Những đứa trẻ "lớn lên... cùng mạng xã hội"
Những đứa trẻ lớn lên cùng các trào lưu trên không gian mạng là chủ đề của Tiêu điểm văn hoá trong tuần trong Chuyển động trưa 12/8.
TRẺ BỊ DỌA MA BẰNG CÁC CLIP TRÊN MẠNG XÃ HỘI... ĐỂ CHỊU ĂN NGOAN, NGỦ NGOAN
Nhiều người thường gọi là "Tháng 7 cô hồn". Và mạng xã hội không thể bỏ qua điểm nhấn mang tính xu hướng này. Ngay lập tức, một trào lưu xuất hiện khắp các nền tảng mạng xã hội. Nếu lướt tiktok quá 180' tuần qua, bạn sẽ quen với âm thanh của tiếng cười ma mị trong các clip. Trong đó, nhiều đứa trẻ "đang yên đang lành" thì bị lôi ra làm nhân vật chính trong clip doạ ma … cho vui. Nhiều người phản đối cho rằng trẻ dễ bị sang trấn tâm lý, nhiều người khác lại cho rằng "có gì đâu, vui thôi mà", "bình thường mà"... Bởi dọa dẫm những đứa trẻ đôi khi đã trở thành câu cửa miệng, thành công cụ để người lớn nhắc trẻ con nên làm gì.
Chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm với cú pháp "doạ trẻ không …" trong dấu 3 chấm có thể là: ăn, ngủ, ngoan là một loạt clip ngắn sẽ với nhiều khuôn mặt quái dị sẽ hiện ra. Nhìn vào lượt xem lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm nghìn của các clip này, dễ thấy nó đã trở thành công cụ đắc lực như thế nào.
Thật mâu thuẫn khi mà mọi người đều muốn những đứa trẻ lớn lên thật mạnh mẽ thì ngay từ nhỏ ta lại đang vô tình gieo vào chúng những nỗi sợ bằng việc cho xem những video clip này, những trò đùa quá trớn và những lời doạ dẫm. Đứa trẻ sẽ vẫn lên giường đi ngủ nhưng tim đập loạn nhịp, vẫn ăn nhưng hệ tiêu hoá sẽ hoạt động không trơn tru.
Với trẻ nhỏ, hình ảnh và âm thanh là cách tác động tới qua trình học của bộ não nhanh và trực tiếp nhất. Các nền tảng như: youtube, facebook, đặc biệt là tiktok đang thoả mãn hoàn hảo việc học thông tin này. Thậm chí, thuật toán của các nền tảng này còn liên tục được tối ưu để giữ chân người dùng càng lâu càng tốt. Chủ đề này chưa bao giờ hết nóng, bởi luôn có những đứa trẻ mới, những ông bố bà mẹ mới xuất hiện và những kênh mạng xã hội mới có thể tác động đến trẻ nhỏ cũng vậy xuất hiện nhanh không kém.
THỰC TRẠNG ĐÁNG LO NGẠI VỀ VIỆC TRẺ NGHIỆN MẠNG XÃ HỘI
Với nhiều gia đình hiện nay, việc các con sử dụng mạng xã hội quá nhiều gây ra những biểu hiện rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc kiểm soát cũng rất khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận gần 300 cuộc gọi cần tư vấn liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Anh Nguyễn Việt Dũng - Cán bộ tư vấn Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cho biết: "Các nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng có xu hướng tăng. Thông qua clip đó, mình thấy được sự sợ hãi đến tột độ của trẻ. Đây là một hình thức về bạo lực tinh thần đối với trẻ em. Sự việc đó xảy ra thường xuyên và nó diễn ra trong thời gian dài thì rõ ràng nó sẽ ảnh hưởng đến mặt tâm lý của trẻ".
PGS.TS Trần Thu Hương - Khoa Tâm lý học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: "Khi các bạn ấy không nhận thức được là thế nào là đúng - thế nào là sai và dần mất định hướng trong mọi vấn đề thì trong khoảng một vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ các bạn bị sai định hướng rất nhiều".
Trước thực trạng trên, để kiểm soát nội dung và thời gian dùng mạng xã hội của trẻ, các bậc phụ huynh đa số đều sử dụng giải pháp "cấm". Tuy nhiên, chẳng ai chắc chắn 100% rằng mình có thể cấm thành công.
Khi cấm không xuể thì các biện pháp phòng ngừa là cần thiết. Các biện pháp này cần đến từ 3 phía.
Về phía các mạng xã hội: Liên tục thay đổi chính sách quyền riêng tư, phát triển thêm các bộ lọc là cách làm chung dễ thấy. Như Tiktok, sắp tới, mạng xã hội này sẽ cập nhật thêm tính năng chọn lọc đối tượng xem video trước khi đăng tải, hay tự động tắt thông báo lúc 9h tối với tài khoản người dùng từ 13-15 tuổi và 10h tối với các tài khoản từ 16-17 tuổi.
Về phía cơ quan quản lý: Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8 vừa qua, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một số nghị định quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi và sẽ được ban hành trong quý 3 này, từ đó tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để quản lý. Ví dụ như việc định danh chính xác các tài khoản mạng xã hội, để các phát ngôn có trách nhiệm hơn; hay việc phối hợp cùng Bộ GD&ĐT xin ý kiến Chính phủ, đưa nội dung quy tắc ứng xử trên không gian mạng vào từng trường học.
Về phía gia đình: Chẳng thiếu những phần mềm có thể liên kết tài khoản mạng xã hội của con với cha mẹ, từ đó kích hoạt nhiều cài đặt về mặt nội dung và quyền riêng tư. Quan trọng, các bậc phụ huynh có chú ý tới để làm hay không.