Những điểm nóng tác động triển vọng nhóm ngành cổ phiếu năm 2023

Chia sẻ Facebook
02/01/2023 15:05:41

Tăng trưởng lợi nhuận (EPS) dự phóng toàn thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ ở mức 2,9%, mức hợp lý khi chính sách tiền tệ thắt chặt chống lạm phát và kinh tế toàn cầu đang suy giảm.

Những điểm nóng tác động triển vọng nhóm ngành cổ phiếu năm 2023

Lợi nhuận của VN-Index được đóng góp chủ yếu bởi lợi nhuận nhóm ngân hàng và từ 2015 đến nay nhóm này liên tục gia tăng tỷ trọng đóng góp chính vào lợi nhuận của toàn thị trường. Dựa trên phân tích triển các nhóm ngành, đặc biệt là nhóm ngành ngân hàng, chúng tôi đưa ra dự phóng tăng trưởng EPS toàn thị trường năm 2023 chỉ ở mức 2,9%. Đây cũng là mức hợp lý khi chính sách tiền tệ đang thắt chặt chống lạm phát và hoạt động kinh tế toàn cầu đang suy giảm.

Dựa trên diễn biến thị trường và tăng trưởng EPS thị trường sau các chu kỳ kinh tế và phục hồi sau các đợt hoảng loạn, định giá P/B thị trường sẽ dao động mạnh nhưng theo hướng tăng dần.


Bán lẻ và phân phối gồm DGW, FRT, MWG, PET, PNJ, MSN: Doanh thu và biên lợi nhuận gộp có thể bị ảnh hưởng do (1) lãi suất tăng hạn chế vay tiêu dùng (2) triển vọng kinh tế suy giảm có thể khiến thu nhập khả dụng giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hạn chế chi tiêu làm giảm sức mua (3) tỷ giá tăng và lạm phát tăng chi phí đầu vào trong khi giá bán khó tăng tương ứng, áp lực giải phóng hàng tồn kho khiến biên lợi nhuận gộp có thể giảm nhẹ. Tuy nhiên, có sự phân hóa giữa các ngành hàng, phân khúc và đối tượng khác nhau. Nhóm sản phẩm tầm trung không thiết yếu như laptop, điện thoại dự kiến sẽ giảm nhẹ do không còn hưởng lợi từ nhu cầu dồn nén sau dịch. Ngược lại, xu hướng cao cấp hóa và tiêu dùng thiết yếu kỳ vọng vẫn được duy trì.


Nhiệt điện gồm QTP, HND, PPC, POW, PGV, NT2: Các doanh nghiệp nhiệt điện có thể sẽ được huy động nhiều hơn để thay thế cho việc suy giảm sản lượng thủy điện trong khi NLTT đang đợi cơ chế mới. Giá CGM (giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh) kỳ vọng duy trì ở mức do chí phí than và khí đầu vào vẫn ở mức cao và nhu cầu nhiệt điện cao hơn.


Thủy điện gồm REE, HDG, DPG, VSH, CHP, TBC, SBA: Với hiện tượng La Nina hiện đã kéo dài 3 năm từ năm 2020 nên khả năng sẽ suy yếu vào nửa đầu 2023. Theo IRI dự báo, xác suất để xảy ra La Nina vào tháng 3/2023 là 17% nên tình hình thủy văn sẽ bắt đầu kém khả quan gây bất lợi cho nhóm thủy điện. Do đó, dự kiến kết quả kinh doanh thủy điện tiếp tục tốt đến cuối Q1/2023 và đi ngang hoặc sụt giảm sau đó.


Năng lượng tái tạo gồm REE, PC1, GEG, BCG, HDG, GEX: Các dự án NLTT chuyển tiếp vẫn đang chờ cơ chế giá mới và sẽ mất vài tháng cho quá trình đàm phát giá điện.


Lương thực gồm LTG, TAR. Sản xuất giảm so với vụ mùa trước, tiêu thụ có xu hướng tăng nhẹ, tồn kho toàn cầu dự kiến giảm 2.9% so với vụ trước. Kết hợp với: (1) việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu; (2) sự bắt tay của Việt Nam & Thái Lan. Do đó, Việt Nam và Thái Lan có thể được hưởng lợi lớn trong giai đọan này.


Công nghệ Thông tin gồm FPT, CMG, ELC, ITD:  Ngành CNTT Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng trong 2023 từ việc được chính phủ phát động chuyển đổi số. Việc tăng cường đầu tư cho công nghệ được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhằm đối phó với áp lực ngày càng tăng trong việc nhanh chóng đưa các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ công nghệ ra thị trường và đạt được hiệu quả. Xu hướng làm việc từ xa và hybrid (mô hình kết hợp) được ưa chuộng hậu giãn cách tại các nước phát triển khi nhân sự đã hình thành thói quen làm việc mới và thân thuộc với các hệ thống, quy trình được tự động hóa.


Nước gồm BWE, TDM: Ngành nước là ngành có tính "thiết yếu", ít rủi ro về chính trị và kinh tế nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi rủi ro suy thoái kinh tế chung của toàn cầu năm 2023.


Cảng biển, kho bãi, hậu cần và bảo dưỡng gồm ACV, CLL, GMD, HAH, TMS, VSC, MVN, SCS: Dự kiến triển vọng 2023 có nhiều tác động bù trừ do (1) tăng trưởng kinh tế chậm lại, tiêu cực bởi mua bán giao thương với các nước xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, … ngược lại, (2) Trung Quốc mở cửa giúp luồng hàng hóa sang Việt Nam hồi phục trở lại một phần. -


Hàng may mặc gồm ADS, GIL, TCM, TNG, VGT, MSH, STK: Tác động Trung Quốc mở cửa giúp dệt may đỡ tiêu cực một phần ở đầu vào nhưng dự kiến 2023 ngành dệt may vẫn còn gặp nhiều thách thức do các doanh nghiệp khó khăn trong việc ký kết đơn hàng mới. Mảng may mặc truyền thống vẫn chưa có nhiều cơ hội trở lại trong 2023 khi hàng tồn kho tại Mỹ vẫn đang cao, sản lượng và đơn hàng bị cắt giảm là điều chắc chắn trong thời gian tới, ít nhất là đến hết quý 3 năm 2023 cho đến khi kinh tế tại Mỹ và EU có dấu hiệu trở lại, hàng tồn kho giảm so với đỉnh. Mảng xơ, sợi sẽ sáng cửa hơn nhưng chỉ đạt ở mức phục hồi cơ bản do nhu cầu may mặc truyền thống suy giảm.


Sản phẩm nhựa phụ trợ gồm bất động sản : DQC, RAL, BMP, NTP: Những sản phẩm phụ trợ ngành bất động sản (BĐS) vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan đến thị trường bất động sản bao gồm nhu cầu xây dựng bất động sản và mua bán bất động sản.


Hóa chất cơ bản gồm DGC, CSV, HVT: Triển vọng của các doanh nghiệp hóa chất phụ thuộc nhiều vào biến động giá cả hàng hóa tại Trung Quốc. Mặc dù hầu hết các loại hóa chất đã điều chỉnh giá so với vùng đỉnh, tuy nhiên FIDT cho rằng các mặt hàng này sẽ thiết lập mặt bằng giá ở vùng cao và khó tiếp tục giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ sẽ còn tiếp tục tăng khi Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại. Cơn khát chất bán dẫn đẩy như cầu sử dụng P4 lên cao, trong dài hạn các doanh nghiệp sản xuất P4 sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi nhờ (1) xu hướng sử dụng pin LFP trên các dòng xe điện mới, hơn nữa giấy phép độc quyền loại pin này của Trung Quốc hết hạn sẽ đẩy nhu cầu sản xuất các nước cạnh tranh lên cao, (2) lượng chip dùng cho sản phẩm 5G cao khiến nhu cầu đầu vào P4 tăng cao.


Phương tiện ô tô và lốp xe gồm DRC, SRC, CSM, HAX, VEA: Mặc cho sự tích cực của "thập kỷ ô tô" và sự đồng pha với tốc độ giải ngân đầu tư công của Chính phủ. Tuy nhiên, tiêu thụ vẫn ô tô sẽ tiêu cực do có liên quan khá mật thiết đến vấn đề lãi suất tương tự như thị trường bất động sản, ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ của phương tiện di chuyển này đi đáng kể trong 2023.


Chăn nuôi gồm BAF, DBC, HAG, MML, VLC: Giá heo hơi sẽ tích cực hơn 2022 do (1) nhu cầu tiêu thụ thịt heo giữ được sự ổn định, (2) nguồn cung thực tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu do dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn len lỏi, quy mô tái đàn của các hộ nông dân khó tăng mạnh. Dựa trên những nghiên cứu của chúng tôi về doanh nghiệp và xu hướng tiêu dùng có sự thay đổi lớn sau đại dịch, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm hơn đến sản phẩm "thịt sạch" - rõ nguồn gốc sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi khép kín phát triển.


Thực phẩm gồm KDC, PAN, VNM, CLX, MCM, QNS: Doanh nghiệp tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu sẽ ảnh hưởng không quá nhiều trong giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên tác động của nguyên liệu đầu vào như giá đường bị tác động bởi quyết định 1514/QĐ-BCT về chống bán phá giá đối với nhập khẩu đường từ Thái Lan sẽ tác động đến những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bánh kẹo. Cá biệt doanh nghiệp như QNS sẽ ít bị ảnh hưởng do sản phẩm nằm trong chuỗi cung ứng. Tiêu dùng các sản phẩm bánh kẹo tăng cao cuối năm và gần tết sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngay cả khi tiêu dùng tại Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại.


Đường gồm LSS, SBT, QNS, SLS: Giá đường nội địa được hỗ trợ nhờ quyết định 1514/QĐ-BCT ngày 1/8/2022 áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước Asean. Thời gian tới, giá đường Việt Nam dự kiến sẽ biến động theo giá đường thế giới, theo xu hướng các nước sản xuất mía đường chuyển sang chế biến ethanol. Việc áp thuế này tác động tốt đến giá đường trong nước, các doanh nghiệp trong ngành sẽ hưởng lợi lại nhờ biên lợi nhuận được nới rộng.


Môi giới và dịch vụ bất động sản gồm DXS, DKH, CRE, KHG: Hoạt động môi giới phụ thuộc vào sự sôi động của thị trường bất động sản. Vì vậy năm 2023 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi mà thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm.


Bất động sản dân sinh gồm DXG, VHM, NVL, NLG, KDH, HDC, DIG, CKG, AGG: Thị trường bất động sản vẫn ảm đạm do chịu ảnh hưởng từ một số yếu tố tiêu cực đặc biệt là việc tăng lãi suất, tình trạng tương tự cũng đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Các nhà phát triển BĐS gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu các khoản nợ. Về phía người mua cũng gặp nhiều vấn đề trong việc tiếp cận vốn và lãi suất cao hiện tại. Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 nếu được thông qua sẽ tác động tích cực đến thị trường. Cụ thể làm dễ dàng hơn điều kiện phát hành, gỡ khó một phần thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản.


Bất động sản khu công nghiệp gồm KBC, IDC, LHG, BCM, SZC, SIP, NTC: Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn khi mà các lợi thế cạnh tranh về giá thuê KCN, giá nhân công... vẫn được duy trì. Tuy nhiên, dòng vốn FDI có thể bị ảnh hưởng do triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 ảm đạm. FIDT cho rằng FDI vẫn sẽ tăng nhẹ do Việt Nam vẫn là nước có nhiều lợi thế cạnh tranh trong xu thế chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc.


Cao su & KCN gồm GVR, DPR, PHR: Giá cao su được dự báo sẽ duy trì ở mức cao nhờ nguồn cung trên thế giới đang thiếu hụt. Kỳ vọng Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su.  Nhiều dự án đang đợi chuyển đổi đất trồng cao su để làm KCN được kỳ vọng sẽ tiến triển trong năm 2023.


Thép và sản phẩm thép gồm HPG, HSG, NKG, TLH, SMC: Nhu cầu tiêu thụ thép có thể gia tăng khi mà thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc mở cửa trở lại. Chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và xây dựng của Trung Quốc có thể thúc đẩy tiêu thụ thép tại quốc gia này. Đối với thị trường trong nước được dự báo nhu cầu vẫn sẽ chịu áp lực lớn do thị trường BĐS ảm đạm.


Gỗ và đá gồm PTB, GDT, ACG, TTF, VCS, VGC: Nhu cầu sử dụng đồ gỗ nội thất bị ảnh hưởng tại các thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa do thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn. Thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp gỗ và đá này chủ yếu là Mỹ và Châu Âu. Hiện tại thị trường BĐS tại các quốc gia này khá ảm đạm nên sẽ ảnh hưởng đến KQKD trong ngắn hạn. Trung Quốc mở cửa sản xuất trở lại sẽ tăng sự cạnh tranh tại thị trường Mỹ mặc dù các sản phẩm của Trung Quốc vẫn nằm trong danh mục chịu mức thuế cao của Mỹ.


Xây dựng dân dụng gồm CTD, HBC, HTN: Thị trường bất động sản ảm đạm kéo theo sự sụt giảm về nhu cầu xây dựng mặc dù giá vật liệu đang ở mức thấp. Các doanh nghiệp xây dựng thường sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ gặp nhiều khó khăn khi lãi suất được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm sau.


Vật liệu xây dựng gồm DHA, HT1, VLB: Đầu tư công được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của nhóm này, bao gồm đá, xi măng, thép,… Tuy nhiên thị trường BĐS ảm đạm cũng sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng của nhóm ngành này.


X ây dựng hạ tầng gồm C4G, HHV, VCG, CTI, CII, THG, LCG, PLC: Vốn đầu tư công được được kỳ vọng sẽ giải ngân mạnh mẽ. Các doanh nghiệp xây dựng thường sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ gặp nhiều khó khăn khi lãi suất được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm sau.


Dịch vụ hàng không gồm HVN, VJC, AST: Giai đoạn từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 1-2023 là giai đoạn cao điểm của thị trường do kỳ nghỉ lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết âm lịch nên nhu cầu đi lại tăng đột biến, kèm với đó giá nhiên liệu giảm giúp các hãng hàng không khai thác hiệu quả hơn trong giai đoạn đầu năm. Nhu cầu du lịch phục hồi mạnh, các hãng hàng không Việt Nam khai thác trở lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc. Tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm, từ đó hỗ trợ giảm bớt áp lực các khoản nợ bằng USD. Kỳ vọng việc đầu tư các máy bay giúp các doanh nghiệp hàng không cải thiện chất lượng bay, hỗ trợ mức tăng trưởng tốt trong dài hạn.


Cá tra gồm VHC, ANV, ASM, IDI: Cá tra sẽ là điểm sáng đặc biệt và đáng chú ý hơn cả trong nhóm ngành thủy sản nhờ (1) giá thành rẻ, dễ tiêu thụ (2) nhu cầu bị kìm nén thời gian dài và (3) số lượng lớn nhà hàng kích hoạt trở lại và có khả năng tăng trưởng nhờ đón khách du lịch quay lại. Các hiệp định thương mại tự do FTA là bàn đạp giúp ngành này giảm bớt được tính chu kỳ khi sản lượng sẽ tăng trưởng đều và ổn định hơn.


Tôm gồm FMC, MPC, CMX: Các hiệp định thương mại tự do FTA hỗ trợ tăng trưởng ngành tôm sẽ tăng trưởng đều và ổn định hơn. Nhu cầu kìm nén trong thời gian dài giúp tăng cầu, kích hoạt việc xuất khẩu gia tăng trở lại. Những vấn đề thuế Chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông Nghiệp Mỹ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuất khẩu tôm.


Dược phẩm gồm DHG, IMP, DVN, TRA: Cuộc đua cạnh tranh công nghệ, dây chuyền đạt chuẩn GMP - EU và hiệp định tự doanh thương mại quốc tế FTA giúp doanh nghiệp có thể phát triển kênh xuất khẩu. Bối cảnh Chính phủ đưa ra những chính sách có lợi cho thuốc chất lượng cao, sản xuất trong nước tại kênh bệnh viện sẽ giúp lợi nhuận tăng trưởng cao trong vài năm tới. Tiềm năng về quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn đồng thời dân số cũng đang già đi với tốc độ nhanh, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dược phẩm.


Bảo hiểm gồm BVH, BMI, MIG, PVI, ABI: Mảng phí bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng, thị trường bảo hiểm đang có nhiều dư địa để phát triển khi mà thị trường dần ổn định so với năm 2021 do dịch COVID-19, mức sống của người dân không ngừng tăng lên. Hưởng lợi kép từ môi trường lãi suất cao khi tăng lợi nhuận từ tiền gửi và giảm chi phí dự phòng toán học do lãi suất chiết khấu tăng. Mảng doanh thu tài chính: chịu ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tài sản tùy thuộc vào số lượng và tỷ trọng nắm giữ của từng công ty bảo hiểm.


Thăm dò và khai thác dầu khí gồm PVD, PVS, PVC: Điểm tích cực là nhờ nhu cầu tiêu thụ dầu hồi phục từ đầu năm, giá dầu tăng dẫn đến sự tăng giá ở các dịch vụ dầu khí như giá cho thuê dàn khoan, giá cho thuê kho chứa dầu nổi,... Rủi ro: việc hiện thực hóa các triển vọng tích cực thành lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc ngành này ở Việt Nam khó dự báo và thường phù hợp cho đầu cơ ngắn hạn.


Chế biến và trung chuyển dầu kh í gồm BSR, GAS, PSH, PVT: Khủng hoảng Nga - Ukraine kéo dài sẽ khiến cho giá dầu tiếp tục duy trì mở mức cao khiến cho crack spread (khoảng chênh lệch giữa giá xăng dầu thành phẩm và giá dầu thô) tiếp tục cao. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp lọc dầu và các doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật và trung chuyển hưởng lợi ít nhất đến hết H1.2023. Nhu cầu phục hồi sau đại dịch sẽ vẫn tiếp tục giúp cho các doanh nghiệp cải thiện Biên LNG. Rủi ro tăng giá nguyên liệu đầu vào và rủi ro giảm giá các sản phẩm Euro II, III nếu cơ quan chức năng áp dụng tiêu chuẩn nhiên liệu cao cho thị trường nội địa.


Phân phối xăng dầu & khí đốt gồm OIL, PLX, GAS, CNG, PGS: Triển vọng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động ổn định từ Q4/2022 giúp các doanh nghiệp xăng dầu giảm tỷ trọng nhập khẩu. Khi chu kỳ La Nina kết thúc, điện khí sẽ được huy động nhiều hơn khi thủy điện suy yếu để đáp ứng các nhu cầu về công nghiệp, sản xuất. Nhóm phân phối dầu khí nằm trong thế bị động, bị ảnh hưởng nhiều bởi đầu ra và đầu vào.


Chứng khoán gồm VND, HCM, SSI, VCI, TVS, MBS: Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại nhưng sẽ đỡ gánh nặng hơn với những dự thảo thay đổi Nghị định 65 về thay đổi kỳ hạn và chuyển đổi gốc/lãi trái phiếu. Lỗ môi giới khi nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường vì những bê bối và môi trường lãi suất cao khiến việc đầu tư vào các tài sản có lãi suất cố định hấp dẫn hơn Lỗ tự doanh có thể gia tăng khi thị trường giảm sâu trong bối cảnh suy thoái kinh tế đến gần.


Ngân hàng gồm VCB, BID, CTG, TCB, VPB, HDB, MBB, STB, ACB, LPB, SHB, VIB, TPB, EIB, OCB, MSB, SSB: Chính sách tiền tệ thắt chặt với lãi suất cao bắt đầu thẩm thấu vào KQKD cùng với ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế trong nửa năm đầu 2023. Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại nhưng sẽ đỡ gánh nặng hơn với những dự thảo thay đổi Nghị định 65 về thay đổi kỳ hạn và chuyển đổi gốc/lãi trái phiếu.


Phân bón gồm DCM, DPM, DGC, BFC, LAS, DDV:  Quý 4/2022 quý 1/2023 vụ Đông Xuân cao điểm lớn nhất trong năm, sản lượng tiêu thụ phân bón, hóa chất nông nghiệp sẽ tăng mạnh trở lại. Trung Quốc tiến hành mở cửa và nới lỏng xuất khẩu phân bón từ tháng 6 nhưng vẫn tiếp tục duy trì mức thấp do đảm bảo nguồn cung trong nước. Điều này sẽ là điều kiện tương đối ổn cho các doanh nghiệp trong nước gia tăng xuất khẩu vì nhu cầu phân bón trong nước đã được đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên dự phóng giá urê có thể sẽ giảm mạnh do Trung Quốc có thể tăng nguồn cung urê khi tình trạng thiếu than giảm và nguồn cung trong nước ổn định trở lại.

Huỳnh Hoàng Phương - TP Nghiên cứu & Phân tích Đầu tư FIDT


Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Chia sẻ Facebook