Những con số nhảy múa trong các báo cáo tài chính của Tân Tạo

Chia sẻ Facebook
24/08/2022 08:28:39

Gần đây dư luận xôn xao về việc Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo sửa số tiền tạm ứng chuyển cho vị chủ tịch đang sống ở nước ngoài từ 1.973 tỉ đồng xuống 633 tỉ đồng. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là tiền mặt ở đâu để doanh nghiệp chuyển?


Nhằm cung cấp đầy đủ thông tin đến cổ đông và đảm bảo minh bạch trên thị trường chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã 3 lần gửi công văn (vào các ngày 10, 16 và 19-8) yêu cầu Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) giải trình gấp trong vòng 24 giờ về việc điều chỉnh báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2022.

Tuy nhiên, chưa có thông tin doanh nghiệp này đã giải trình.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của ba năm gần nhất (2019, 2020 và 2021), đến ngày cuối cùng của năm doanh nghiệp có khoản tiền mặt và tương đương tiền lần lượt là 102 tỉ đồng, 82 tỉ đồng và 231 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2022 (chưa kiểm toán), doanh nghiệp đang giữ khoản tiền và tương đương tiền chỉ xấp xỉ 20 tỉ đồng, tức giảm hơn 91% so với hồi cuối năm trước.

Bên cạnh đó, nếu lấy tổng lợi nhuận sau thuế trong 10 năm rưỡi qua (từ 2012 đến nửa đầu năm 2022), Tân Tạo cũng chỉ kiếm được xấp xỉ 1.303 tỉ đồng, tức còn thiếu 34% mới đắp đủ số tiền 1.973 tỉ đồng để chuyển cho chủ tịch đang ở Mỹ theo báo cáo ban đầu.

Kể từ khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2006 đến nay, Tân Tạo kiếm được tổng lãi ròng sau thuế hơn 3.306 tỉ đồng. Như vậy doanh nghiệp phải gom hết gần 60% tiền lãi của 16,5 năm qua mới đủ để chuyển theo như báo cáo chưa chỉnh sửa.

Tổng số tiền lãi Tân Tạo kiếm được trong vòng một thập kỷ qua cũng không đủ 1.973 tỉ đồng để chuyển cho chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến theo như báo cáo tài chính quý 2-2022 công bố lần đầu (chưa chỉnh sửa) - Biểu đồ: B.MAI


Về sức khỏe kinh doanh, 2010 chính là năm thịnh vượng của doanh nghiệp khi gặt hái được hơn 677,2 tỉ đồng lãi sau thuế. Tuy nhiên một năm sau đã bị sụt giảm mạnh gần 89%, xuống còn 74,7 tỉ đồng.

Kể từ đó kết quả kinh doanh của Tân Tạo cũng liên tục trồi sụt, sau đó giảm xuống đáy 8,3 tỉ đồng vào năm 2017. Những năm gần đây tình hình được cải thiện dần, nhưng vẫn chưa bằng một nửa ở thời đỉnh cao.

Lũy kế nửa đầu năm 2022, Tân Tạo ghi nhận doanh thu đạt hơn 373 tỉ đồng và lãi sau thuế gần 134 tỉ đồng, lần lượt tăng 16% và hơn 77% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, dựa vào chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) có thể thấy Tân Tạo sử dụng vốn kém hiệu quả.

Cụ thể, trong vòng 5 năm qua (2017-2021), chỉ số ROE bình quân của doanh nghiệp chỉ nằm mức 1,37%. Có nghĩa cứ 1 đồng vốn bỏ ra thì doanh nghiệp chỉ thu về khoảng 0,0137 đồng lợi nhuận.

"Nhà đầu tư cần cẩn trọng đối với những doanh nghiệp sử dụng dòng vốn không hiệu quả, đặc biệt là ROE dưới 5%. Đến giai đoạn hết sóng thì giá cổ phiếu đầu cơ của những doanh nghiệp này rơi xuống 2.000 - 3.000 đồng là bình thường.

Việc một doanh nghiệp liên tục im lặng, hoặc không chủ động công khai việc giải trình thông tin khi được sở giao dịch chứng khoán yêu cầu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư vì thiếu minh bạch", một chuyên gia tài chính nhìn nhận.


Chế t ài ra sao khi doanh nghiệp chây ì không công bố thông tin?

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán dù đã có sự cải thiện, song vẫn còn một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc chấp hành các quy định, điều này có thể ảnh hưởng đến giá chứng khoán và quyền lợi nhà đầu tư.

Căn cứ theo quy định tại nghị định 156/2020/NĐ-CP, việc Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo chậm trễ trong hoạt động công bố thông tin theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có thể bị xử phạt 50 - 70 triệu đồng.

Đối với hành vi không công bố thông tin theo yêu cầu của sở, công ty có thể bị xử phạt 70 - 100 triệu đồng.

Trong trường hợp nếu Tân Tạo có hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán về khoản tiền sụt giảm 1.304 tỉ đồng so với công bố trong báo cáo tài chính quý 2-2022 (từ 1.973 tỉ đồng giảm xuống 633 tỉ đồng), thì công ty có thể bị xử phạt 200 - 300 triệu đồng theo quy định (nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 156/2020/NĐ-CP).

"Việc không minh bạch đối với số tiền quá lớn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của nhà đầu tư. Do đó, mức xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành là chưa tương xứng so với khoản tiền trên", luật sư Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, nếu một doanh nghiệp cố tình cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán và đủ các yếu tố cấu thành khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thao túng thị trường chứng khoán theo quy định (điều 211 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Theo luật sư Hùng, riêng vụ việc của Tân Tạo đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, phía doanh nghiệp cần phải nhanh chóng giải trình cho HoSE về khoản tiền sụt giảm 1.304 tỉ đồng nêu trên, để giúp tăng sự minh bạch cho thị trường chứng khoán, cũng như đảm bảo cho quyền lợi của các nhà đầu tư, tránh những tổn thất không đáng có gây ảnh hưởng đến giá trị chứng khoán của công ty.


Theo Bông Mai

Chia sẻ Facebook