Những dấu hiệu bất thường cho thấy xương bạn đang yếu đi nhanh chóng
Các chuyên gia khuyến cáo, khi nhận thấy xương khớp có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn cần can thiệp kịp thời để ngăn ngừa tình trạng loãng xương.
Mọi người thường quan tâm nhiều đến sức khỏe của tim mạch, hay gan, thận mà ít khi để ý đến tình trạng sức khỏe xương khớp. Thực ra, những tổn thương ở xương khớp thường khó có thể hồi phục, để lại di chứng nặng nề và ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cũng như sinh hoạt bình thường của người bệnh.
Để bảo vệ xương khớp, mỗi chúng ta cần lắng nghe cơ thể nhiều hơn. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy xương bạn đang gặp “vấn đề” cần can thiệp để không ảnh hưởng đến sức khỏe:
Móng tay trở nên giòn, dễ gãy hơn: Nếu bạn nhầm lẫn giữa loãng xương và các căn bệnh khác, nó có thể làm trì hoãn thời gian điều trị và bệnh sẽ nghiêm trọng hơn. Để ngăn ngừa loãng xương, hãy chú ý đến tình trạng của móng tay. Nếu cơ thể khỏe mạnh, móng tay sẽ hồng hào và chắc khỏe. Tuy nhiên, ở người thiếu canxi móng tay sẽ trở nên khô, mỏng, dễ gãy và nứt. Thiếu canxi là nguyên nhân lớn gây nên loãng xương.
Răng lung lay: Sự thiếu hụt canxi có thể được đánh giá dựa trên tình trạng của răng. Một số người dù không hề mắc bệnh nha chu nhưng răng không chắc khỏe mà có xu hướng lung lay và dễ rụng. Tình trạng thiếu hụt canxi dẫn đến giảm mật độ xương ở khoang miệng và khiến xương ổ răng không được chắc khỏe. Trong trường hợp này bạn cần bổ sung canxi kịp thời.
Khi đi bộ rất dễ bị ngã : Người xương khớp khỏe mạnh thì dáng đi sẽ uyển chuyển, nhanh nhẹn, vững vàng. Thế nhưng nếu ở trong tình trạng thiếu canxi, tình trạng loãng xương xảy ra sẽ làm giảm khả năng chịu lực của xương, kéo theo đó là sự suy yếu của xương, khả năng giữ thăng bằng kém, khiến việc di chuyển khó khăn hơn.
Thường xuyên bị chuột rút: Triệu chứng điển hình nhất của tình trạng thiếu canxi đó là thường xuyên bị chuột rút vào ban đêm, đặc biệt là ở đùi, bắp chân, cánh tay và nách. Không chỉ chuột rút, người thiếu canxi khi đi lại cũng thường cảm thấy đau nhức cơ bắp, cơn đau ngày càng trầm trọng, cảm giác khó chịu sẽ có khả năng lan sang các cơ toàn thân. Thiếu canxi là nguyên nhân chính làm xương bị suy yếu, trong trường hợp này bạn cần bổ sung canxi kịp thời, thêm vào đó là đến bệnh viện để được thăm khám.
Đau nhức xương khớp: Nếu cơ thể bạn đang trong tình trạng thiếu hụt canxi, triệu chứng dễ nhận thấy nhất là đau nhức cơ, chuột rút và co thắt... đặc biệt là ở phần đùi, cánh tay khi đi bộ và di chuyển.
Sự thiếu hụt canxi cũng có thể gây tê và ngứa ran ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, chân và quanh miệng. Đặc biệt, khi thiếu canxi, cơ thể sẽ dễ loãng xương, dễ gãy xương, rút ngắn chiều cao, gù lưng, tăng sản xương, đau lưng, đi lại không thuận tiện.
Một số thực phẩm tốt cho bệnh xương khớp:
Ngũ cốc và các loại hạt: Ý dĩ, khoai mài, đậu hũ, sữa đậu nành, hạt bí đỏ, hạnh nhân, quả óc chó… có tác dụng bảo vệ đầu xương trước tác dụng xói mòn của độc chất trong ổ viêm. Gạo lứt, lúa mỳ, lúa mạch đen… chứa nhiều carbohydrate phức hợp, nhiều vitamin và khoáng chất mang lại nguồn năng lượng tuyệt vời cho người bệnh.
Rau củ, trái cây: Những loại rau củ màu vàng cam có tác dụng chống oxy hóa, có thể giúp phòng tránh được một số dạng viêm khớp, giúp giảm đau nhức khi mắc bệnh. Những thực phẩm này cũng hỗ trợ trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp.
Các vitamin C, D, E và beta-caroten trong các loại rau, củ, quả, có tác dụng chống oxy hóa, có thể giúp phòng tránh được một số dạng viêm khớp, giúp giảm đau nhức khi mắc bệnh khớp, bảo vệ bao khớp và đầu xương. Vitamin C và D có khả năng cải thiện bệnh viêm xương khớp. Các thức ăn chứa vitamin E có tác dụng giảm đau, chống viêm.
Vitamin C có tác dụng tăng tổng hợp collagen, một thành phần chính của sụn. Các loại rau củ giàu quercetin giàu chất chống oxy hoá, có tác dụng ức chế các hoá chất gây viêm nhiễm có trong hành ta, hành tây, tỏi, húng, mùi tây, cà rốt, rau thơm.
Hoa quả nên ăn như cam, xoài, dâu tây, đào, táo và quả anh đào đỏ. Cà chua cũng rất tốt nhờ hàm lượng lycopen và chất carotenoit chống oxy hóa.
Rau xanh và trái cây là nguồn cung cấp vitamin và chất xơ đáng kể cho cơ thể. Trong đó đu đủ, dứa, chanh, bưởi được xem là những loại trái cây cung cấp men kháng viêm và vitamin C, rất tốt cho người bị đau khớp.
Một số loại gia vị: Các loại gia vị có tính ấm, giúp chống phong, hàn, thấp, giảm đau, như gừng, tỏi, nghệ, hành tím, hành tây, ớt, quế, rau thơm các loại cũng rất có ích cho người bị đau nhức khớp, nhất là khi trời lạnh.
Thực phẩm giàu axit béo omega -3: Nên ăn các loại cá có chứa nhiều acid béo omega-3 (cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá ngừ, cá basa, cá bông lau, cá hú…), đậu nành, hạt lanh, dầu thực vật, dầu bí ngô đều tốt cho người bệnh thấp khớp. Omega-3 làm giảm quá trình sản xuất các loại hoá chất gây viêm nhiễm, xưng khuỷu khớp, ức chế các loại enzymnes làm tăng bệnh. Ngoài ra, cá béo còn chứa nhiều vitamin D, làm giảm tấy đỏ và giúp người bệnh dễ chịu hơn.
Sữa và các loại thực phẩm chế biến từ sữa: Sữa luôn luôn là thực phẩm nên dùng trong cuộc sống hàng ngày vì chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Trong sữa có chứa nhiều canxi - là thành phần cấu tạo nên xương - nên việc uống sữa đều đặn sẽ giúp chống loãng xương, giúp xương chắc khỏe. Đặc biệt tốt cho người bị thoái hóa đốt sống cổ và cột sống lưng. Tuy nhiên nên dùng loại sữa ít đường tách béo vì uống các loại sữa nguyên kem nhiều axit béo no gây tăng phản ứng viêm.
Các loại nấm: Nấm có tác dụng tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì, đái tháo đường, ung thư, đặc biệt là tình trạng thoái hóa xương khớp. Chế biến các món ăn từ nấm kết hợp cùng một số loại rau củ khác như cà rốt, bông cải, ớt trong các bữa ăn sẽ giúp bổ sung các vitamin A, E, C, K… giúp xương khớp dẻo dai.
Giá đỗ: Trong giá đỗ có chứa phyto-oestrogen (hormone oestrogen thực vật), đặc biệt là isoflavon giúp phòng ngừa bệnh loãng xương ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Khi bị loãng xương xương mỏng đi nhanh chóng và nguy cơ gãy xương ngày càng tăng cao.
Trà xanh: Trà xanh luôn được biết đến như một thức uống chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ loãng xương vì trong thành phần có chứa một hàm lượng đáng kể chất flavonoid. Mỗi ngày nên uống 3 - 4 cốc nước chè xanh vì chè xanh rất giàu chất chống oxy hoá.
Ngoài ra, để giúp giảm đau, chống viêm, bảo vệ lớp sụn giữa các khớp xương, nên uống đủ nước trong ngày, khoảng 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày.
Hồng Anh (T/h Phụ Nữ Việt Nam , Sức Khỏe& Đời Sống)