“Những cỗ máy đạo văn”: Cuộc chiến giữa các nhà văn và studio tại Hollywood
Nhiều thập kỷ qua, các nhà văn tại Hollywoods viết những kịch bản về các cỗ máy chiếm thế giới. Giờ đây, họ phải đấu tranh để ngăn robot không lấy đi công việc.
Hiệp hội các Nhà văn Mỹ (WGA) mong muốn hạn chế khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong viết kịch bản phim và chương trình truyền hình. Theo hiệp hội này, các studio của Hollywood , trong những cố gắng kiếm lời từ các dịch vụ phát trực tuyến và đối phó với doanh thu từ quảng cáo ngày càng hạn hẹp, đã từ chối các yêu cầu này và cho biết họ sẵn sàng thảo luận về các công nghệ mới mỗi năm một lần.
Một phát ngôn viên của Liên minh các Nhà sản xuất Phim ảnh và Chương trình Truyền hình, một tổ chức đại diện các studio trong quá trình đàm phán hợp đồng, đã không đưa ra lời bình luận.
Những tranh cãi xung quanh trí tuệ nhân tạo là một trong những vấn đề khiến các nhà viết kịch bản phim và chương trình truyền hình tại Hollywood tổ chức đình công vào thứ Hai vừa rồi. Đây là cuộc đình công hàng loạt đầu tiên trong 15 năm qua.
Mặc dù trí tuệ nhân tạo chỉ là một trong số các vấn đề được nhắc tới trong danh sách đàm phán của WGA, nhưng vai trò của trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hướng đến tương lai của ngành công nghiệp giải trí trong nhiều thập kỷ tới.
Nhà biên kịch John August, một thành viên trong Ủy ban đàm phán của WGA cho biết, các nhà văn có hai lo ngại chính về trí tuệ nhân tạo.
“Chúng tôi không muốn những kịch bản chúng tôi viết bị sử dụng trong huấn luyện AI và cũng không muốn phải ngồi sửa các bản thảo ban đầu của chúng”.
Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ đa diện, liên tục phát triển và đang càn quét qua nhiều ngành công nghiệp thế giới.
Tại Hollywood, trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong xóa các nếp nhăn trên khuôn mặt các diễn viên cao tuổi, lấp đi các câu chửi thề của các diễn viên và thậm chí tạo ra các đoạn phim hoạt hình ngắn với sự trợ giúp của Dall-E từ OpenAI, một ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra các hình ảnh chân thực. Một số tác giả đã bắt đầu thử nghiệm sử dụng AI trong viết kịch bản.
“Thành trì cuối cùng”
Mike Seymour, đồng sáng lập Motus Lab tại Đại học Sydney, từng làm việc trong ngành hiệu ứng đồ họa, trí tuệ nhân tạo và đã thảo luận với một số studio, cho biết: “Vấn đề ở đây có vẻ là việc chúng ta đã cho rằng khả năng sáng tạo của con người là thành trì cuối cùng mà trí tuệ nhân tạo không thể chạm tới, một ranh giới ngăn cản các cỗ máy thay thế công việc của con người. Tôi tin rằng đây chỉ là một quan điểm không căn cứ của mọi người đã đi vào tiềm thức cộng đồng”.
Trí tuệ nhân tạo có thể giúp các nhà văn “phá vỡ hiện tượng tờ giấy trắng”, theo lời ông Seymour, và ông cũng cho rằng chúng rất giỏi “viết kịch câm”, một cụm từ mà ông sử dụng để ám chỉ rằng trí tuệ nhân tạo giỏi viết các đoạn hội thoại thẳng thắn, mặc dù những đoạn hội thoại đó sẽ không mang nhiều sắc thái đa dạng.
Ông cho biết: “Tôi không tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ trở nên siêu thông minh và có khả năng viết ra những tác phẩm như “Citizen Kane”, bởi vì quan điểm đó là ngớ ngẩn”.
Các nhà văn lo sợ họ sẽ bị gạt sang một bên hoặc ít nhất là không được trả đủ nhuận bút.
Warren Leight, một nhà biên kịch từng đảm nhiệm vai trò điều hành sản xuất và đạo diễn chương trình “Law & Order: SVU” của NBC đã cho biết: “Trí tuệ nhân tạo chỉ có thể viết ra những kịch bản chắp vá”.
“Thay vì thuê nhà văn viết bản thảo kịch bản ban đầu, các studio sẽ thuê họ viết bản thảo kịch bản lần hai và trả công thấp hơn. Chúng tôi muốn ngăn chặn khả năng này ngay từ khi phôi thai”.
Hiệp hội cho rằng những bản thảo mà các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT viết ra không thể được coi là “tài liệu văn học” hay “tài liệu nguồn”, các khái niệm đã được định nghĩa trong hợp đồng của họ.
Trong thực tiễn, điều này có nghĩa là nếu nhân viên studio đưa lại cho các nhà biên kịch một kịch bản mà trí tuệ nhân tạo viết để sửa lại, họ sẽ không được phép trả cho các nhà biên kịch mức nhuận bút thấp hơn từ quá trình viết lại hoặc chau chuốt lại kịch bản.
Hiệp hội cũng yêu cầu các kịch bản có sẵn không được sử dụng trong huấn luyện trí tuệ nhân tạo, một nước đi có thể mở cửa cho các hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ.
Ông August cho biết: “Chúng tôi gọi đó là “Vấn đề Nora Ephron”, thử tưởng tượng nếu như các studio huấn luyện trí tuệ nhân tạo dựa trên các kịch bản của Nora Ephron, và yêu cầu chúng viết ra kịch bản phim hài theo phong cách của cô ấy. Những đề xuất của chúng tôi nhằm ngăn chặn tình huống như vậy”.
Trưởng đoàn đàm phán của WGA, cô Ellen Stutzman cho biết, một số các thành viên của họ gọi trí tuệ nhân tạo là “cỗ máy đạo văn”.
“Chúng tôi đã đưa ra các đề xuất hợp lý rằng các công ty nên tách rời trí tuệ nhân tạo khỏi ngành viết kịch bản phim và chương trình truyền hình, không nên cố gắng thay thế các nhà văn”.
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)