Những chuyện đau lòng
Tôi, bao giờ đọc tin về các thầy cô cắm bản cũng xa xót nhói đau. Cũng giáo viên như nhau, họ như sống ở một thế giới khác...
Hôm kia cô giáo Mai Thị Yến cùng chồng và con nhỏ, sau kỳ nghỉ lễ, trở lại trường, nơi cô là giáo viên mẫu giáo cắm bản, chồng là giáo viên tiểu học, và đã gặp tai nạn khiến cô tử vong, chồng bị thương nặng tới mức không thể về chịu tang vợ.
Từ lâu chúng ta đã nghe nói tới cái công việc là “giáo viên cắm bản” và chắc cũng không nhiều người hình dung nó như thế nào?
Cái hình ảnh chiếc xe máy của vợ chồng cô rơi xuống vực làm chúng ta nhói đau.
Chiếc xe với 2 bánh được quấn xích, để nó bám đường. Những con đường như ngược lên trời. Ngoài 2 bánh xe bám đường thì còn cần thêm 2 chân người đi xe phụ giúp để nó nhích được từng tí.
Và hôm qua chiếc xe ấy đã không bám được đường. Nó bị mất phanh, lao thẳng xuống vực. Cô giáo tử vong, chồng cô bị dập thận phải cắt bỏ. Đứa con, may thay chỉ bị xây xát nhẹ.
Cô Yến đã “cắm bản” được 13 năm. Có 2 con, ngoài cháu bé 5 tuổi phải mang theo vào bản cùng bố mẹ, thầy cô còn một cháu nữa 10 tuổi được gửi ở nhà ông bà. Ngày nghỉ 2 vợ chồng đưa cháu 5 tuổi về thăm cháu 10 tuổi, và khi quay lại trường thì gặp nạn.
Tôi ở Tây Nguyên, cũng từng xuống làng gặp những thầy cô giáo cắm bản. Đã gặp trường hợp cô giáo bị lũ cuốn. 10 năm trước, năm 2013, không chỉ một mà tới hai cô giáo trẻ ở huyện K’bang, Gia Lai bị lũ cuốn khi đi dạy học. Và còn nhiều nữa...
Nhưng tới năm 2023 mà vẫn còn cảnh này thì đúng là đau xót quá.
Chúng ta vẫn xem ti vi hoặc ngay trên Facebook của các thầy cô thấy cảnh họ đi vào trường trong mùa mùa mưa, đi như lội ruộng, và họ vẫn tươi cười trêu đùa động viên nhau. Cũng từng chứng kiến các cô chui vào túi nilon để qua suối mùa lũ?
Trên mạng có người đề xuất, thay vì để các cô vào “cắm bản” thì đưa các cháu ra học tập trung? Ý kiến này có vẻ hay nhưng rõ ràng là không thực tế.
Chỉ có điều, nếu chúng ta bớt được sự lãng phí đi, những cờ quạt băng rôn khẩu hiệu, những khởi công hoàn công, những công trình tiền tỷ làm xong bỏ hoang, những cuộc hội họp kết hợp tham quan vô bổ... để đầu tư cho những con đường, những ngôi trường vùng sâu vùng xa như ngôi trường ở Đường Thượng mà cô giáo vừa tử nạn khi vào trường với học sinh của mình thì có thể giảm bớt những đau thương chúng ta vừa chứng kiến.
Và giờ, vẫn còn những thầy cô cắm bản như thế. Và không riêng lẻ, nguyên một gia đình, như gia đình cô Yến thầy Nam ở Đường Thượng vừa xảy ra.
Và cũng đang xảy ra, là cô giáo Dung ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Hôm qua, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã yêu cầu các ngành báo cáo toàn diện vụ án xảy ra tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên. Một bản án mà khi tuyên, bị can phản đối quyết liệt cho rằng mình bị oan, dư luận dậy sóng, cấp trên phải yêu cầu báo cáo thì rõ ràng dẫu có được cho là đúng, bản án ấy vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ông Nguyễn Hòa Bình, ủy viên Bộ Chính Trị, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao từng viết trên Tạp chí Cộng Sản:"Đánh giá hiệu quả hoạt động tư pháp, hiệu quả xét xử không chỉ căn cứ vào số lượng vụ án, vụ việc được giải quyết, mà phải dựa trên chất lượng xét xử, sự tâm phục, khẩu phục của các bên, sự đồng tình của dư luận xã hội , chi phí của Nhà nước và xã hội..". Căn cứ vào đấy mà suy thì, vụ án cô giáo Dung vẫn còn nhiều điều phải... đợi.
Cả hai chuyện đều rất đau lòng.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.