Những điều thú vị về chuồn chuồn có thể bạn chưa biết
Chắc chúng ta không còn xa lạ với những chú chuồn chuồn đầy màu sắc với đôi cánh trong suốt gắn liền với tuổi thơ êm đềm.
Chắc chúng ta không còn xa lạ với những chú chuồn chuồn đầy màu sắc với đôi cánh trong suốt gắn liền với tuổi thơ êm đềm. Trong dân gian Việt Nam có lưu truyền câu: “Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi” . Thực hư thế nào chưa rõ nhưng những câu chuyện đầy màu sắc về chuồn chuồn trên khắp thế giới cũng đa dạng như những vùng đất mà chúng được tìm thấy, ngoại trừ Nam Cực.
Những điều thú vị về chuồn chuồn
Chuồn chuồn (Odonata) là loại côn trùng với khoảng 4.500 loại hiện được biết tới, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô (Anisoptera) và chuồn chuồn kim (Zygoptera). Odonata – có nghĩa là “có răng”, phân thứ bộ Anisoptera – có nghĩa là “không bằng nhau”, đề cập đến sự khác biệt về kích thước của các cặp cánh.
Ngày nay, kích thước cánh của chuồn chuồn dao động từ 0,6 inch (20mm) của loài Nannophya pygmaea (chuồn chuồn đỏ ở Trung Quốc) đến kích thước 6,2 inch (15cm) của “gã khổng lồ” Petalura ingentissima ở ÚC , nhưng đều thua xa tổ tiên của chúng. Các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của chuồn chuồn Griffenfly ( Meganisoptera ) thuộc kỷ Than đá (cách đây 360-300 triệu năm) có sải cánh dài hơn 60cm.
Các nhà khoa học đặt giả thuyết rằng các loài côn trùng khổng lồ giảm dần kích thước khi oxy trong khí quyển ngày càng ít đi trong suốt lịch sử trái đất. Những loài côn trùng bền bỉ này có những đặc điểm giúp chúng không chỉ tồn tại mà còn phát triển.
“Siêu năng lực” của chuồn chuồn
Chuồn chuồn có khả năng bay lượn tuyệt vời đến mức các chuyên gia chế tạo rô bốt đã cố gắng bắt chước chuyển động của chúng bằng công nghệ hiện đại. Chuồn chuồn có thể chuyển động từng cánh theo hướng lên xuống, trước sau một cách độc lập; cho phép chúng bay thẳng theo bất kỳ hướng nào kể cả bay lùi. Chúng có thể dừng lại giữa không trung, rẽ ngoặt và bay lượn. Tốc độ đập cánh của chuồn chuồn khoảng 30 lần mỗi giây và có thể đạt đến tốc độ trên 30 dặm một giờ.
Chuồn chuồn có đôi mắt cực lớn tập trung ở giữa và thu nhận nhiều thông tin hình ảnh đến mức việc xử lý đòi hỏi khoảng 80% sức mạnh não bộ. Mỗi mắt kép có tới 28.000 mắt đơn (hoặc thấu kính) mang lại góc nhìn 360 độ. Lấy một so sánh, con người chỉ có thể nhìn được 170 độ, trong đó 100 độ là tầm nhìn ngoại vi. Thị giác của chuồn chuồn vượt xa chúng ta về quang phổ vì chúng có khả năng nhìn thấy cả tia cực tím.
Giống như nhiều loài côn trùng, chuồn chuồn có khả năng điều hòa thân nhiệt. Bằng cách giữ vị trí cơ thể cẩn thận và sử dụng đôi cánh một cách chiến lược, chúng có thể tối đa hóa hoặc tối thiểu hóa sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thậm chí tạo ra nhiệt, do đó chúng luôn giữ được thân nhiệt (thuộc động vật máu lạnh) ở nhiệt độ tối ưu.
Một số loài chuồn chuồn di cư để phù hợp với thời tiết và nguồn thức ăn, quãng đường bay của chúng thực sự đáng kinh ngạc. Chuồn chuồn xanh ( Anax junius ), phổ biến ở Bắc Mỹ, di cư theo bầy về phương nam mỗi mùa thu, và bay về phương bắc vào mùa xuân. Chuồn chuồn ngô globe skimmer ( Pantala flavescens ) được mệnh danh là “kẻ lang thang” giữ kỷ lục quãng đường di cư xa nhất là 11.000 dặm – theo những cơn mưa theo mùa nối dài giữa Ấn Độ và Châu Phi.
Vòng đời của chuồn chuồn
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết chuồn chuồn dành phần lớn quãng đời ở trong nước. Trứng đẻ trên mặt nước nở thành nhộng thủy sinh, chúng sẽ lột xác từ 6 đến 16 lần trong 4 năm hoặc lâu hơn tùy thuộc vào loài và khí hậu. Ấu trùng chuồn chuồn ăn ấu trùng côn trùng khác, sâu, nòng nọc, và thậm chí là ấu trùng cùng loài nhỏ hơn. Những con trưởng thành sẽ bò lên khỏi mặt nước trong lần lột xác cuối cùng, có được đôi cánh trong giai đoạn biến thái và được xếp vào loài ăn thịt.
Tương đối ít con trưởng thành vượt qua giai đoạn nguy hiểm – khi cơ thể chúng yếu ớt và vụng về khiến chúng dễ trở thành con mồi cho loài khác. Hàng ngày, chuồn chuồn tiêu thụ lượng thức ăn bằng trọng lượng cơ thể chúng, tương đương với vài trăm con muỗi – là món ‘khoái khẩu’ của chúng.
Chuồn chuồn sử dụng chân để bắt con mồi khi bay. Chúng có một bộ hàm linh hoạt có thể mở to bằng kích cỡ đầu với các răng cửa có hình răng cưa. Những thợ săn thành thạo này có tỷ lệ săn mồi thành công đến 95%. Giai đoạn trưởng thành chỉ kéo dài khoảng 3 đến 6 tháng – trong đó chúng sinh sản và hoàn thành vòng đời.
Cần lưu ý rằng chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim không phải là con đực và con cái của cùng một loài côn trùng. Chuồn chuồn kim thuộc về phân thứ bộ Zygoptera, nhìn chung có cấu tạo nhẹ hơn và di chuyển theo kiểu linh hoạt hơn. Để nhận dạng, người ta có thể so sánh mắt và cặp cánh của chúng. Trong khi mắt của chuồn chuồn ngô gần như gặp nhau ở giữa thì chuồn chuồn kim có đôi mắt tách biệt rõ rệt. Khi nghỉ ngơi, cánh của chuồn chuồn ngôn mở ra khỏi cơ thể giống cánh máy bay, còn cánh của chuồn chuồn kim khép lại ở phía sau.
Những sự tích về chuồn chuồn trên khắp thế giới
Vì chuồn chuồn được tìm thấy ở mọi khu vực có thể sinh sống được trên Trái đất nên mỗi nền văn hóa đều lưu truyền những sự tích khác nhau về chúng. Ở hầu hết các nước, chuồn chuồn được coi là điềm báo may mắn hoặc sứ giả của linh hồn. Tuy nhiên, ở một số nơi lại coi chúng là hiện thân đáng sợ của ma quỷ.
Trung Quốc
Mặc dù chữ Hán 龍 (long), nghĩa là rồng, không có trong các ký tự 蜻蜓 (qingting) nghĩa là chuồn chuồn, nhưng hai loài này vẫn được liên hệ với nhau. Rồng Trung Quốc được coi là biểu tượng của quyền lực, vận may và sự cao quý, vì các hoàng đế Trung Quốc được cho là hậu duệ của rồng thần. Trong thế giới của nghệ thuật xăm hình, chữ Long (龍) là ký tự Trung Quốc phổ biến nhất.
Không giống như loài rồng phương Tây có cánh biểu tượng cho sự hung ác, một số loài rồng Trung Quốc không biết bay và sống ở dưới nước. Chuồn chuồn bay trên không được coi là linh hồn của rồng, còn được gọi là “rồng bay”. Nhìn thấy một con chuồn chuồn được coi là may mắn, và nếu nó bay vào nhà thì sẽ mang lại phước lành cho gia chủ. Tuy nhiên, chuồn chuồn rất khôn ngoan và sẽ chỉ bay vào những gia đình hòa thuận.
Trong Phong thủy Trung Hoa, rồng biểu trưng cho mùa hè và những thay đổi liên tục trong tự nhiên, tượng trưng cho sự phát triển tâm linh và đón nhận những khởi đầu mới. Còn trên thực tế, những nông dân Trung Quốc thời xưa rất coi trọng chuồn chuồn vì chúng là những kẻ săn mồi tuyệt vời giúp kiểm soát dịch hại.
Nhật Bản
Ở Nhật Bản, chuồn chuồn cũng có được một vị thế tốt. Chúng biểu trưng cho niềm vui, sự dũng cảm và thành công. Hình ảnh chuồn chuồn thường hay xuất hiện trong thơ haiku (một thể thơ ngắn độc đáo của Nhật Bản). Chuồn chuồn thậm chí còn được kể đến trong truyền thuyết về Thiên hoàng Jimmu – vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản – người đã được một con chuồn chuồn giải cứu khi bị con muỗi ác độc tấn công.
Có một phong tục hàng năm ở Nhật Bản là chào đón linh hồn của tổ tiên đến thăm người sống trong lễ hội Obon. Lễ hội này diễn ra vào giữa tháng 8 khi lượng chuồn chuồn rất nhiều và một số người tin rằng chúng chở linh hồn trên lưng. Những người khác coi chúng như những linh hồn và được chào đón vào nhà.
Châu Âu
Có lẽ bắt nguồn từ một câu chuyện thần thoại của Rumani, chuồn chuồn trở thành biểu tượng của ma thuật đen và cái chết trên hầu khắp châu Âu. Người ta cho rằng ác quỷ đã biến thành một con côn trùng biết bay để băng qua hồ nước khi bị một người đánh cá từ chối cho đi nhờ thuyền. Đây là sự tích của chuồn chuồn, do vậy chúng bị coi là kẻ giúp đỡ ma quỷ.
Còn ở nước Đức lưu truyền câu chuyện về một nàng công chúa kiêu kỳ và độc ác say mê cưỡi ngựa phi nước đại trong vương quốc. Một người đàn ông nhỏ bé mà cô ấy từ chối nói chuyện đã nguyền rủa cô sẽ mãi mãi kết giao với con ngựa của mình, và đó là nguồn gốc của chuồn chuồn.
Ở Thụy Điển, chuồn chuồn là kẻ săn lùng người xấu. Nếu một con bay quanh cổ ai đó thì có nghĩa là nó đang kiểm tra sự trong sạch của tâm hồn người đó. Nếu nó phát hiện người đó thiếu đức hạnh thì sẽ bắt họ đi trừng phạt. Chuồn chuồn cũng được coi là “cây kim của quỷ” và thường được các bậc phụ huynh Thụy Điển đem ra dọa trẻ con rằng nó có thể khâu khuôn mặt của một đứa trẻ nghịch ngợm khi đang ngủ.
Ở Anh, “cây kim của quỷ” được dùng để khâu vết thương cho những con rắn (tượng trưng cho ma quỷ) khi chúng bị thương.
Châu Mỹ
Mặc dù một số hình tượng độc ác của chuồn chuồn đã theo chân thực dân châu Âu đến thế giới mới – với nỗi sợ hãi của người Iowa về việc ngón tay và ngón chân bị khâu vào nhau khi ngủ quên ngoài cửa, thì những người Mỹ bản địa lại coi loài côn trùng này là điềm lành và là những người bảo vệ.
Có một câu chuyện mô tả chuồn chuồn là một con rồng bị con sói đồng cỏ lừa biến đổi hình dạng nhưng không thể trở lại hình dạng ban đầu. Chúng tượng trưng cho sự thám hiểm và dám thay đổi. Hình ảnh của chúng thường xuất hiện trên đồ trang sức, áo khoác, áo phông và đồ gốm.
Các nền văn hóa bản địa cũng tin rằng côn trùng có lợi cho sức khỏe vì linh hồn của chúng nhập vào cơ thể để hỗ trợ chữa trị bệnh.
Do sự gắn bó của chuồn chuồn với nước nên chúng còn được biết đến với khả năng dự đoán thời tiết và khả năng đánh bắt. Chuồn chuồn bay cao có nghĩa là sắp có mưa lớn, và nếu nó đậu vào cần câu thì nghĩa là buổi đi câu sẽ rất tốt đẹp. Màu sắc của chuồn chuồn thậm chí có thể cho bạn biết con cá nào sẽ cắn câu!
Câu chuyện về chuồn chuồn giúp nâng đỡ tâm hồn
Có một câu chuyện rất được yêu thích của một tác giả vô danh miêu tả hành trình từ một con bọ nước tầm thường trở thành một chú chuồn chuồn xinh đẹp tự do. Câu chuyện kể như sau:
“Có một đám bọ nước sống bên dưới những bông hoa súng trong một cái ao tối tăm. Cuộc sống của chúng đơn giản và đám bọ hài lòng với điều đó.
Nhưng kỳ lạ là thi thoảng một vài con trong bầy lại đột nhiên biến mất khi cố gắng trèo lên thân cây hoa súng. Điều này khiến những con bọ nước rất khó hiểu và cảm thấy hoang mang. Cuối cùng một con trong số chúng quyết định sẽ leo lên mặt nước để tìm hiểu xem và hứa chắc chắn với đám bọ ở lại là sẽ quay về để kể cho chúng nghe những gì nó đã nhìn thấy ở phía trên kia.
Tất cả đám bọ đều đồng ý, chú bọ dũng cảm đã ngoi lên khỏi mặt nước và bò lên thân cây hoa súng. Khi bò được lên trên, nó bị kiệt sức nên đã nằm xuống nghỉ ngơi trước khi có thể quan sát xung quanh. Điều kỳ diệu là trong lúc ngủ, trên lưng của nó đã mọc ra một đôi cánh trong suốt tuyệt đẹp. Khi tỉnh dậy, chú bọ kinh ngạc đến nỗi quên khuấy mất lời hứa của mình. Nó dùng đôi cánh mới bay lên trời và vô cùng ngạc nhiên trước thế giới rộng lớn xung quanh.
Khi bay ngang qua cái ao nhỏ nơi nó đã từng sống, nó nhớ đến những người bạn của mình và vội vàng sà xuống để thực hiện lời hứa. Nhưng khi đến gần vùng nước nó không thể tiến tiếp vào được nữa. Nó lập tức hiểu rằng đám bọ phải tự đi tìm mới có thể biết được thế giới mới mỹ diệu phía trên này.”
Câu chuyện nhẹ nhàng trên có thể mang ý nghĩa rằng: “Một cuộc hành trình có thể cô đơn và đầy bất trắc, nhưng nó sẽ đưa bạn đến những đỉnh cao mà bạn chưa bao giờ tưởng tượng đến được.”
Ngọc Chi biên tập, Vision Times
Hiện tượng Déjà Vu - Tôi có quen bạn không?
Bạn đã bao giờ gặp những khoảnh khắc quen thuộc như từng trải qua chưa? Bạn là 1 trong 2/3 dân số thế giới đã trải qua hiện tượng 'déjà vu'.