Những địa phương nào có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong 8 tháng đầu năm 2022?
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2021, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,8%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11% và ngành khai khoáng tăng 10,2%.
Tính chung 8 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%, đóng góp 8,1% vào mức tăng chung. Tiếp theo là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%, đóng góp 0,6% vào mức tăng, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8% và ngành khai khoáng tăng 4,2%.
Địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất trong 8 tháng đầu năm là Bắc Giang với 50,7% . Trong đó, IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2022 của tỉnh tăng mạnh nhất, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước. Bắc Giang cũng là địa phương có IIP của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao nhất cả nước.
Theo Bộ Công thương, song song với chính sách thu hút, Bắc Giang còn chủ động, linh hoạt trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của địa phương.
Xếp thứ 2 là Lai Châu với chỉ số IIP tăng 39,6% trong 8 tháng đầu năm. Tại địa phương, ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao nhất là sản xuất và phân phối điện với mức tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đắk Lắk xếp thứ 3 với chỉ số IIP tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đắk Lắk cũng là địa phương có chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao với mức tăng 42,7%, tăng cao nhất cả nước.
Ở vị trí thứ 4 và thứ 5 là Sơn La và Quảng Nam với chỉ số IIP tăng lần lượt 27% và 26,2%. Ngành có chỉ số sản xuất tăng cao nhất tại Sơn La là sản xuất và phân phối điện, tăng 31,3%. Còn với Quảng Nam là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số IIP tăng 25,5% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, một số tỉnh khác cũng nằm trong top 10 địa phương có chỉ số IIP tăng cao nhất trong 8 tháng đầu năm là Khánh Hòa, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hà Giang và Bến Tre.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
2 địa phương có chỉ số IIP giảm nhiều nhất là Trà Vinh (giảm 26,6%) và Hà Tĩnh (giảm 15%).