Những điều cần biết về bệnh do virus Adeno và cách phòng tránh

Chia sẻ Facebook
25/10/2022 14:53:13

Adenovirus - loại virus phổ biến trên thế giới có khả năng gây viêm đường hô hấp ở người, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang có xu hướng bùng phát ở nước ta.


Theo Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh), Adenovirus chia làm 7 nhóm từ A-G, trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.

Adenovirus cùng các virus khác như virus hợp bào, cúm là các virus lưu hành quanh năm, tùy theo điều kiện mà lây bệnh cho người ít hay nhiều.


Đường lây nhiễm của Adenovirus

Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8 - 12 ngày.

Khi xâm nhập vào cơ thể, ban đầu Adenovirus sẽ gây ra các triệu chứng cúm, viêm hô hấp thông thường như: sốt cao, nhức đầu, đau mình… Sau đó có thể dẫn đến các biến chứng như: suy hô hấp, viêm tiểu phế quản, khởi phát cơn hen phế quản… Nặng hơn có thể gây tổn thương gan, viêm gan, tổn thương não, viêm não…

Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa. Virus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

Khi nhiễm Adenovirus, trẻ sẽ có triệu chứng, biểu hiện gì?

Khi nhiễm Adenovirus, trẻ sẽ có các triệu chứng như: nóng, ho, sổ mũi, cảm, viêm đường hô hấp. Triệu chứng viêm phổi do Adeno rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác. Cùng với các triệu chứng của viêm đường hô hấp thì viêm phổi do virus Adeno sẽ khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, ho và thở khò khè.

Tùy theo thể trạng, có trẻ diễn tiến nhẹ nhàng, có thể tự khỏi, nhưng vẫn có trẻ sẽ có biểu hiện với triệu chứng rầm rộ, thở mệt. Những trẻ trở nặng là do miễn dịch kém hay do nhiễm thêm vi trùng, nhất là vi trùng kháng thuốc. Bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được. Tuy nhiên, do bệnh dễ lây và lây lan nhanh trong cộng đồng cũng như dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm cúm thông thường, sẽ gây chủ quan. Nếu phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các tổn thương thường gặp nhất khi nhiễm virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), một số bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…). Ngoài ra, virus này cũng gây bệnh viêm gan, viêm dạ dày, viêm não, màng não và viêm bàng quang, đặc biệt là ở bé trai.

Với người khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi, nhưng với những bệnh nhân có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém có thể gây suy hô hấp. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó cha mẹ cần theo dõi sát các dấu hiệu của trẻ, khi thấy trẻ có biểu hiện chuyển nặng như thở rút lõm ngực, rối loạn tri giác, lừ đừ… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để bác sĩ khám và hướng dẫn điều trị đúng cách, kịp thời.

Phương thức lây truyền của các bệnh do virus Adeno

Bệnh lý do virus Adeno thường có các phương thức lây truyền sau đây:

Tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp.

Lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm do dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân.

Tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm virus Adeno.

Lây truyền qua giọt nước bọt như các hạt khí thông qua đường hô hấp.

Lây truyền qua bể bơi bị nhiễm virus Adeno.


Các biện pháp phòng chống dịch do virus Adeno

Phương pháp phòng chống dịch do virus Adeno hiệu quả nhất là tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng và cung cấp những thông tin cần thiết về những bệnh do virus Adeno. Đặc biệt là những giai đoạn có nguy cơ bùng nổ dịch. Khi có những hiểu biết về loại virus này thì người dân có thể tự phòng tránh nguy cơ lây bệnh cho mình và cho cộng đồng.


Các biện pháp phòng dịch do virus Adeno:
- Chuẩn bị nguồn nước sạch đủ dùng cho sinh hoạt. - Trong mùa mưa, lũ lụt cần phải tiến hành thau rửa và khử trùng nước giếng bằng cloramin B. - Giữ gìn vệ sinh cá nhân, không dùng chung khăn mặt và giặt khăn mặt thường xuyên bằng xà phòng. - Thường xuyên kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại các bể bơi công cộng.

Chia sẻ Facebook