Những điều đặc biệt ở nơi được gọi là "Nóc nhà thế giới"
Điều ấn tượng ở đỉnh Everest là nhiệt độ vô cùng lạnh giá. Vào mùa hè nhiệt độ trung bình là -19 độ C và mùa đông là -36 độ C.
Vùng đất "huyền bí" đỉnh Everest
Không cần tìm kiếm ngoài vũ trụ xa xôi, ở ngay trên Trái đất cũng có những vùng đất chứa đựng những điều lạ kì và phi thường mà ai cũng muốn thấy tận mắt một lần trong đời. Và, đỉnh Everest là một trong nhũng vùng đất "huyền bí" mà nhiều người muốn đặt chân đến.
Với chiều cao lên tới 8.848 m so với mực nước biển, Everest thuộc dãy núi Himalaya là đỉnh núi cao nhất Trái Đất và được mệnh danh là "Nóc nhà thế giới". Ngoài tên gọi Everest, đỉnh núi này còn có tên gọi khác là Chomolungma (theo tiếng địa phương). phiên âm từ tiếng Tây Tạng là Châu Mục Lãng Mã Phong (hoặc Thánh Mẫu Phong), có nghĩa là Thánh mẫu của vũ trụ.
Để leo đỉnh Everest có hai đường leo chính là đi theo sườn phía Đông Nam từ Nepal và theo sườn phía Bắc từ Tây Tạng. Mặc dù đường đi bên sườn phía Bắc ngắn hơn nhưng ngày nay hầu hết các nhà leo núi đều đi theo đường phía Đông Nam vì dễ đi hơn. Năm 1921, trong chuyến thám hiểm do thám của Anh, nhà leo núi George Mallory đã lập bản đồ đường leo Everest theo sườn phía Bắc. Năm 1922, ông và những người đồng hành là Brits Geofrey Bruce, Charles Granville Bruce và nhà hóa học người Áo George Finch đã thử leo lên đỉnh lần đầu tiên bằng cách sử dụng oxy nhưng đã thất bại do một trận lở tuyết xảy ra.
Theo Khoa Địa chất học của Trường đại học Montana, Mỹ, đỉnh núi Everest được xác định lần đầu tiên vào năm 1856. Khi đó, cuộc khảo sát toàn diện vùng Ấn Độ thuộc Anh đã chốt đặt tên nó là Đỉnh XV có độ cao 8.840 mét. Nhưng, cuộc khảo sát không được thuận lợi vì Nepal không cho các nhà khảo sát nhập cảnh.
Độ cao được công nhận hiện nay là do cuộc đồng khảo sát của Nepal và Trung Quốc thực hiện vào tháng 11/2021, mặc dù về mặt kỹ thuật, độ cao của Everest đang thay đổi. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, ngọn núi này đang cao dần do hoạt động của mảng kiến tạo và mực nước biển dâng.
Năm 1865, tướng Andrew Waugh của Anh ở Ấn Độ đề xuất đặt tên ngọn núi theo tên người tiền nhiệm của ông là George Everest. Trong nhiều thế kỷ, người Tây Tạng vẫn gọi ngọn núi này là Chomolungma, có nghĩa là Bà Chúa Xứ, nhưng Waugh không biết như vậy bởi vì Nepal và Tây Tạng đóng cửa không cho người ngoài vào.
Đỉnh Everest luôn hấp dẫn các nhà leo núi lão luyện và một số người leo núi nghiệp dư trên khắp thế giới. Họ thường tin cậy nhờ vào những thổ dân Sherpa làm người dẫn đường vì thổ dân Sherpa là nhóm người dân tộc thiểu số Tây Tạng nổi tiếng với kiến thức về dãy núi Himalaya cũng như kỹ năng leo núi. Leo hơn 3.350 mét từ trại nền lên đến đỉnh núi trong môi trường oxy rất loãng không phải là điều dễ đạt được. Chứng say độ cao, thời tiết , gió và trong một số ít trường hợp, rối loạn tâm thần do độ cao là những trở ngại lớn để chinh phục đỉnh núi này.
Hơn 6.000 người đã chạm được đến đỉnh Everest và hơn 300 người đã chết trong khi cố leo lên đó. Trong số những người thành công, 80% là leo từ năm 2.000 đến nay.
Những cột mốc ấn tượng ở Everest
Năm 1895: Tướng Andrew Waugh của Anh ở Ấn Độ đề xuất đặt tên đỉnh núi cao nhất của dãy Himalaya theo tên người tiền nhiệm của ông là ngài George Everest.
Năm 1921: Nhà thám hiểm người Anh George Mallory lập bản đồ đường leo núi theo sườn phía Bắc.
Ngày 29/5/1953: Tenzing Norgay và Edmund Hillary là những nhà thám hiểm đầu tiên chính thức chinh phục đỉnh Everest.
Ngày 20/5/1965: Thổ dân Nawang Gombu trở thành người đầu tiên hai lần chinh phục đỉnh núi này.
Ngày 16/5/1975: Bà Junko Tabei, người Nhật Bản, là phụ nữ đầu tiên chinh phục Everest.
Ngày 3/5/1980: Nhà leo núi người Nhật Yasuo Kato là người đầu tiên không phải thổ dân Sherpa, hai lần chinh phục đỉnh núi. Lần đầu ông đã leo lên đây vào năm 1973. Ông mất năm 1983 trong khi đang cố leo lần thứ 3.
Ngày 20/8/1980: Reinhold Messner người Italia là người đầu tiên một mình leo lên đỉnh Everest.
Mùa leo núi 1996: 16 người chết trong khi leo, đây là số người thiệt mạng nhiều nhất chỉ trong 1 năm tính đến thời điểm đó. Chỉ riêng ngày 10/5 đã có 8 người chết do một cơn bão trên núi.
Ngày 22/5/2010: Thổ dân Apa chinh phục đỉnh Everest lần thứ 20. Lần đầu tiên ông leo lên đỉnh núi này là ngày 10/5/1990.
Ngày 23/5/2013: Ở tuổi 80, nhà leo núi người Nhật Minura Yuichiro trở thành người nhiều tuổi nhất chinh phục Everest.
Trúc Chi (theo Dân Trí , Zing)