Những “điểm nghẽn” trong dòng chảy hàng hóa phương Tây vào Nga
Chừng nào Nga còn mắc kẹt trong tình trạng bị phương Tây cô lập về ngoại giao và kinh tế, chừng đó nơi đây vẫn sẽ là một thị trường tái xuất khẩu nhộn nhịp.
Trong bối cảnh dòng chảy hàng hóa phương Tây đến Nga bị gián đoạn do xung đột ở Ukraine, mọi sự chú ý đổ dồn sang khu vực Trung Á.
Một phần bằng cách vận chuyển hàng hóa qua các nước trong khu vực này, đặc biệt là Kazakhstan và Kyrgyzstan, Moscow đã thành công mang về nước lượng hàng hóa trị giá 20 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 12/2022, nhật báo kinh doanh Kommersant của Nga cho biết.
Ngoài Nga, các quốc gia khác cũng đang dựa vào chiến lược nhập khẩu song song (parallel import), bao gồm Armenia, Belarus, Georgia (Gruzia), và Uzbekistan.
Tuy nhiên, những người trong ngành đang cảnh báo rằng có giới hạn công suất cho phương thức này vì các quốc gia đóng vai trò lớn nhất trong quy trình nhập khẩu song song đang phải chịu tình trạng thường xuyên thiếu diện tích kho bãi lưu trữ hàng hóa.
“Nút thắt cổ chai”
Theo các nhà phân tích được trích dẫn bởi nhật báo Kommersant, nhu cầu đối với các nhà kho ở nước ngoài từ các công ty hậu cần và bán lẻ của Nga đã tăng gấp đôi kể từ mùa xuân năm ngoái, khoảng thời gian Moscow bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Theo công ty tư vấn bất động sản NF Group (trước đây có tên là Knight Frank Russia – một công ty của Anh chuyên cung cấp dịch vụ trên thị trường bất động sản quốc tế), các công ty Nga đã tìm kiếm gần 400.000 m2 không gian nhà kho trong thời gian đó, nhưng đơn giản là không thể kiếm đủ chỗ.
Sự thiếu hụt các nhà phát triển cơ sở hậu cần lành nghề trên khắp Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (viết tắt theo tiếng Nga là SNG, và theo tiếng Anh là CIS) có nghĩa là việc khắc phục vấn đề này sẽ không dễ dàng.
Các công ty Nga được cho là có khả năng và sẵn sàng chấp nhận thách thức trên, nhưng sau đó lại phải đối mặt với mối lo lớn hơn: Thiếu các địa điểm xây dựng phù hợp, sẵn sàng đi vào hoạt động.
Kazakhstan giới thiệu một hệ thống trực tuyến được thiết kế để theo dõi tất cả hàng hóa ra vào nước này từ tháng 4/2023. Ảnh: EurasiaNet
Các nhà phân tích cho biết Armenia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan không còn địa điểm trống, trong khi Uzbekistan chỉ có một số không gian nhỏ cho những bên mới nhập cuộc.
Nhu cầu về nhà kho mới ở các nước CIS đến từ các nhà bán lẻ trực tuyến và các nhà điều hành hậu cần, NF Group cho biết.
Còn theo số liệu của nhà phát triển kho bãi Ghelamco (châu Âu), toàn bộ 80% nhu cầu hậu cần ở Trung Á đến từ hai công ty: Wildberries – nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Nga, và Ozon – nền tảng thương mại điện tử hàng đầu và là một trong những công ty CNTT lớn nhất ở Nga.
Wildberries đang dồn sức đáng kể vào thị trường Kazakhstan. Hồi tháng 2, bà Tatyana Bakalchuk, nhà sáng lập của gã khổng lồ bán lẻ này, đã sang Kazakhstan gặp Thị trưởng Almaty để thảo luận về kế hoạch xây dựng một cơ sở hậu cần trị giá 100 triệu USD trong thành phố lớn nhất của quốc gia Trung Á.
Bà Bakalchuk đã nói về khoản đầu tư này như một cơ hội để các nhà sản xuất Kazakhstan bán nhiều hàng hóa của họ ra nước ngoài hơn.
Thực tế gập ghềnh
Hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Kazakhstan Serik Zhumangarin đã tới Moscow gặp bà Bakalchuk để thảo luận về một số lựa chọn, bao gồm việc thiết lập một trung tâm xuyên biên giới ở Khorgos, một cảng cạn quốc tế kết nối quốc gia nội lục với cảng biển Liên Vân Cảng ở Trung Quốc.
Ông Zhumangarin dường như đã gợi ý rằng vị trí này có các khu vực trống để xây dựng nhà kho mới.
Một ý tưởng khác do chính phủ Kazakhstan thúc đẩy là thành lập một trung tâm thương mại xuyên biên giới có tên là Á-Âu ở khu vực Tây Kazakhstan, nơi nước này có đường biên giới dài với miền Nam nước Nga.
Theo vị Bộ trưởng Kazakhstan, trung tâm này có thể tận dụng các hành lang giao thông xuyên lục địa chạy theo hướng Bắc-Nam và Tây-Đông.
Nhưng có vẻ như Wildberries không đặc biệt mặn mà với tất cả những ý tưởng mà họ cho là quá lớn lao kể trên. Gã khổng lồ bán lẻ của Nga chỉ cần giải quyết vấn đề kinh doanh cấp bách của mình mà không phải gánh chịu quá nhiều thiệt hại về tài chính. Lập trường thực dụng của Wildberries đã vấp phải sự chỉ trích của các quan chức ở thủ đô Astana.
Bản đồ khu vực Trung Á. Ảnh: Silk Road Briefing
Chỉ vài ngày sau khi ông Zhumangarin trở về từ Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Almas Aidarov phàn nàn rằng Wildberries đã đặt ra những điều kiện mà ông cho là vô lý để đến đất nước ông và đầu tư xây dựng nhà kho.
“Trong các cuộc đàm phán đầu tiên của chúng tôi, Wildberries đã yêu cầu được miễn thuế trong thời hạn 30 năm, cũng như hỗ trợ xây dựng nhà kho”, ông Aidarov cho biết. “Đương nhiên, chúng tôi không đồng ý với những điều kiện như vậy”.
Trong khi đó, vẫn chưa biết Thị trưởng Almaty đã thảo luận với lãnh đạo Wildberries về những điều khoản như thế nào.
Ngoài Wildberries, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Nga là Ozon cũng gặp khó ở quốc gia Trung Á, nhưng may mắn hơn vì ít ra họ vẫn thu được kết quả đáng khích lệ.
Hồi tháng 3, Ozon thông báo rằng họ đã hoàn thành việc xây dựng một trung tâm hậu cần rộng 38.000 m2 ở thủ đô Astana. Các cơ sở như thế này, được mô phỏng theo mô hình của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon (Mỹ), được sử dụng để lưu trữ hàng hóa và xử lý việc giao hàng cho khách hàng.
Ozon cho biết, trung tâm của họ có thể lưu trữ 9 triệu mặt hàng, từ thực phẩm và hàng điện tử đến vật liệu xây dựng, và xử lý 260.000 đơn đặt hàng mỗi ngày. Do đó, thời gian giao hàng cho người mua ở Nga đang được rút ngắn, Ozon cho biết. Cơ sở này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong tháng này.
Trừng phạt thứ cấp
Kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã trừng phạt hàng nghìn tổ chức và cá nhân, trong khi Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với hàng xuất khẩu sang Nga và đồng minh Belarus.
Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của EU – đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga, nhưng giờ đây trọng tâm trừng phạt sẽ không phải là bản thân nền kinh tế Nga mà là các nước thứ ba cung cấp hàng hóa bị trừng phạt cho Liên bang Nga.
Các quốc gia Trung Á bị nghi ngờ là một bên giúp Moscow né các lệnh trừng phạt vì họ đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga vào năm 2022. Hồi tháng 3, đặc phái viên của EU về thực thi các biện pháp trừng phạt, David O’Sullivan, đã thực hiện một chuyến “thị sát” tới Kyrgyzstan , và các chuyến công tác tương tự sẽ được thực hiện tại Kazakhstan và Uzbekistan trong thời gian tới.
Trao đổi với các phóng viên tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan hôm 28/3, ông O’Sullivan đã đặt câu hỏi về điểm đến cuối cùng của nhiều loại hàng hóa nhập khẩu vào các quốc gia Trung Á, cũng như Armenia, Georgia, Serbia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), sau khi dữ liệu cho thấy lượng hàng hóa chảy từ EU vào khu vực này tăng 300% trong những tháng gần đây.
Vị quan chức EU cũng chỉ ra rằng 770 mặt hàng nhập khẩu từ EU sang các nước khác đã được tìm thấy trong các thiết bị quân sự và vũ khí của Nga được sử dụng trong xung đột ở Ukraine, một dấu hiệu rõ ràng rằng một số quốc gia đang được sử dụng làm điểm trung chuyển để hàng hóa chảy vào Nga.
Ông O’Sullivan nói thêm rằng, ông hy vọng sẽ gặp các quan chức hàng đầu của Kyrgyzstan để thảo luận về việc xuất khẩu hàng hóa từ quốc gia Trung Á này sang các nước khác nhằm ngăn chặn các sản phẩm này tràn sang Nga.
Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Kyrgyzstan Daniyar Amangeldiev nói với RFE/RL rằng thương mại của Kyrgyzstan với các quốc gia khác đang được thực hiện theo tất cả các luật và quy định, tuy nhiên, chính quyền ở Bishkek không thể đảm bảo không có mặt hàng bị trừng phạt nào được xuất khẩu sang Nga.
Kyrgyzstan là một trong những đối tác thương mại tích cực của Nga và là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), một khối thương mại do Nga dẫn dắt, bao gồm cả Belarus, Armenia và Kazakhstan. EAEU được Moscow hình thành như một đối trọng với Liên minh châu Âu (EU).
Vào tháng 4 năm ngoái, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Kazakhstan cho biết, mặc dù là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở Trung Á, đất nước ông sẽ không giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng nói thêm rằng Kazakhstan sẽ tiếp tục quan hệ kinh tế với Nga trong EAEU, vì “không có cách nào để nền kinh tế của chúng ta làm khác đi” .
Minh Đức (Theo EurasiaNet, Silk Road Briefing, RFE/RL)