Những điều cần lưu ý sau khi 'khai tử' sổ hộ khẩu
Ngày 11.12, trong chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” chủ đề đăng ký và quản lý cư trú, Công an TP.HCM giải đáp hàng loạt thắc mắc của người dân khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị “khai tử” từ sau ngày 31.12.2022.
Những điều cần lưu ý sau khi 'khai tử' sổ hộ khẩu
Đăng ký thường trú ra sao?
Ông Nguyễn Văn Lượm, ngụ P.Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM ) nêu thực tế sau khi nơi ở thuộc diện giải tỏa trắng thì con cháu không thể nhập hộ khẩu, ảnh hưởng đến việc học hành, làm thẻ BHYT… Một số ý kiến khác thì băn khoăn chung cư chưa được cấp sổ hồng, hoặc mua nhà bằng giấy tay vi bằng có được đăng ký thường trú hay không, đăng ký được thì điều kiện gồm những gì?
Trả lời thắc mắc của người dân, thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 - Công an TP.HCM ), cho biết nếu nhà đã giải tỏa trắng dẫn đến không còn chỗ ở, thì không thể đăng ký thường trú, kể cả trẻ em nhập sinh, sau khi kết hôn nhập hộ khẩu cho con dâu, con rể, hoặc kể cả trở về sau khi thi hành án tù. Dù vậy, người dân còn hộ khẩu thường trú tại nơi giải tỏa trắng thì công an vẫn mời làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip để thực hiện các giao dịch mà không cần đến hộ khẩu giấy nữa.
Công an TP.HCM đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc hạn chế sử dụng thông tin về cư trú là điều kiện để giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 - Công an TP.HCM) |
Đối với chung cư chưa cấp sổ hồng, thượng tá Lãnh hướng dẫn người dân sử dụng một trong 3 loại giấy tờ sau làm thủ tục đăng ký thường trú: hợp đồng mua bán nhà ở; giấy tờ chứng minh nhận nhà hoặc bàn giao nhà của chủ đầu tư; giấy xác nhận của UBND cấp xã không tranh chấp về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Người dân có thể đăng ký thường trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc trực tiếp tại công an phường, xã nơi cư trú.
Đối với trường hợp mua nhà giấy tay hoặc nhà chưa được cấp giấy chứng nhận, thượng tá Lãnh cho biết nếu người dân đã có sổ hộ khẩu thường trú nơi khác thì công an phường, xã sẽ thu thập, cập nhật thông tin lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp mã số định danh cá nhân và làm CCCD gắn chip. Nếu chưa có thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người dân khai phiếu thu thập thông tin cư trú, công an sẽ cấp mã số định danh cá nhân và làm CCCD gắn chip.
Về việc đăng ký thường trú vào chỗ ở của người khác, lãnh đạo PC06 hướng dẫn: nếu được chủ sở hữu hợp pháp cho đăng ký thường trú là nơi cho thuê, mượn, ở nhờ thì phải đảm bảo diện tích tối thiểu 8 m2 sàn/người. Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM giải thích thêm diện tích tối thiểu
8 m2/người chỉ áp dụng đối với trường hợp nhập hộ khẩu vào chỗ thuê, mượn, ở nhờ của người khác. Đối với trường hợp nhập hộ khẩu vào người thân như vợ chồng về ở với nhau, con cái ở với cha mẹ, thì không yêu cầu về diện tích tối thiểu.
Hạn chế đòi sổ hộ khẩu
Trong trường hợp người dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì công an hướng dẫn khai báo nơi ở hiện tại rồi cấp thông báo số định danh cá nhân (mẫu CT01) và xác nhận thông tin về cư trú (mẫu CT07, Thông tư 56/2021 của Bộ Công an). “Đây là 2 loại giấy tờ có thể dùng thay thế để thực hiện giao dịch khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sau ngày 31.12.2022”, thượng tá Hồ Thị Lãnh khẳng định.
Công an TP.HCM cũng lưu ý những trường hợp vắng mặt tại địa phương từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú hoặc khai báo tạm vắng thì sẽ bị xóa hộ khẩu. Do đó, người dân thuộc trường hợp này cần sớm liên hệ công an phường, xã để được hướng dẫn làm giấy tờ.
Trước phản ánh ngân hàng, đơn vị cấp điện, nước vẫn yêu cầu người dân xuất trình CMND (loại 9 số đã cắt góc) khi giao dịch, thượng tá Hồ Thị Lãnh cho biết UBND TP.HCM đã quy định 7 phương thức quản lý thay thế sổ hộ khẩu. Trong đó, thiết bị đọc mã QR trên CCCD sẽ hiện 7 thông tin cơ bản: họ tên, năm sinh, nơi thường trú, số CMND, số CCCD, ngày cấp CCCD và giới tính; theo đó, các đơn vị sẽ chứng minh được CMND 9 số mà không phải yêu cầu xuất trình CMND cắt góc. “Công an TP.HCM đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc hạn chế sử dụng thông tin về cư trú là điều kiện để giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân”, bà Lãnh nói thêm.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM, nhìn nhận việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ yêu cầu không cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các giao dịch là vấn đề mới, quá trình làm còn khó khăn, chưa kịp thời. Ngành công an sẽ tiếp tục khắc phục về công nghệ, con người, đảm bảo yếu tố pháp lý. “Cơ sở dữ liệu dân cư sẽ được cập nhật, điều chỉnh thường xuyên với tiêu chí đúng, đủ, sạch, sống”, ông Tài nói và đề nghị người dân tích cực phối hợp để làm CCCD gắn chip. |
Nói về Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM vận hành từ tháng 11.2022, Phó giám đốc Sở TT-TT Võ Thị Trung Trinh cho hay hệ thống kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời kết nối với hệ thống xác thực định danh điện tử để chia sẻ, xác thực thông tin công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhờ đó, tổ chức, doanh nghiệp, người dân chỉ cần dùng một tài khoản duy nhất để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Khi người dân đăng nhập hệ thống, các mẫu đơn có sử dụng thông tin cá nhân như họ tên, giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú sẽ tự động điền sẵn; công chức sẽ kiểm tra được thông tin của người dân gửi có chính xác với thông tin được lưu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không. Như vậy, người dân không cần mang theo bản sao hộ khẩu như trước đây khi làm thủ tục. Ngoài ra, người dân chỉ việc cung cấp thông tin một lần duy nhất, hệ thống lưu lại thành kho hồ sơ điện tử cá nhân và sử dụng cho lần làm thủ tục sau. “Sở TT-TT tiếp tục phối hợp công an và các sở, ngành để liên thông dữ liệu dân cư với lĩnh vực đất đai, lao động, an sinh xã hội”, bà Trinh nói thêm.
Sỹ Đông
Thanh niên