flickr).

Để lái xe an toàn trên đường đèo núi liên tục đổ cua, xuống dốc, ngoài sự tập trung, người lái xe cần có một số kỹ năng cơ bản. Dưới đây là một số kinh nghiệm được đúc kết từ các tài xế lâu năm và chuyên nghiệp:


Sự chuẩn bị tốt

Trước mỗi chuyến đi dài nói chung và đi đường đèo dốc nói riêng, tài xế cần chuẩn bị cho xe "sức khỏe" tốt. Cụ thể, hãy chú ý bảo dưỡng xe đúng thời hạn để có thể kiểm soát được chất lượng hệ thống má phanh và lốp xe, đảm bảo dầu phanh và dầu hệ dẫn động đầy đủ. Ngoài ra, cần kiểm tra cần gạt nước, cảm biến, áp suất lốp, nước làm mát, hệ thống chiếu sáng trên xe…

Thứ hai, người cầm lái cần có sức khỏe tốt, ngủ đủ giấc trước khi lên đường. Hãy lên kế hoạch nghỉ nhiều chặng trong những hành trình dài, để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho tài xế vì lái xe ô tô trên đường đèo dốc đòi hỏi sự tập trung cao độ, dễ khiến tài xế mệt mỏi. Ngoài ra, việc chia nhỏ quãng đường thành nhiều chặng khác nhau còn giúp xe được làm mát sau thời gian hoạt động hết công suất.


Tuân thủ luật giao thông và biển báo

Đây là việc cần thiết bất cứ khi nào tham gia giao thông, nhưng đặc biệt quan trọng khi di chuyển trên các đoạn đường đèo dốc.

Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, trên các đoạn đèo dốc có rất nhiều biển báo, gương lồi đặt san sát nhau để có những chỉ dẫn và hỗ trợ quan sát tốt nhất. Tài xế cần đi đúng tốc độ cho phép, chú ý quan sát và giữ khoảng cách an toàn, chỉ vượt khi có đủ khoảng trống và tầm quan sát cần thiết; và nhớ dùng xi-nhan để xin vượt.


Kiểm soát tốc độ

Ở các đoạn đường đèo thường có biển báo giới hạn tốc độ mà người lái cần tuân thủ để đảm bảo an toàn. Ngay cả khi thấy đường vắng cũng không nên chạy quá tốc độ cho phép, bởi nếu gặp tình huống bất ngờ sẽ không kịp xử lý. Nếu xe phía sau bấm còi hối thúc mà xe bạn đã đạt đến tốc độ giới hạn cho phép, hãy chủ động nhường đường.


Thận trọng khi vào cua

Đặc điểm của đường đèo là nhiều khúc cua, thậm chí cua gắt, và phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đây, vì xe có xu hướng lấn đường, vượt ẩu và chạy quá nhanh khi vào cua. Do đó, mỗi khi vào cua, người lái phải thật cẩn trọng, chú ý quan sát, giảm tốc độ, nhấn còi để báo hiệu cho các xe khác, đánh lái ôm cua tròn, không lấn sang phần đường ngược chiều và cũng không nên bám sát vạch kẻ tim đường. Tại những khúc cua, đoạn đường nhiều xe máy lưu thông, nếu lái xe bám sát vạch chia đường sẽ rất dễ xảy ra va chạm.

Khúc cua chữ C trên đèo Hải Vân thuộc địa phận Đà Nẵng (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN).

Cua gấp và chạy tốc độ cao là điều tuyệt đối phải tránh khi lái xe trên đường đèo. Đặc biệt, cần tránh vượt ẩu, cắt cua ở những nơi có vạch kẻ liền, vì đây là những góc cua khuất tầm nhìn, dễ xảy ra tai nạn.


Kiểm soát kỹ thuật phanh

Khi xuống dốc, nếu không có kinh nghiệm, tài xế sẽ có xu hướng giữ phanh liên tục mà không biết rằng làm như vậy khiến phanh chịu áp lực rất lớn, dễ bị nóng, gây mòn má phanh, cháy phanh, mất phanh. Lời khuyên của các tài xế lâu năm là khi đổ đèo cần sử dụng phanh động cơ bằng cách chuyển xe về số thấp, chỉ đạp phanh dứt khoát trong tình huống cần thiết, không rà phanh lâu.

Lên dốc số nào xuống dốc số đó là nguyên tắc cơ bản mà tài xế cần nắm rõ. Hầu hết xe ô tô đời mới hiện nay được trang bị hệ thống số tự động thay vì số sàn, nhưng cả hai loại xe đều được hỗ trợ chức năng phanh động cơ khi xuống dốc.

Trên xe số tự động, ngoài số D, còn có các vị trí đã được đánh số 3-2-1 hay L, S, M dùng để phanh động cơ khi lái xe xuống dốc.

Khi xuống dốc, đổ đèo mà xe trôi nhanh ngoài ý muốn thì tài xế cần lập tức đạp phanh (không đạp chết phanh) và về số thấp hơn. Tuy nhiên, nếu chạy ở số quá thấp thì khi xuống dốc xe sẽ bị gằn, vòng tua máy lên cao, rất hại xe và khó điều khiển, lúc này nên chọn cấp số cao hơn.

Khi kiểm soát tốc độ bằng số, xe sẽ xuống dốc ổn định, khiến cho việc đổ đèo "nhàn" và an toàn hơn.

Khi xuống gốc mà gặp mặt đường trơn trượt, tài xế nên nhấp nhả phanh từ từ, thay vì đạp lút phanh, dễ dẫn tới hiện tượng bó phanh, mất lái, xe bị văng mạnh sang một bên.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Tiếp dến, báo Vnexpress cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Các lưu ý khi lái xe lên dốc đèo núi

Nội dung được báo đưa như sau:


Sử dụng số thấp

Sử dụng các cấp số thấp khi lên dốc đèo là việc làm cần thiết nhằm giúp tăng lực kéo của động cơ, xe di chuyển lên dốc dễ dàng hơn. Với xe số tự động, việc chuyển xuống số thấp sẽ được thực hiện một cách tự động khi đi trên đường đèo dốc, tài xế không cần phải thực hiện gì thêm. Với các xe số sàn, tài xế chỉ cần chuyển về số thấp một cách tuần tự. Dốc càng cao, số càng thấp.

Một đoạn đường dốc đèo Gia Bắc, QL28. Ảnh: Tân Phan

Lưu ý khi sử dụng số thấp, máy sẽ "gầm" lớn hơn do vòng tua tăng cao. Với xe cũ, máy yếu, việc leo đèo liên tục với dốc cao, chở nặng có thể khiến động cơ làm việc quá khả năng, gây nóng máy, trượt côn, không thể bò lên dốc. Nếu gặp tình trạng này, tức chiếc xe đang sử dụng không phù hợp, cần quay đầu, lựa chọn phương tiện khác. Có thể theo dõi nhiệt độ của máy qua đồng hồ báo trên màn hình lái.


Tăng tốc khi ở chân dốc và lúc thoát cua

Việc tăng tốc khi bắt đầu vào đường dốc sẽ giúp có "trớn", xe chuyển số mượt mà hơn và không bị gầm, khựng đối với số tự động. Lưu ý không đi quá tốc độ giới hạn cho phép.

Bên cạnh đó, kỹ năng vào khúc cua chuẩn là giảm tốc khi bắt đầu tiến vào khúc cua, để sẵn chân phanh chuẩn bị cho các tình huống nguy hiểm bất ngờ nếu có, và chỉ tăng tốc khi xe đã đi hết một nửa khúc cua, tài xế quan sát rõ được đường phía trước. Nếu đó là khúc cua gấp và dốc, xe số sàn, tài nên về số thấp trước khi bắt đầu đánh lái.

Một số khúc cua gấp được gắn thêm gương cần lồi để tài xế có thể quan sát các phương tiện ở phía trước. Cách sử dụng gương cầu lồi tương tự như các gương trên xe, tức chỉ liếc nhìn để quan sát, không nhìn quá lâu dễ gây mất tập trung. Tài xế có thể "nháy pha" vào gương cầu lồi để các tài xế ở phía bên kia góc cua khuất hiểu là có xe di chuyển ở hướng đối diện.

Chỉ vượt khi có đủ điều kiện an toàn và giữ khoảng cách an toàn

Vượt phương tiện khác trên đường đồi núi có nhiều nguy hiểm hơn bình thường, vì đường hẹp, tầm nhìn khuất và điều kiện thời tiết nhiều sương mù. Do đó, chỉ được vượt xe khác trong những khúc đường thoáng, thẳng, không có xe hướng đối diện. Lưu ý chỉ nên vượt một xe một lần, không vượt một lúc nhiều xe, và không vượt ở góc cua gấp.

Ngoài ra, tài xế nên giữ khoảng cách an toàn nhiều hơn với phương tiện ở phía trước, đặc biệt ở các đường dốc cao. Việc giữ khoảng cách sẽ giúp tài xế có nhiều thời gian để xử lý hơn trong trường hợp xe phía trước bị mất phanh và trôi ngược về sau.


Chèn bánh xe khi dừng xe ngang dốc

Sử dụng phanh tay là đã đủ để khiến xe đứng yên khi dừng ngang dốc, nhưng dùng hòn đá, gạch hoặc khúc cây để chèn bánh là một thói quen tốt giúp tài xế yên tâm và tự tin hơn khi dừng xe ở những con dốc lớn, đặc biệt là khi đường trơn trượt, có băng tuyết.

Ngoài ra, khi dừng hoặc đỗ xe hướng trên dốc, có vệ đường, tài xế nên đánh lái hết về phía bên trái. Nếu xe mất phanh, lăn về phía sau, phần bánh phía trước sẽ bị vệ đường cản lại không cho xe trôi về giữa đường. Nếu đỗ xe hướng xuống dốc, nên đánh lái hết về phía bên phải, nếu mất phanh phần bánh phía trước sẽ lăn vào vệ đường. Cách đỗ xe này giúp hạn chế tối đa việc phương tiện bị mất kiểm soát và trôi ra giữa đường, gây nguy hiểm cho các xe khác.

Chia sẻ Facebook