Những cột mốc làm nên lịch sử Amazon
Trong quá trình đó, Amazon cũng từng trải qua một số thất bại lớn.
Nhờ sự điều hành của Jeff Bezos, Amazon từ chỗ là một cửa hàng sách trực tuyến nhỏ đã phát triển thành một tập đoàn khổng lồ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, điện toán đám mây, bán lẻ vật lý, sản xuất phim và cả trò chơi điện tử.
Khởi nguồn
Năm 1994, Jeff Bezos (khi đó 30 tuổi) đã nghỉ việc tại quỹ đầu cơ D. E. Shaw & Co. để mở cửa hàng bán sách trực tuyến. Nó ra mắt vào tháng 7/1995 và chỉ trong vòng 2 tháng, công ty đã có khách hàng ở tất cả 50 tiểu bang của Mỹ nhưng vẫn không được coi là đối thủ nặng ký của các nhà xuất bản lớn.
Tháng 7/1996, Amazon giới thiệu chương trình liên kết, thưởng cho các trang web khác khi tạo ra lượng truy cập vào Amazon. Tháng 5/1997, Amazon lên sàn chứng khoán với giá 18 USD/cổ phiếu. Khi đó, công ty vẫn thua lỗ dù doanh thu năm đó đã tăng 800%.
Jeff Bezos nói với các cổ đông rằng Amazon đang tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn chứ không chỉ là lợi nhuận trước mắt. Cuối năm 1997, Amazon giới thiệu nút mua sắm "1-Click", cho phép khách hàng mua sách từ Amazon và đặt giao hàng chỉ bằng một lần nhấn nút.
Năm 1998, Amazon mua IMDb với giá khoảng 55 triệu USD - thương vụ mua lại lớn đầu tiên của công ty. Sau đó, Amazon bắt đầu bổ sung thêm nhiều danh mục sản phẩm mới ngoài sách.
Năm 2000, Amazon mở Amazon Marketplace - nơi cho phép người khác bán sản phẩm trên trang của mình. Mọi người có thể bán sách cũ, DVD cùng nhiều sản phẩm khác bên cạnh các trang bán hàng của Amazon.
Năm 2003, lần đầu tiên trong lịch sử, Amazon đạt 75 triệu USD lợi nhuận.
Điểm sáng "Amazon Prime"
Năm 2005, Amazon Prime ra mắt, cung cấp cho khách hàng tùy chọn giao hàng miễn phí trong 2 ngày trong nước Mỹ với giá 79 USD/năm. Đây là bước đột phá đầu tiên của Amazon và sớm trở thành một trong những "sản phẩm" nổi tiếng nhất của họ. Các gói đăng ký Prime đã củng cố vị trí của Amazon trên thị trường bán lẻ.
Năm 2006, Amazon ra mắt một trong những sản phẩm quan trọng nhất của mình: Amazon Web Services, hay AWS. Đây là sản phẩm thương mại cung cấp "xương sống" cho phép các công ty vận hành hoạt động kinh doanh trên Internet của riêng họ từ đám mây. Việc này cũng giúp Amazon đi trước nhiều năm so với các đối thủ cạnh tranh sau này như Microsoft Azure (2010) và Google Cloud (2008).
Tháng 11/2007, Amazon tung ra sản phẩm máy đọc sách điện tử Amazon Kindle. Nó được kết hợp với Kindle Store của Amazon để mua sách điện tử - thường được giảm giá đáng kể so với sách giấy.
Tháng 9/2009, Amazon có bước đột phá lớn nhất trong việc tạo ra dòng sản phẩm của riêng mình với AmazonBasics. Tuy nhiên, nó đã gây tranh cãi khi bị một số người bán hàng trên Amazon cáo buộc rằng công ty lôi kéo khách hàng mua sản phẩm của AmazonBasics theo cách của riêng mình. Ngoài ra còn có cáo buộc rằng Amazon sao chép các sản phẩm của bên thứ ba để bán dưới thương hiệu AmazonBasics.
Tháng 2/2011, Amazon mở rộng dịch vụ video kỹ thuật số của mình thành Amazon Prime Instant Video, thiết lập chỗ đứng đầu tiên trên thị trường phát trực tuyến. Ngoài việc mua phim và chương trình truyền hình, các thành viên của Amazon Prime có thể xem trực tuyến nội dung từ thư viện hơn 5.000 chương trình và phim.
Tháng 4/2012, một báo cáo cho biết 1% lưu lượng truy cập Internet của người tiêu dùng Mỹ đều tương tác với máy chủ của AWS. Các công ty lớn hoạt động dựa vào máy chủ của Amazon vào thời điểm này bao gồm Netflix, Dropbox, Instagram và Pinterest.
Thất bại lớn với Fire Phone
Sau nhiều năm tin đồn, vào tháng 7/2014, Amazon đã tung ra vụ đánh cược phần cứng lớn nhất của mình: Amazon Fire Phone – chiếc điện thoại thông minh chạy bằng hệ điều hành Android.
1 tháng sau, công ty thông báo đã mua lại nền tảng live stream game nổi tiếng Twitch với giá 970 triệu USD. Đến tháng 11 cùng năm, công ty ra mắt chiếc loa thông minh Echo, cho phép người dùng nói chuyện vơi trợ lý kỹ thuật số Alexa. Loa Echo nhanh chóng trở thành một thành công lớn của Amazon, giúp công ty mở rộng sản xuất nhiều sản phẩm loa thông minh khác.
Để kỷ niệm 20 năm thành lập, Amazon đã tổ chức sự kiện "Prime Day" đầu tiên ngày 15/7/2015 – đợt giảm giá lớn theo phong cách của "Thứ 6 đen tối". Kể từ đó, Prime Day được tổ chức thường niên và là một trong những sự kiện có khối lượng mua sắm lớn nhất trong năm của Amazon.
Tháng 9/2015, Amazon thông báo ngừng sản xuất Fire Phone, chỉ hơn 1 năm sau khi nó được giới thiệu. Sản phẩm không được cả khách hàng và giới chuyên môn đón nhận và bị coi là một trong những sản phẩm "lỗi" đáng chú ý nhất của hãng đến thời điểm hiện tại.
Cuối năm đó, Amazon mở cửa hàng sách vật lý đầu tiên ở Seattle, được gọi là Amazon Books. Kể từ đó, công ty đã tiếp tục mở rộng Amazon Books ở các địa điểm khác trên khắp nước Mỹ.
Cuối năm 2016, cửa hàng tiện lợi Amazon Go đầu tiên được mở tại Seattle, sử dụng camera và cảm biến để theo dõi những sản phẩm mà khách hàng lấy khỏi kệ. Sau đó, khách hàng có thể tự thanh toán mà không cần thu ngân.
Cột mốc nghìn tỷ "đô"
Tháng 6/2017, Amazon thực hiện vụ mua bán lớn nhất từ trước đến nay của mình: mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD. Chuỗi thức ăn cao cấp không được đổi tên thành sản phẩm của Amazon. Thay vào đó, Amazon chủ yếu tích hợp Whole Foods vào các dịch vụ giao hàng tạp hóa địa phương, cung cấp cho khách hàng thực phẩm tươi sống trực tiếp từ các cửa hàng.
Năm 2018, Amazon mua lại công ty bảo mật gia đình Ring với giá hơn 1 tỷ USD. Việc này không chỉ mang lại cho Amazon vị trí dẫn đầu trong thị trường an ninh gia đình mà còn đem lại cơ hội quan trọng để mở rộng các thiết bị nhà thông minh được tích hợp trợ lý ảo Alexa.
Tháng 9 năm đó, vốn hóa thị trường của Amazon lần đầu tiên vượt qua cột mốc 1.000 tỷ USD. Amazon là công ty thứ 3 trong lịch sử đạt được con số ấn tượng này.
Tháng 4/2019, Amazon công bố kế hoạch cải thiện giao hàng cho thành viên Prime: thay vì 2 ngày, Amazon đã rút ngắn xuống còn 1 ngày! Tuy chi phí là không nhỏ nhưng công ty đã thu được lợi ích lớn trong dài hạn với sự gia tăng cả về lượng đăng ký Prime lẫn doanh số bán hàng tổng thể.
Tháng 8/2020, Amazon khai trương cửa hàng tạp hóa mang nhãn hiệu "Amazon Fresh" đầu tiên ở California. Đáng chú ý, đây không phải là cửa hàng Whole Foods mà được thiết kế như một lựa chọn thay thế rẻ hơn, có mối liên hệ chặt chẽ hơn với các dịch vụ và sản phẩm của Amazon.
Tháng 2 năm ngoái, Jeff Bezos thông báo sẽ thôi giữ chức CEO của Amazon vào tháng 7. Sau đó không lâu, ông đã thực hiện chuyến bay vào không gian trên tàu vũ trụ New Shepard của công ty Blue Origin do ông làm chủ.
Nguồn: The Verger, BI
Mộc Tiên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế