Những chuyến bay giải cứu

Chia sẻ Facebook
17/04/2022 14:04:17

Năm ngoái, một người anh thân thiết của tôi gọi điện thoại lúc nửa đêm giọng như reo báo tin mừng: Hai đứa con của anh, một đang làm nghiên cứu sinh, một đang là sinh viên từ Mỹ, đã theo chuyến bay giải cứu về tới Việt Nam.

Công dân Việt Nam về nước qua sân bay Nội Bài - Ảnh: TUẤN PHÙNG


Giọng anh vui khôn tả: "Vậy là không còn sợ chết rồi!".

Bởi suốt một thời gian dài, nhìn cảnh quan tài xếp lớp của các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở xứ người trên báo chí, vợ chồng anh không đêm nào ngủ được khi nghĩ đến hai đứa con mình đang ở đó, vì vậy dễ hiểu niềm vui của vợ chồng anh khi các con của mình được giải cứu.

Đó là một trong nhiều trường hợp mà tôi đã được gặp năm ngoái, chuyện của bạn bè mà làm tôi xúc động theo khi nghĩ về sự sống và cái chết.

Và kể cả không có thân nhân được giải cứu đi nữa thì không một người Việt nào không xúc động với những chuyến bay xuyên lục địa, đưa các công dân Việt Nam từ hải ngoại trở về Tổ quốc thời điểm dịch căng thẳng đó.

Hình ảnh những phi hành đoàn với bộ đồ bảo hộ kín mít, những chuyến bay về quê nhà chật ních hành khách, toàn bộ nhân lực ngành y được huy động, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng nhận nhiệm vụ đón tiếp bà con trở về, tổ chức cách ly an toàn... mãi mãi là những hình ảnh đẹp như một câu dân ca xứ Nghệ: "Rằng qua cơn lận đận, mới hiểu tận lòng nhau".

Chính vì ấn tượng đẹp như vậy nên khi những sự vụ khuất tất liên quan đến những chuyến bay giải cứu trong thời gian gần đây bị lộ sáng đã làm cho chúng ta không thể không nhức nhối.

Bức tranh đẹp về lòng hy sinh được vẽ nên bằng những hình ảnh đáng ghi nhận từ cuộc giải cứu bỗng bị vài vết ố do một vài cán bộ đảm nhiệm trọng trách liên quan gây ra.

Chia sẻ nỗi vui mừng của người anh lúc đó, tôi nhớ mình cũng chỉ rụt rè hỏi: "Chi phí bay về cho hai cháu thế nào?".

Ngay lập tức anh nói: "Nước sôi lửa bỏng như thế này tính toán gì chuyện bạc tiền chi phí, chỉ cần về được. Về được quê là coi như đã được sống lại em ạ!".

Cũng chính vì sự sống không thể cân đong bằng tiền bạc nên việc những công dân Việt Nam ở nước ngoài có tâm lý chấp nhận, dù có thể bất hợp lý miễn sao được về quê nhà, nơi được coi là an toàn nhất. Tâm lý đó, tiếc thay đã bị tận dụng thành cơ hội trục lợi kiếm tiền của một nhóm nhỏ các cán bộ tha hóa.

Nhưng không phải người Việt nào ở nước ngoài cũng có thể may mắn được về nước như hai người con của người anh vừa kể. Bởi với mức giá vé máy bay bị đội lên cao gấp nhiều lần, rất nhiều người đã không thể mua được vé về Việt Nam.

Đành rằng chi phí cho những chuyến bay giải cứu tăng lên do nhiều lẽ, nhưng nay còn có thêm lý do thật buồn là một số người có trách nhiệm đã tìm cách trục lợi trong câu chuyện nhân đạo này. Tôi nhớ từ năm ngoái đã có những tin đồn râm ran, và nay mọi việc bắt đầu tỏ tường.

Lợi dụng chính sách hay hoàn cảnh để trục lợi không phải là điều gì quá lạ lẫm, điều lạ là vì sao trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy, sinh mạng con người bị đe dọa như vậy thì có người lại thản nhiên tìm cách móc túi những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của đồng bào mình.

Câu chuyện phạm pháp xảy ra với những cá nhân liên quan đến các chuyến bay giải cứu công dân là điều rất đáng buồn, nhưng không vì vậy mà phủ nhận được chủ trương, sự tập trung, ưu tiên mà Nhà nước đã nỗ lực dành cho con dân người Việt trên khắp thế giới trong những ngày đại dịch hoành hành.

Trên những chuyến bay đó còn có những phi công, những tiếp viên, những y bác sĩ đi vào tâm dịch. Điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận có thể sẽ phải đánh đổi tính mạng của mình để việc giải cứu thực sự mang vẻ đẹp của sự giải cứu!

Tôi tin người anh thân thiết của tôi cũng nghĩ về việc giải cứu đã mang đến cho hai con của anh như vậy, dù những tin tức không tốt lan ra những ngày này.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng vì liên quan vụ án 'nhận hối lộ' để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.

Chia sẻ Facebook