Những điều cần biết về xung đột Israel - Hamas
Israel vừa tuyên chiến với tổ chức Hamas sau khi tổ chức này thực hiện một chiến dịch tấn công chưa từng có hôm thứ Bảy vừa rồi.
Cuộc tấn công bất ngờ có quy mô lớn này đã khiến 900 người thiệt mạng tại Israel, dẫn tới một loạt không kích đáp trả từ phía Israel hướng vào Gaza khiến 687 người thiệt mạng.
Khi rút lui về Gaza, tổ chức dân quân tuyên bố đã bắt giữ 100 con tin và đe dọa sẽ sát hại con tin nếu như các cuộc không kích bất ngờ hướng vào Gaza tiếp tục được triển khai. Israel đã cam kết Hamas sẽ phải trả giá đắt và hiện tại đang chuẩn bị đưa quân vào Gaza.
Sự kiện những ngày qua
Các nhóm dân quân từ Gaza đã bắn hàng ngàn tên lửa về phía các thị trấn Israel trong sáng ngày thứ Bảy vừa rồi, trước khi vượt qua hàng rào biên giới kiên cố giữa Gaza và Israel, đưa quân vào sâu trong lãnh thổ Israel. Tại đây, các tay súng Hamas đã sát hại hàng trăm người, bao gồm dân thường và quân nhân và bắt giữ nhiều con tin.
Binh lính Israel đã mất hai ngày để giành lại kiểm soát các đường phố. Vào ngày thứ Hai, Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) cho biết họ đã giành lại kiểm soát ở khu vực các cộng đồng Israel gần Gaza tại biên giới phía Nam sau khi chiến sự tạm ngớt.
Những cuộc tấn công này có chiến thuật và quy mô chưa từng có, và Israel chưa từng phải xô xát với phe thù địch trên lãnh thổ của mình từ năm 1948 trong cuộc chiến Ả Rập - Israel tới nay. Israel cũng chưa từng chứng kiến cuộc tấn công nào khốc liệt như vậy.
Hamas đã gọi tên chiến dịch này là “Cơn bão Al-Aqsa” và cho biết cuộc tấn công này là câu trả lời cho việc Israel tấn công phụ nữ, phá hoại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa tại Jerusalem và hành động bao vây Gaza.
Phản hồi từ Israel
Để đáp trả cuộc tấn công, Israel đã tuyên chiến và triển khai “Chiến dịch Gươm Sắt”, tấn công các đối tượng Thánh chiến Hồi giáo và Hamas tại Gaza.
Hàng trăm người đã thiệt mạng tại Gaza tính tới hôm thứ Hai, bao gồm hàng chục trẻ nhỏ, theo Bộ Y tế Palestine tại Gaza.
IDF đã hối thúc người dân tại Gaza rời khỏi khu dân cư ngay lập tức nhằm bảo đảm sự an toàn cho bản thân, khi các chiến dịch quân sự của Israel tiếp tục được thực hiện nhắm vào Hamas, và phong tỏa toàn bộ các tuyến đường giữa Israel và Gaza, tạo tiền đề cho các cuộc tiến công trên bộ vào Gaza.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel, Yoav Galant, trong thứ Hai cho biết ông đã ra lệnh “bao vây hoàn toàn” Gaza. Ông đã khẳng định “không điện, không lương thực, không nhiên liệu. Phong tỏa tất cả mọi thứ”, và cũng tuyên bố không vận chuyển nước tới Gaza.
Lịch sử nhiều căng thẳng
Căng thẳng giữa Israel và người Palestine đã tồn tại kể từ khi Israel được thành lập vào năm 1948. Hàng ngàn người đã thiệt mạng và nhiều người đã bị thương trong nhiều thập kỷ qua.
Bạo lực đặc biệt tăng cao trong năm nay. Số lượng người Palestine - cả dân thường lẫn dân quân - thiệt mạng tại Bờ Tây đã đạt con số cao nhất trong hai thập kỷ qua. Tình hình tương tự cũng xảy ra đối với số người Israel và người nước ngoài - phần lớn là dân thường - thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Palestine.
Israel giành lại Gaza từ Ai Cập trong cuộc chiến năm 1967, và sau đó rút lui quân và người định cư khỏi đây vào năm 2005.
Sau khi Hamas giành quyền kiểm soát, Israel và Ai Cập đã áp dụng phong tỏa chặt chẽ đối với lãnh thổ này. Israel cũng duy trì hàng rào phong tỏa hàng hải quanh Gaza. Human Rights Watch đã gọi vùng lãnh thổ này là “nhà tù ngoài trời”. Hơn một nửa dân số tại đây sống trong đói nghèo và vùng lãnh thổ này thiếu an ninh lương thực, với gần 80% dân số tại đây phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.
Hamas và Israel đã nhiều lần đối đầu. Trước chiến dịch vào thứ Bảy vừa rồi, cuộc chiến cuối cùng giữa hai phe đã xảy ra vào năm 2021, kéo dài 11 ngày, khiến 250 người tại Gaza và 13 người tại Israel thiệt mạng.
Cuộc tấn công trong ngày thứ Bảy vừa rồi xảy ra gần đúng 50 năm sau cuộc chiến năm 1973, khi nước láng giềng Ả Rập của Israel tấn công bất ngờ vào Yom Kippur, ngày lễ linh thiêng nhất trong lịch Do Thái, vào ngày 6 tháng 10 năm 1973.
Tổ chức Hamas
Hamas là một tổ chức Hồi giáo với cánh vũ trang được thành lập vào năm 1987, có tiền thân là Tổ chức Hồi giáo Anh em, một tổ chức Hồi giáo dòng Sunni được thành lập vào những năm trong thập kỷ 1920 tại Ai Cập.
Tổ chức này tin rằng Israel là một thế lực chiếm đóng và khẳng định tổ chức này đang cố gắng giải phóng các vùng lãnh thổ của Palestine.
Khác với các phe phái khác của Palestine, Hamas từ chối thảo luận với Israel. Vào năm 1993, tổ chức này phản đối Hiệp định Oslo, một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), với nội dung PLO sẽ giải giáp và ngừng kháng chiến vũ trang với Israel để đổi lại các cam kết thành lập nhà nước độc lập bên cạnh Israel. Hiệp định này cũng đã thành lập Chính quyền Palestine tại Bờ Tây.
Hamas tuyên bố là chính quyền thay thế cho Chính quyền Palestine, một chính quyền đã công nhận Israel, nhiều lần tham gia thảo luận về các sáng kiến hòa bình không thành công với quốc gia này. Chính quyền Palestine hiện đang được lãnh đạo bởi Chủ tịch Mahmoud Abbas.
Hamas đã thực hiện nhiều cuộc tấn công hướng vào Israel trong nhiều năm qua và đã bị Mỹ, Liên minh Châu Âu và Israel coi là tổ chức khủng bố. Israel khẳng định Iran đang hậu thuẫn tổ chức này.
Tình hình những ngày tới
Israel đã chuẩn bị tư thế chiến đấu và đã bắt đầu điều động binh lính chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ hướng vào Gaza. Chính phủ nước này đã khẳng định sẽ bắt Hamas phải trả giá nặng nề vì cuộc tấn công của họ, và có kế hoạch giành lại con tin người Israel từ vùng lãnh thổ này.
Israel từng đối mặt với việc bắt cóc con tin nhưng chưa khi nào rơi vào tình hình quy mô lớn như lần này. Trong quá khứ, các nhóm dân quân thường trao đổi con tin người Israel lấy lệnh giải phóng tù nhân khỏi nhà tù tại Israel.
Trong năm 2011, Israel đã trao đổi 1027 người Palestine lấy quân nhân Israel trong chiến dịch mang tên Gilad Shalit, và trong năm 2004, họ đã trả tự do cho hơn 24 tù nhân Lebanon và Ả Rập - bao gồm hai quan chức cấp cao của Hezbollah - đổi lấy Elhanan Tannenbaum, một doanh nhân người Israel và đại tá dự bị, cùng với thi thể của ba quân nhân IDF. Vào năm 2008, Israel trả tự do cho năm tù nhân người Palestine, năm tù nhân người Lebanon...
Hamas cho biết đã bắt giữ ít nhất 100 con tin. Sự xuất hiện của nhóm con tin này tại Gaza sẽ gây phức tạp cho những chiến dịch quân sự của Israel.
Cánh vũ trang của Hamas trong thứ Hai đã tuyên bố sẽ bắt đầu sát hại con tin nếu như Israel tấn công Gaza mà không báo trước.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi IDF khẳng định sẽ giành kiểm soát Dải Gaza. Phát ngôn viên của IDF, Trung tá Richard Hecht, cho biết mục tiêu của họ là “chấm dứt chính quyền Gaza và giành quyền kiểm soát lãnh địa nội phận này”.
Thành viên cấp cao của Hamas, Saleh al-Arouri hôm thứ Bảy cho biết Hamas đã sẵn sàng “cho mọi trường hợp, bao gồm cả một cuộc chiến và tình trạng leo thang trên mọi cấp độ”.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất, bao gồm cả một cuộc chiến trên bộ, và đó sẽ là trường hợp tốt nhất để chúng tôi có thể quyết định kết quả cuộc chiến này”.
Khả năng xung đột lan tràn
Chiến dịch của Hamas được thực hiện một cách bài bản và có phối hợp, thể hiện sự chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng. Nhiều phỏng đoán được đưa ra về khả năng tổ chức này đã được hậu thuẫn từ bên ngoài, và nếu các phỏng đoán này được xác nhận, có thể sẽ dẫn tới việc chiến tranh lan rộng hơn trong toàn khu vực.
Israel khẳng định Iran hỗ trợ Hamas khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Bộ Ngoại giao Mỹ trong năm 2021 khẳng định tổ chức này được đầu tư tài chính, vũ khí và huấn luyện từ Iran, và được đầu tư tài chính từ một số nước Ả Rập vùng Vịnh.
Một quan chức Mỹ cho biết: “Tất nhiên Iran có dính líu tới tình hình. Họ đã hỗ trợ cho Hamas và Hezbollah trong nhiều năm qua”.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden vào ngày thứ Bảy đã cho biết hiện còn quá sớm để có thể khẳng định Iran có dính líu tới cuộc tấn công. Tuy nhiên Washington sẽ tiếp tục theo dõi tình hình “một cách vô cùng sát sao”.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã gọi điện cho lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh vào Chủ Nhật và sau đó đã chúc mừng người Palestine về “chiến thắng” của họ trước Israel. Tuy nhiên, vào thứ Hai, Đại sứ của Iran tại LHQ khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này “không liên quan tới Palestine”. Họ khẳng định “chiến dịch này hoàn toàn chỉ được thực hiện bởi chính Palestine”.
Trong khi đó, Mỹ đã đưa một nhóm tàu sân bay tấn công tới khu vực miền Đông biển Địa Trung Hải. Một quan chức Mỹ cho biết Mỹ cũng đang gửi nhiều máy bay chiến đấu tới Trung Đông để đề phòng khả năng Iran gây hấn hoặc chiến sự lan tràn ra khỏi biên giới Israel.
Israel cũng có thể phải đối mặt với nhiều chiến trường mới mở ra trong cuộc chiến. Trong số các nước láng giềng lân cận, Israel chỉ yên bình với Ai Cập và Jordan, và đang chính thức trong thời chiến với Lebanon và Syria. Israel cho biết đã sẵn sàng trong trường hợp bị tấn công bởi hai nước này.
Tổ chức Hezbollah của Lebanon đã khen ngợi chiến dịch của Hamas và cho biết đang liên lạc với các tổ chức dân quân Hồi giáo “trong và ngoài nước”. Vào ngày Chủ Nhật, tổ chức này đã chịu trách nhiệm cho ba cuộc tấn công tên lửa và pháo tự hành hướng vào ba địa điểm của Israel tại Trang trại Shebaa. Khu vực này được Lebanon coi là bị Israel chiếm đóng. Israel đã đáp trả bằng loạt pháo tự hành.
Vào ngày thứ Hai, IDF cho biết đã tiêu diệt “một số đối tượng vũ trang” đã xâm nhập Israel từ Lebanon và binh lính vẫn đang rà soát khu vực. Thủ tướng Lebanon Najib Mikati trong ngày thứ Hai đã cho biết quốc gia ông không muốn bị kéo vào vòng chiến .
Nguyễn Quang Minh (Theo CNN)