Những điều cần biết trước khi chọn học Tú tài quốc tế IB
Chương trình Tú tài IB hiện được gần 20 trường quốc tế ở Việt Nam giảng dạy chính thức. Tuy là một chương trình giáo dục phổ thông, nhưng IB đòi hỏi nhiều nỗ lực từ phía người học nếu muốn đủ điều kiện xét tuyển vào các đại học hàng đầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên chia sẻ một số lưu ý cho phụ huynh, học sinh cân nhắc trước khi đăng ký học IB.
Cơ hội học ngày càng rộng mở
Chương trình Tú tài quốc tế (International Baccalaureate hay IB) khá quen thuộc với các trường quốc tế ở Việt Nam. Trường dạy chương trình IB sớm nhất ở TP.HCM cũng đã dạy được gần 20 năm.
Chương trình IB ban đầu trên thế giới chỉ gồm IB Diploma cho hai năm cuối trung học (lớp 11 - 12). Mục đích chương trình được tạo ra là để giúp học sinh toàn cầu, dù trước đó học chương trình của quốc gia nào, cũng có thể tham gia học trong hai năm và lấy được một tấm bằng tú tài có giá trị quốc tế.
IB vào Việt Nam khi phong trào học trường quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh các lựa chọn chương trình quốc gia của Anh, Mỹ, Canada, Úc…, phụ huynh cũng thích chọn một chương trình quốc tế trung lập không nghiêng về bất cứ nước nào. Tuy trụ sở đặt tại Thụy Sĩ, tổ chức IB có sứ mệnh đào tạo ra các công dân toàn cầu trung lập cho thế giới.
Sau này, chương trình IB được bổ sung các cấp lớp dưới cho mầm non - tiểu học (PYP) và trung học cơ sở từ lớp 6 tới lớp 10 (MYP). Ngoài ra còn có thêm chương trình CP định hướng học nghề.
"Tại TP.HCM, hiện có hơn 10 trường quốc tế dạy chương trình IB ở các cấp khác nhau. Các trường đều có học phí cao, từ 300 triệu ở các cấp lớp dưới đến hơn 800 triệu/năm ở bậc tú tài (Diploma).
Số lượng các trường quốc tế dạy chương trình IB tăng dần theo mỗi năm tại Việt Nam và đây cũng là xu hướng chung với cộng đồng các trường quốc tế trên thế giới. Bắt đầu từ mùa thu năm nay, chương trình IB đã được giảng dạy ở một trường quốc tế online ở Anh mà học sinh sống tại Việt Nam cũng có thể đăng ký học từ xa", ông Nguyên nói.
Chương trình toàn diện, yêu cầu cao
Chương trình IB bao gồm 6 nhóm môn học và 3 phần cốt lõi (core). 6 nhóm môn học trải đều các lĩnh vực ngôn ngữ thứ nhất (ngôn ngữ chính) và văn học, ngôn ngữ thứ hai (ngôn ngữ phụ), khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, toán, nghệ thuật mà học sinh thường chọn ít nhất một môn học từ mỗi nhóm.
Với các môn học thuộc 6 nhóm kể trên thì học sinh có lựa chọn học theo mức chuẩn hoặc nâng cao.
Trên lý thuyết, điểm IB được dùng để xét tuyển vào học đại học đồng thời có thể được miễn giảm tín chỉ đại học, với mức cao nhất tương đương với nửa hoặc cả năm học đầu tiên của chương trình cử nhân.
Tuy nhiên, việc đánh giá IB ở mức độ nào và xét tín chỉ ra sao khác nhau ở từng trường đại học và sinh viên phải tìm hiểu trước khi nộp đơn vào trường đại học đó.
Việc miễn giảm thời gian học cử nhân còn tùy thuộc điểm IB mà học sinh đạt được là bao nhiêu và môn học do học sinh chọn là mức chuẩn hay nâng cao. Điểm trung bình IB của thế giới đã tăng từ 29 lên 33 trên thang điểm tối đa là 45 điểm. Cần lưu ý, học và thi IB Diploma nhưng đạt mức điểm dưới 24 thì cũng không có lợi thế gì rõ ràng khi xét tuyển đại học.
"Không phải học sinh nào cũng đủ năng lực học chương trình IB Diploma hoặc thích hợp để theo học chương trình IB.
Để tiếp cận chương trình IB, học sinh phải có năng lực tiếng Anh ở mức trung bình B2 - C1, tương đương IELTS 6.5 - 7.0 cùng các điều kiện khác, ví dụ điểm cho 5 môn IGCSE bao gồm môn toán và tiếng Anh từ C trở lên hoặc tương đương", ông Nguyên cho biết.
Học sinh học IB Diploma cũng sẽ phải học một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, ví dụ tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha…
Vì IB bao gồm 9 phần, với 6 môn học bao phủ cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, cho nên học sinh sẽ cần có khả năng học cân bằng, toàn diện.
Môn học Theory of Knowledge (Lý thuyết nhận thức) gần như môn triết học về tư duy, khá trừu tượng và khó, trong khi bài luận 4.000 chữ trong môn học luận văn cũng là một thử thách đáng kể với học sinh phổ thông.
Bằng tú tài IB (IBDP) và chứng chỉ IB (IB Certificate)
Chương trình IB Diploma kéo dài 2 năm liên tục, do vậy ngay từ đầu học sinh cần được điều phối viên IB (IB coordinator) trong các trường tư vấn có nên học IB Diploma (bằng tú tài IB) hay chỉ học IB Certificate (chứng chỉ IB) tùy sức học và nhu cầu của học sinh.
Khác với IB Diploma được hầu hết các đại học công nhận, IB Certificate có phạm vi sử dụng rất hạn chế và chương trình học cũng nhẹ nhàng hơn.
Chứng chỉ IB Certificate chưa được coi là tương đương bằng tốt nghiệp phổ thông, do vậy học sinh thường phải đảm bảo lấy bằng phổ thông trung học như bằng của Mỹ, bằng của Việt Nam và kèm thêm chứng chỉ IB khi xét tuyển đại học.
"Chương trình IB Diploma có thể không phù hợp với học sinh có sức học yếu, nền tảng ngôn ngữ chưa tốt, có xu hướng thiên về một lĩnh vực cụ thể thay vì học mở rộng như IB", ông Nguyên nói.
Cơ hội khám phá giới hạn bản thân
Theo đại diện Trường Quốc tế Canada, chương trình học tập IB Diploma tại trường này kéo dài 2 năm lớp 11 và 12. Các khóa học kéo dài trong suốt 2 năm học (không chia theo học kỳ) với 2 cấp độ, cụ thể môn học cấp độ tiêu chuẩn 150 giờ, môn học cấp độ nâng cao 240 giờ.
Học sinh được khuyến khích chọn các môn theo thế mạnh của mình và ưu tiên theo sự chuẩn bị cho chương trình đại học cụ thể.
Các môn học IB dựa trên một số bài đánh giá với nhiều điểm số, tương tự như đại học. Học sinh thể hiện tốt trong các bài kiểm tra và chịu được môi trường áp lực cao sẽ hoàn thành thành công chương trình. Vì vậy, chương trình IB cũng tạo cơ hội cho học sinh khám phá giới hạn của bản thân.
Ngày 21-4, một số nhóm Facebook cộng đồng cha mẹ có con theo học trường quốc tế xôn xao bởi chia sẻ 'bóc phốt' của một phụ huynh thuộc Trường THPT quốc tế Việt - Úc (SIC).