Những chuẩn mực cốt lõi khi luật sư tham gia viết báo
Khi tham gia viết báo, luật sư cần phải tuân thủ một số chuẩn mực cốt lõi nhằm đảm bảo tính trong sáng, khách quan và uy tín của nghề.
Trong nhiều vụ án, việc luật sư tham gia viết báo hoặc cung cấp thông tin cho báo chí đã đóng góp phần vào việc phản ánh thông tin, đưa ra các góc nhìn đa dạng, phong phú liên quan đến các vụ án và chính sách pháp luật.
Không chỉ vậy, bản thân các luật sư được tham gia trực tiếp vào các vụ án, tiếp xúc với bị can, bị cáo, những vụ việc, nên khi những thông tin đó được cung cấp tới các cơ quan báo chí cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa sự việc ra ánh sáng, thúc đẩy việc giải quyết, xử lý các hành vi sai phạm.
Tuy nhiên, bài báo do luật sư viết, hoặc cung cấp thông tin cho báo chí phải đảm bảo chất lượng, chặt chẽ, tuân thủ pháp luật và bảo các nguyên tắc cơ bản. Không vì bảo vệ thân chủ mà làm mất đi tính trung thực, khách quan của vụ việc.
Là người thường xuyên tham gia viết bài và cung cấp thông tin cho báo chí, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho rằng, luật sư khi viết bài báo cần phải phản ánh, tôn trọng đúng sự thật khách quan, thực tế, diễn biến thực tế.
Điều này được quy định tại Mục 31.1 Quy tắc 31 Bộ Quy tắc đạo đức. Theo đó, khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan.
Khi luật sư viết bài báo có thể gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức, thậm chí tác động và gây nên các hậu quả pháp lý liên quan. Do vậy, người luật sư cần phải có sự chọn lọc thông tin, nhận thức đúng đắn về các nguồn thông tin để có hành vi ứng xử phù hợp, tránh bị lợi dụng, dẫn dắt hoặc cố tình lạm dụng các phương tiện thông tin đại chúng cho các mục đích không chính đáng, vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư, gây hiểu lầm hoặc hậu quả xấu về đạo đức xã hội.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, luật sư viết bài cũng cần có thái độ chuẩn mực, tôn trọng, có tinh thần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng khi các cơ quan này có yêu cầu cung cấp thông tin. Lúc này, luật sư phải cân nhắc thận trọng, lựa chọn thông tin để cung cấp hợp lý, phù hợp nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin và quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Tiếp đó, luật sư Hùng cho rằng, khi viết bài cần phải tuân thủ quy định pháp luật, quy tắc, đạo đức hành nghề luật sư. Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan là nghĩa vụ, trách nhiệm của người luật sư trong cuộc sống, trong nghề nghiệp và trong quan hệ với cơ quan báo chí.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn luật sư Tp.Hà Nội).
Bên cạnh đó, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam tại Quy tắc 31 quy định về thông tin, truyền thông đã nêu rõ: “Luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng”.
Thông thường khi nghĩ đến luật sư mọi người sẽ nghĩ đến đó là người đại diện cho sự thật, công bằng, lẽ phải từ đó việc viết bài của luật sư trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ có sức ảnh hưởng lớn, dễ dàng tác động đến hành vi và ứng xử trong xã hội, góp phần định hướng tư tưởng xã hội.
Do vậy, mỗi người luật sư cần ý thức về chức năng xã hội của mình, phải cân nhắc và điều chỉnh các bài viết trên phương tiện thông tin đại chúng theo hướng trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ công lý, công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền.
Điều này không có nghĩa luật sư chỉ viết theo luật mà trong nhiều vụ việc thực tế các luật sư cũng có thể đưa ra các quan điểm, góc nhìn dựa trên các yếu tố nhân văn, phù hợp thực tế, có tình có lý nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc không trái quy định pháp luật.
Điều đặc biệt, theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng các bài viết của luật sư cần đảm bảo trong việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đặc thù trong nghề nghiệp của luật sư là người bảo vệ, giúp đỡ về mặt pháp lý cho người dân, đây là một trong những quyền cơ bản của con người được pháp luật đảm bảo và cụ thể là quyền tự bào chữa và nhờ luật sư, người khác bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Những bài viết luật sư phản ánh các sai phạm đã đóng vai trò lớn trong cải thiện chất lượng hoạt động tố tụng bao gồm điều tra, truy tố, xét xử.
Thông qua sự tham gia của luật sư trong các hoạt động này, đặc biệt ở giai đoạn xét xử đã nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa giúp hạn chế oan, sai, những vi phạm khác trong hoạt động tư pháp và đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Như vậy, khi luật sư viết báo với tinh thần trách nhiệm và tuân thủ các chuẩn mực cốt lõi không chỉ góp phần nâng cao chất lượng thông tin mà còn thể hiện được vai trò quan trọng của luật sư trong việc bảo vệ công lý và quyền lợi của người dân. Từ đó củng cố thêm vị thế của ngành luật trong xã hội và tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật .