Những chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 9/2022

Chia sẻ Facebook
30/08/2022 10:36:42

Tháng 9/2022 đánh dấu thời điểm có hiệu lực của hàng loạt các chính sách pháp luật mới.

Không được cải tạo xe limousine từ xe 16 chỗ chở khách

Từ ngày 1/9/2022, Nghị định 47/2022/NĐ-CP ban hành ngày 19/7/2022 quy định không được sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (tính cả lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách.

Như vậy, có thể nói rằng, đối với xe 16 chỗ sẽ không được cải tạo thành xe dưới 10 chỗ dạng limousine chở khách. Đối với những xe đã được cải tạo và cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1/9/2022, thì vẫn được tiếp tục sử dụng để chở khách cho đến khi hết niên hạn sử dụng.

Những xe limousine được cải tạo từ ngày này sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.

Quy định mới về nhập khẩu xe ô tô không nhằm mục đích thương mại

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2022/TT-BTC ngày 27/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.

Thông tư số 45/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định về "Điều kiện xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu". Cụ thể, xe gắn máy phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy (QCVN 14:2015/BGTVT).

Chính sách quản lý xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư có hiệu lực từ 10/9/2022.

Quy định mới về quản lý ngoại hối đối với phát hành trái phiếu quốc tế

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2022/TT-NHNN ban hành ngày 29/7/2022 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Thông tư này quy định về thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; các nội dung khác về quản lý ngoại hối liên quan đến khoản vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Thông tư nêu rõ cơ sở để xem xét, xác nhận đăng ký khoản phát hành trái phiếu quốc tế là giá trị khoản phát hành trái phiếu quốc tế nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay, tự trả hàng năm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức phát hành tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành về điều kiện vay nước ngoài, quản lý ngoại hối đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, các quy định hiện hành của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2022.

Quy định mới về giá tính thuế GTGT chuyển nhượng bất động sản

Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng. Trong đó, có quy định mới về giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Nghị định số 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, Điều 4, Nghị định số 209/2013/NĐ-CP. Theo đó, đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) là giá chuyển nhượng bất động sản trừ giá đất được trừ để tính thuế GTGT.

Cụ thể, từ ngày 12/9/2022, giá đất được trừ để tính thuế GTGT đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế GTGT bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).


Hạn cuối nộp gia hạn tiền nộp thuế và thuế đất

Đây là nội dung được hướng dẫn bởi Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.


Cụ thể theo Điều 5 Nghị định 34, tổ chức, cá nhân được gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2022 phải trực tiếp kê khai, gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo mẫu quy định cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông phương thức điện tử; gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không nộp cùng thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc quý) thì hạn nộp chậm nhất là ngày 30/9/2022. Còn nếu gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau ngày 30/9/2022, người nộp thuế sẽ không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

Chia sẻ Facebook