Những đặc sản mỗi năm chỉ có 1 lần, giá đắt đỏ vẫn được nhiều người săn lùng mua
Những loại đặc sản có tự nhiên, mỗi năm chỉ xuất hiện 1 lần và được ví là lộc đất, lộc rừng, rồi lộc trời... cho trở thành những đặc sản độc lạ hiếm có được nhiều người săn lùng dù giá đắt đỏ...
Săn “lộc đất” giá cả triệu đồng
Gần đây, nhiều địa phương vùng vùng đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa thu hoạch nấm mối và loại nấm đặc sản này đang được bán với giá khá cao lên đến 1,2-1,6 triệu đồng/kg.
Nấm mối là loại nấm chỉ mọc trong tự nhiên. Nấm mối được hình thành và sinh trưởng nhờ nước bọt của mối thợ tiết ra và vương vãi trong đất. Có khi nấm mối mọc đến vài mét vì mối thợ đi đến đâu đều để lại nước bọt đến đó.
Nấm mối thường chỉ xuất hiện rộ vào khoảng 2-3 tháng trong năm. Mọc đúng 1 lần vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, đặc biệt thường xuất hiện ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nấm mối có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng. Những năm gần đây, lượng nấm mối được tìm thấy trong tự nhiên ngày càng hạn chế nên chúng có giá cao.
Có 2 loại nấm mối là nấm mối trắng và nấm mối đen. Nấm mối không chỉ là nguồn thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng mà còn là loại thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Vào đầu mùa mưa, thì nấm mối trắng được bán rất nhiều tại các chợ ở đồng bằng sông Cửu Long, với mức giá từ 300.000 - 500.000 đồng/kg; giá nấm mối thu mua tại vườn dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/kg. Nếu xuất ra nước ngoài thì giá dao động từ 1 triệu – 1,2 triệu đồng/kg.
Còn giá nấm mối đen rẻ hơn, khoảng từ 380.000 – 400.000 đồng/kg.
Hái “lộc rừng” thu tiền triệu
'Rừng hoang đẹp nhất hoa màu tím'. Cây sim giờ không chỉ để ngắm hoa, mà còn giúp đồng bào miền núi có nguồn thu kha khá.
Từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm sim ở các vùng đồi chín rộ, nhiều người dân đổ xô hái quả sim bán. Chỉ vài giờ đồng hồ, người dân thu về 200.000-300.000 đồng sau khi bán sim tươi.
Sim ra hoa vào tháng 3 và quả chín cho thu hoạch vào khoảng tháng 6 âm lịch. Thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 9. Vào mùa sim chín rộ, người dân lại lên các đồi, núi hái sim.
Ngày trước, sim chỉ là thứ quả “ăn chơi”, không có giá trị kinh tế nên người ta chặt bỏ, bứt về làm củi đun.
Cây sim trước đây mọc hoang dại ở các đồi, quả sai lúc lỉu. Sim bạt ngàn, hái ăn không hết, bán thì rẻ mạt và cũng không có người thu mua nên bị chặt bỏ để trồng keo trồng thông và để cây dành dành phát triển.
Tuy nhiên, khoảng mười năm trở lại đây, quả sim trở thành hàng hoá, được thương lái thu mua tận nơi với giá cao nên được người dân tìm hái. Cứ vào vụ sim chín, nhiều người dân đổ xô hái sim, mang lại thu nhập khá cao.
Trung bình mỗi ngày 2 người hái sim bán được từ 300-500.000 đồng. Như vậy, 3 tháng thu hoạch sim cũng có hàng chục triệu đồng.
Theo đông y, quả sim có vị ngọt, chát, tính bình có tác dụng hành huyết, chỉ huyết, bổ huyết, hoạt lạc, thường dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, thiếu máu do mất máu, thiếu máu do thai nghén, người yếu mệt sau khi có bệnh, suy nhược thần kinh, ù tai, di tinh.
Với những đặc tính tốt của loại quả này khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng sim rừng để ngâm rượu, làm si rô, làm trà sim… tăng mạnh. Sim rừng trở thành thứ đặc sản mỗi năm chỉ có 1 lần được nhiều người săn lùng mua.
Tháng 9 tìm mua rươi Tứ Kỳ, "lộc trời" hiếm có
Mùa ăn rươi ngắn ngủi ngon nhất là đúng vào tiết đông lạnh se sắt, đó là vào khoảng tháng 10, 11 âm lịch. Đây được coi là thời điểm vàng có thể vớt "lộc trời" từ dưới nước nổi lên, bởi đây là mùa thu hoạch con rươi, đặc sản trời ban cho người dân vùng Tứ Kỳ (Hải Dương).
Ví nó là “lộc trời” bởi vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịc là mùa sinh sản của rươi. Khi nước triều lên tràn các ruộng rươi, loài vật này sẽ nổi theo con nước, và người dân chỉ cần giăng lưới tại cống, chờ rươi theo dòng nước chảy vào rồi vớt lên. Sau mỗi lần khai thác, người dân cải tạo đất thì ấu trùng rươi lại theo thuỷ triều trở lại ruộng, cho nên rươi được ví như 'lộc trời' là vậy.
Rươi có thể chế biến thành nhiều món như: rươi rán, rươi kho, lẩu rươi, mắm rươi… Vào mùa rươi, nhiều gia đình ở huyện Tứ Kỳ khai thác 150 - 200 kg mỗi đêm, thu nhập hàng chục triệu đồng.
Thứ củ bình dân mỗi năm chỉ có 1 lần thành đặc sản vạn người mê
Khi Thu sang cũng là lúc mùa niễng rộ. Củ niễng trước là thứ rau củ bình dân, mộc mạc nay trở thành món ăn đặc sản của vùng Nam Định được nhiều người yêu thích. Vì thế, cứ đến mùa niễng là nhiều người lại săn lùng mua về thưởng thức.
Thông thường, mùa niễng thường chỉ kéo dài khoảng 1 tháng trong năm, chỉ rộ lên vào tầm cuối tháng 10, đầu tháng 11. Cây niễng, có nơi gọi là lúa bắp, hình dáng giống cây lau, sậy và thường mọc hoang ở vùng đất trũng. Với đặc tính ưa nước nên cứ nơi nào nhiều bùn mục như hồ, ao, đầm nước, bãi bồi ven sông thì cây niễng cho củ.
Củ niễng có màu tím sẫm, thân phình to và chắc nịch, khi bóc bớt lớp vỏ bên ngoài sẽ dần hiện ra màu trắng xanh. Củ niễng được tạo nên nhiều món ăn thơm ngon, lạ miệng như niễng xào thịt bò, niễng xào trứng hay niễng xào thịt lợn....
Không chỉ ngon miệng, củ niễng còn rất bổ dưỡng. Đông y dùng củ niễng để chữa các bệnh về tim mạch, huyết áp và đường ruột.
Nhiều năm trở lại đây khi nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch tăng cao, củ niễng trở thành món ăn ưa thích được nhiều người lựa chọn. Và người dân ở Nam Định nhanh nhạy nắm bắt cơ hội làm giàu, nhân giống trồng nhiều phục vụ nhu cầu trên thị trường và làm giàu cho chính mình.
Trung bình mỗi sào niễng có thể mang lại cho người trồng thu nhập từ 6-7 triệu đồng, cao gấp 2-5 lần so với trồng lúa. Cứ đến mùa, Niễng thu hoạch đến đâu bán hết ngay tại ruộng đến đó. Nhiều gia đình trồng niễng đều có nguồn thu từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/vụ từ cây niễng. .
Loài cá cả năm chỉ xuất hiện 1 lần bán đắt hơn tôm tươi
Cá ngần là loại cá ngon nổi tiếng của sông Đà bởi nó mềm như bún, trắng trong, là loại cá không xương. Cá ngần còn có tên gọi khác như cá sữa, cá bún, cá thuỷ tinh…
Cá ngần đầu mùa bán tại Hà Nội dao động từ 250.000-350.000 đồng/kg, đắt hơn so với năm ngoái nhưng vẫn cháy hàng.
Tháng 5-6 hàng năm là lúc cá ngần vào mùa thu hoạch. Cá ngần xuất hiện ngoài tự nhiên và không nuôi được và trở thành loại cá hiếm chỉ có ở vùng sông Đà. Loại này ngày càng được ưa chuộng nên giá trở nên đắt đỏ.
Loài cá ngần đặc sản sông Đà này được cả người già và trẻ nhỏ mê tít vì chúng có thể chế biến thành nhiều món ngon. Cá ngần trộn với gia vị, ít rau thì là, hành và quả trứng, ít thịt là có được đĩa chả cá hấp dẫn, đủ chất dinh dưỡng. Vì cá không có xương, thịt mềm, ngọt, chế biến được nhiều món ăn, gia đình có con nhỏ rất thích. Cá ngần có thể rán giòn hoặc nấu canh chua cũng thật hấp dẫn.
Những năm gần đây, nhu cầu thưởng thức loài cá đặc sản này càng tăng cao, nhiều hộ dân sắm những chiếc thuyền để chèo ra sông bắt cá đem bán.
Cứ bắt đầu từ giữa và cuối tháng 3 hàng năm, người dân xã Phúc Sạn (Mai Châu, Hòa Bình) vào mùa này thường đem lưới đi đánh bắt cá ngần.
Có lẽ vì mỗi năm cá ngần chỉ xuất hiện trong vòng một tuần ở hồ thủy điện Hòa Bình nên ngư phủ bắt được bao nhiêu đều có người đặt mua hết.
H.Yến (t/h)