Những cây cầu nào sẽ bắc qua sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông?
Những cây cầu nào sẽ bắc qua sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông?
UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, sẽ có 11 cây cầu được bắc qua sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông.
Cụ thể, trên sông Sài Gòn sẽ có 3 cầu kết nối Tây Ninh với Bình Dương (nâng tổng số cầu bắc qua sông Sài Gòn là 6 cầu), bao gồm cầu Cây Me trên Quốc lộ 56B; Cầu Phước Đông kết nối đường trục chính KCN Phước Đông - Bời Lời đến đường tỉnh 744 (Bình Dương); Cầu Thanh An trên đường Hồ Chí Minh.
Trên sông Vàm Cỏ Đông, tỉnh sẽ đầu tư mới 8 cầu (nâng tổng số cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông là 15), bao gồm cầu Băng Dung trên đường huyện, kết nối xã Biên Giới với xã Phước Vinh, huyện Châu Thành;
Cầu Bến Trường trên đường huyện, kết nối xã Hoà Hội với xã Hảo Đước, huyện Châu Thành; Cầu Ninh Điền trên tuyến quy hoạch mới đường tỉnh 796B, kết nối xã Ninh Điền với xã Thanh Điền, huyện Châu Thành;
Cầu Trường Đông trên tuyến quy hoạch mới đường 786C, kết nối xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành với xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành; Cầu Thạnh Đức trên tuyến quy hoạch mới đường 789B, kết nối thị trấn Bến Cầu với xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu;
Cầu Hiệp Thạnh trên tuyến quy hoạch mới đường 782B, kết nối xã Lợi Thuận với xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu; Cầu trên đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài; Cầu Phước Chỉ - Lộc Giang trên tuyến đường huyện, kết nối xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An với xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới sẽ được nối thông các tuyến, phá thế chia cắt tự nhiên bởi sông, rạch, kênh thuỷ lợi, tạo mạng lưới liên hoàn, thông suốt, an toàn. Cùng với đó, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh; phát triển hệ thống cảng hành khách để khai thác vận tải hành khách du lịch đường thuỷ nội địa, kết hợp du lịch sinh thái.