Những chuyến cứu trợ không thể quên trong đời làm báo Tuổi Trẻ

Chia sẻ Facebook
21/06/2022 12:23:18

Hơn 20 năm làm cho báo Tuổi Trẻ, tôi gần như tham gia vào hầu hết các đợt cứu trợ, hỗ trợ người dân Quảng Bình mà báo tổ chức. Và đó là những công tác xã hội để lại trong tôi những ký ức khó quên của nghiệp làm báo…

50 tấn gạo của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến với đồng bào vùng lụt ở xã Hồng Thủy và Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy năm 2016 - Ảnh: L.GIANG

Là nhà báo thuộc địa bàn Quảng Bình, mỗi khi lũ lụt hoặc bão tới là tôi phải đi viết tin bài, chụp ảnh. Sau khi làm xong tin bài, ảnh phản ánh lũ lụt hoặc bão theo yêu cầu của tòa soạn mới chuyển sang làm cứu trợ cho Ban công tác xã hội của báo.


Những hình ảnh tôi trực tiếp chứng kiến khi đi cứu trợ luôn khiến tôi đau đáu… Chính vì vậy những chuyến cứu trợ và hỗ trợ người dân Quảng Bình do báo Tuổi Trẻ thực hiện luôn tạo cho tôi niềm vui, vì phần nào làm vơi bớt những cơ cực của người dân nghèo trên chính quê mình…


Những đứa trẻ mỏng manh áo ở bản Ka Ai


Năm 2008 có một đợt rét kéo dài, suốt 45 ngày không có ánh nắng mặt trời. Tôi chuyển thông tin này vào tòa soạn báo Tuổi Trẻ . Nhà báo Bùi Thanh điện hỏi: "Quảng Bình cần hỗ trợ áo ấm chăn màn không? Lam Giang xem rồi báo cáo ngay".

Tôi gọi lên cho bí thư Huyện đoàn Minh Hóa Đinh Gia Tuyết, anh nói "rét lắm, đồng bào rất khổ". Tôi báo anh Bùi Thanh và hôm sau tòa soạn quyết định đăng Lá thư Ban biên tập. Hôm sau nữa, tôi nhận lệnh đưa khẩn cấp 100 bộ quần áo ấm lên cho trẻ em ở vùng cao Minh Hóa.

Tôi chạy gom ở các chợ tại Đồng Hới được 100 bộ áo, quần bò. Gom xong, ngay buổi trưa, tôi thuê xe chở lên bản Ka Ai, xã Dân Hóa.

Lên đến bản Ka Ai, giữa trời rét như cắt da thịt, nhìn những đứa trẻ mong manh áo mỏng, đứng run rẩy tôi không khỏi xót xa… Các cháu run run nhận áo quần, có cháu nhận xong liền mặc ngay vào người để chống rét.

Giữa đường, tôi chụp một bức ảnh ba mẹ con. Một đứa độ 5 - 6 tuổi không có quần để mặc, nó đứng run như cầy sấy vì lạnh. Người mẹ cho biết vừa từ nương rẫy về, nghe tin có phát áo quần ấm liền dẫn con về sân bản.


Hình ảnh ấy tôi gửi vào tòa soạn, và tòa soạn chọn đăng kèm bài: "Mong manh những phận đời trong giá rét".

Những đứa trẻ ở bản Ka Ai chờ nhận áo quần ấm - Ảnh: L.GIANG

Những đứa trẻ ở bản Ka Ai vui mừng với bộ quần áo ấm mới - Ảnh: L.GIANG

Mẹ và con đi trong trời rét căm căm về sân bản Ka Ai nhận áo quần ấm. Tấm ảnh lay động tình cảm của bạn đọc báo Tuổi Trẻ về đợt rét dài kỷ lục năm 2008 - Ảnh: L.GIANG


Lá thư của Ban biên tập báo Tuổi Trẻ và bài viết của tôi sau đó tạo nên một đợt quyên góp đồ ấm cho đồng bào vùng rét Quảng Bình rất rầm rộ và được bạn đọc báo Tuổi Trẻ khắp cả nước hưởng ứng, kéo dài nhiều ngày tiếp theo.


Có lần tôi phải một mình ra ga Đồng Hới nhận... cả nửa toa tàu hàng hóa gồm áo quần, chăn màn, đồ dùng chống rét... Sau do nhiều hàng quá làm không xuể, tôi phải nhờ Tỉnh đoàn Quảng Bình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình chung sức phân loại và phân bổ hàng về các huyện.


Có ngày một mình tôi phải quày quả đón xe nhận hàng từ Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định… ra, từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào… Sau đồ ấm là nhiều chuyến hàng gồm gạo, mì, thực phẩm… liên tục đổ về cho đồng bào vùng rét Quảng Bình. V ì vậy trong đợt rét này báo Tuổi Trẻ cũng thực hiện cấp gạo cho học sinh nhiều trường học ở huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch...

Những ngày đó tôi khá vất vả, nhưng rất vui vì biết bao người dân, học trò nghèo ở Quảng Bình đã được đồng bào cả nước chung tay hỗ trợ để vượt qua khó khăn vì rét.


Đời làm báo, thật vui sướng khi bên cạnh việc hoàn thành công việc viết tin, bài và chụp ảnh trong bão lụt, còn hoàn thành tốt những đợt làm công tác xã hội. Điều tôi ghi nhớ và biết ơn mãi với tư cách là một người dân Quảng Bình, đó là tấm lòng của những người làm báo Tuổi Trẻ TP.HCM và bạn đọc báo Tuổi Trẻ cả nước luôn hướng về với đồng bào Quảng Bình mỗi khi Quảng Bình bị bão, lụt, rét mướt...

Lá thư của Ban biên tập và bài báo trên Tuổi Trẻ thu hút được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ trên cả nước cho đồng bào vùng rét Quảng Bình - Ảnh: L.GIANG


Mượn tiền ngân hàng để kịp thời cứu trợ


Năm 2013, cơn bão số 10 tràn qua Quảng Bình gây thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân cả tỉnh. Sau cơn bão, đoàn công tác xã hội ở văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Huế và Đà Nẵng lập tức bắt tay vào việc thực hiện cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào.

Hôm đó anh em chúng tôi chọn một thôn nằm ngay dưới chân phía nam đèo Lý Hòa, thuộc xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch - nơi bị bão quét qua gây thiệt hại nặng nề nhất - làm chuyến cứu trợ đầu tiên.

Khi xe văn phòng từ trung tâm TP Đồng Hới chạy đến địa phận xã Lý Trạch thì anh Đăng Nam, phó văn phòng đại diện ở Đà Nẵng khi ấy, hỏi anh em: "Tiền đâu rồi để cho sẵn vào phong bì?".

Tất cả mọi người trên xe đều ngớ ra một lúc, rồi mới nhớ ra không ai biết tiền cứu trợ đang nằm ở đâu cả. Thì ra tất cả chúng tôi đều là quân đi viết tin bài, nay tòa soạn giao nhiệm vụ cứu trợ khẩn cấp, anh em ở văn phòng Đà Nẵng ra cứ tưởng trong tòa soạn đã chuyển tiền ra cho tôi, còn tôi thì nghĩ anh em Đà Nẵng mang tiền theo rồi…

Xe đành dừng lại bên đường. Tất cả đều không biết trước mắt có cách nào để thực hiện tốt nhiệm vụ tòa soạn giao. Đang bối rối vậy, tôi chợt nhớ mấy hôm trước có nhận tiền lương về, đang chuẩn bị gửi vào Sài Gòn cho hai cô con gái đang học đại học trong đó.

Tôi nói với anh Đăng Nam: "Ở nhà mình đang có 5 triệu đồng, phải quay xe về lấy tạm chớ không còn cách nào khác". Vậy là với 5 triệu đồng đó, đoàn chúng tôi cùng cán bộ thôn tạm thời cứu trợ cho 10 gia đình bị sập nhà, mất nhiều tài sản nhất. Gần trăm hộ dân khác đành khất lại hôm sau sẽ ra.

Cũng chiều hôm đó còn có thêm một chuyện… cười ra nước mắt nữa xảy ra với đoàn. Đó là khi xe chạy ra gần tới thị trấn Hoàn Lão, chúng tôi nhận được cuộc gọi của phóng viên Tiến Long báo anh cũng vừa nhận được lệnh cứu trợ cho đồng bào bị bão ở huyện Tuyên Hóa.

Long cũng đề nghị văn phòng giao tiền ngay để anh kịp quay lên lại Tuyên Hóa cứu trợ. Nhưng chưa đủ tiền để cứu trợ ở Lý Hòa thì làm sao có tiền cho cứu trợ Tuyên Hóa. Tôi đành ứng biến với hy vọng nhỏ nhoi là mượn được tiền của… ngân hàng.

Ngồi trên xe ra Lý Hòa, tôi nói với anh Đăng Nam và mấy anh em tôi sẽ mượn tiền ngân hàng để Long kịp thời làm nhiệm vụ tòa soạn giao đã. Vậy là tôi gọi cho chị H., giám đốc một ngân hàng ở Đồng Hới, nói rõ lý do mượn tiền.

Chị H. nói chỉ cho mượn được 10 triệu chớ không nhiều hơn được. Mừng quá, tôi liền gọi cho Long tới ngân hàng của chị H. chờ lấy tiền. Hồi sau chị H. gọi tôi bảo là có người tới gặp chị và nói lấy tiền của tôi mượn, chị cảnh giác nên phải hỏi lại tôi cho chắc chắn đúng người.

Tôi nhờ chị H. đưa điện thoại cho Long và xác nhận đúng là người tới lấy tiền. Chiều hôm đó, chúng tôi có thêm 10 triệu đồng để đưa lên hỗ trợ khẩn cấp đồng bào Tuyên Hóa.


Xin bà con nhận để hoàn thành nhiệm vụ

100 bộ bàn ghế là hàng cứu trợ của báo Tuổi Trẻ đến với học sinh vùng lũ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa năm 2016 - Ảnh: L.GIANG

Nhà báo Lam Giang đưa hàng cứu trợ của báo Tuổi Trẻ đến với đồng bào vũng lũ lụt ở xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn năm 2016 - Ảnh: CTV

Hàng cứu trợ của báo Tuổi Trẻ đến với đồng bào vùng lũ lụt xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa năm 2016 - Ảnh: L.GIANG

Nhà báo Lam Giang đưa hàng cứu trợ của báo Tuổi Trẻ đến với đồng bào vũng lũ lụt ở xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn năm 2016 - Ảnh: CTV

Gian nan đưa hàng cứu trợ của báo Tuổi Trẻ vào với đồng bào vùng lũ lụt ở xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn năm 2016 - Ảnh: L.GIANG


Năm 2016, một trận lũ lụt lớn vào tháng 11 nhấn chìm nhiều vùng nằm ven sông Gianh thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch… Ngay khi mưa lũ đang ào ạt đổ xuống, tôi cùng các đồng nghiệp Tâm Phùng (báo Nông Nghiệp Việt Nam ), Hoàng Văn Phúc (báo Quảng Bình ), Hương Giang (báo Nhân Dân ) đi xe của báo Quảng Bình vào xã Quảng Sơn làm tin bài, ảnh về lũ lụt.

Sau khi chụp xong ảnh, hỏi thêm được ít thông tin ban đầu, chúng tôi phải lập tức quay xe ra vì sợ bị lũ cắt đứt đường về.


Ngay sau khi mưa lũ rút xuống, tôi liền được lệnh của tòa soạn báo Tuổi Trẻ chuẩn bị công tác cứu trợ. Điểm cứu trợ đầu tiên mà tôi chọn chính là xã Quảng Sơn, nơi tôi vừa chứng kiến những thiệt hại nặng nề và khó khăn mà đồng bào đang phải gánh chịu vì lũ.

Nhà cửa của người dân ở các thôn trong xã hầu như không còn được cái gì lành lặn, tất cả đều ngập trong bùn nước đỏ ối. Gạo trôi, nồi xoong trôi, chén bát vỡ, áo quần lấm nhoẹt bùn nước… rất khổ ải.

Gần 10h tôi mới nhận được lệnh cứu trợ. Nhưng yêu cầu của tòa soạn và Ban công tác xã hội là buổi chiều cùng ngày phải thực hiện được cứu trợ. Tôi vò đầu bứt tai vì thời gian quá khẩn cấp, sợ không hoàn thành nổi nhiệm vụ.

Vì vậy tôi lập tức huy động cả vợ vào cuộc gom hàng. Hàng hóa mà tôi đề xuất cứu trợ là gạo, dầu ăn, nước mắm, nước uống. Đến gần 12h, tôi gom đủ hàng hóa, thuê xong xe tải chở gần 3 tấn gạo và đồ khác, sẵn sàng đưa đi.

Trước khi đi, tôi nhờ cán bộ xã và thôn tập hợp bà con tại sân nhà văn hóa thôn vào lúc 14h30. Cùng cứu trợ với tôi có thêm chị Phạm Vũ (PV ở tòa soạn) trên đường từ Hà Nội vào Sài Gòn, thấy lũ lụt lớn quá nên ghé lại Quảng Bình tham gia viết bài và cứu trợ, anh Nguyên Linh ở văn phòng Huế.

Do quá khẩn cấp, các nhà bán gạo không thể chia gạo thành các bao nhỏ 5kg, 10kg như tôi yêu cầu, mà chỉ đóng được vào loại bao sẵn có 25kg. Riêng các loại hàng hóa khác tôi đóng được theo từng phần riêng cho mỗi hộ rồi nên không phải lo lắng gì.

May mắn sau đó dù đường vào Quảng Sơn đang rất khó đi do bị mưa lũ xói lở, làm hư hỏng nhiều đoạn, nhưng trước giờ hẹn 14h30, chúng tôi đã có mặt ở xã Quảng Sơn.

Xe đến, bà con rất mừng và tề tựu khá đông. Bà con ai cũng vui, nhưng đến khi chúng tôi cấp phát hàng thì hầu hết chần chừ, không chịu đến nhận. Hỏi ra mới biết bà con ngại nhận khi cứ phải… hai người rưỡi nhận một bao gạo (mỗi hộ 10kg), rồi sau đó mới xổ ra chia lại với nhau trong hoàn cảnh nhà đã bị trôi hết đồ dùng vật dụng, bùn đất ngổn ngang.

Hàng là do tôi chuẩn bị, nên nếu bà con không nhận tôi phải chịu trách nhiệm lớn nhất trước tòa soạn báo. Các phóng viên đi cứu trợ cùng tôi cũng hết sức lo lắng, không biết phải xử lý ra sao.

Tôi đành "chơi" bài cuối cùng. Tôi leo lên đứng trên thùng xe tải chở gạo, nói rõ to: "Xin bà con nghe tôi nói vài lời đã. Thưa với bà con là trước hết tôi và anh chị em trong đoàn cứu trợ thành thật xin lỗi bà con vì chúng tôi đã không đóng được gạo vào từng bao 10kg để thuận tiện cho bà con mang về.

Nhưng mong bà con hiểu cho, do nhận lệnh đi cứu trợ từ tòa soạn đưa ra lúc gần 10h sáng nay, mà bây giờ 14h30 chúng tôi đã có mặt ở đây với bà con rồi. Thời gian quá gấp, vì muốn đưa được hàng sớm cho bà con nên chỉ chuẩn bị được đến như vậy thôi. Có gì sai sót mong bà con bỏ qua và nhận hàng cho, để anh chị em chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, có được không ạ?".

Có lẽ do tôi nói thống thiết quá, và cũng thấy chúng tôi quá vất vả với xe hàng giữa những đống cành cây ngổn ngang, bùn lầy đỏ ối nhớp nháp trên đường làng, bà con vui vẻ bảo nhau nhận hết. Thế mới hiểu được câu thành ngữ "Của cho không bằng cách cho".

Nghiệp làm báo, có thể dễ quên đi những giải thưởng, những điều to tát khác. Nhưng những chuyến công tác xã hội như thế này, những cảnh tượng mất mát và gian khó mà người dân gánh chịu vì thiên tai thì thật khó quên.

Hàng cứu trợ của báo Tuổi Trẻ đến với bà con vùng lũ xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy sau trận lụt lớn năm 2020 - Ảnh: L.GIANG

Người dân xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh nhận hàng cứu trợ của báo Tuổi Trẻ sau trận lũ lớn năm 202 -. Ảnh: L.GIANG

Đoàn cứu trợ của báo Tuổi Trẻ vừa mang 600 phần quà cứu trợ vượt nước lũ đến trao tặng cho bà con xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) sau 14 ngày bị cô lập, chia cắt.

Chia sẻ Facebook