Những câu chuyện phía sau các lần tác nghiệp ở chốn pháp đình

Chia sẻ Facebook
21/06/2023 10:08:17

Nhắc đến “toà án” người ta thường nghĩ đến sự trừng phạt, trả giá,..Không ai biết rằng sau mỗi vụ án có những câu chuyện bên lề khiến nhiều người phải suy ngẫm.


Những câu chuyện cảm động bên lề

Làm phóng viên pháp đình viết về những vụ án ở toà, người cầm bút không chỉ có nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật mà còn giúp người dân cảnh tỉnh, tránh xa những hành vi phạm pháp. Đồng thời khơi gợi sự bao dung của con người đối với con người,…qua đó giúp bạn đọc có một góc nhìn khác nhân văn hơn.

Gần 10 năm gắn bó với mảng pháp luật, tham gia hàng trăm phiên toà lớn nhỏ, mỗi phiên toà đều để lại cho tôi những ký ức, cung bậc cảm xúc riêng. Có thể, trong phiên toà xét xử chỉ xoay quanh cáo trạng truy tố và những người liên quan đến vụ án. Nhưng ở phía dưới phòng xử án, ngoài hành lang, sân toà, quán nước…đó là nơi chúng tôi nghe được những câu chuyện bên lề từ chính người thân, hàng xóm,…của những bị cáo và bị hại.

Năm đầu khi mới tiếp cận với mảng pháp luật nói chung và mảng pháp đình nói riêng, tôi chỉ quan tâm đến nội dung vụ án trong cáo trạng và bản án được tuyên. Để theo dõi một phiên toà kéo dài trong một buổi, thậm chí là vài ngày thường luôn căng thẳng và mệt mỏi. Tuy nhiên,  khi tiếp xúc với những người thân, hàng xóm,…thì có nhiều câu chuyện hay bên lề để khai thác, có những thông tin không nằm trong cáo trạng được hé lộ. Từ đó, chúng tôi sử dụng ngòi bút để truyền tải đến thông tin bạn đọc một cách khách quan, hướng đến những điều tốt đẹp và chạm đến trái tim của bạn đọc.

Thẩm phán, hội thẩm, nhà báo,…gửi món quà nhỏ động viên 3 đứa con nhỏ của bị cáo Mò.

Tôi còn nhớ một phiên toà cuối năm 2022 khiến nhiều người phải suy ngẫm nhiều. Chính việc làm sai trái của người mẹ khiến cho 3 đứa trẻ phải chịu thiệt thòi nhiều. Đó là phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Và Y Mò, 34 tuổi, trú xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Ngày đông rét mướt, 3 đứa trẻ T.Y.X (12 tuổi), T.Y.B. (7 tuổi) và T.Y.H. (3 tuổi), trú tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, con của Mò theo ông bà và người thân vượt hàng trăm km xuống Tp.Vinh tham dự phiên toà với mong muốn được đoàn tụ với mẹ. Khuôn mặt chúng tái mét vì lạnh. Ba đứa trẻ ngoan ngoãn chơi ở sân toà để đợi đến giờ xét xử.

Khi phiên toà bắt đầu, người nhà của Mò không biết nên cứ ở ngoài sân toà đợi. Chỉ đến khi phiên toà gần kết thúc, họ mới biết và đưa theo 3 đứa trẻ vào trong. Tuy nhiên, do quy định trẻ em dưới 16 tuổi không được tham dự phiên toà nên X. đành bế em chờ ở ngoài cửa. Nhìn thấy mẹ, nước mắt 3 đứa nhỏ tuôn rơi.


Trong khi 2 đứa lớn khóc nức nghẹn thì cô em út hồn nhiên chỉ trỏ về hướng mẹ mình đang đứng… Con khóc, nữ bị cáo cũng khóc, người thân cũng vậy… Theo bố của Mò, vợ chồng bị cáo có 3 con. Hai đứa đầu gửi ông bà ngoại còn đứa nhỏ thì theo bố mẹ đi vào miền Nam làm công nhân. Đợt Covid-19 , vợ chồng Mò và đứa nhỏ đi xe máy về quê. Khi dịch được khống chế, vợ chồng Mò bàn nhau vào Bình Dương để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, Mò bảo với chồng đi trước, còn mình ở lại lo cho con đi học ổn định, rồi vào sau. Tuy nhiên, Mò chưa kịp vào với chồng thì đã bị công an bắt.


Người mẹ phạm tội phải chịu bản án của pháp luật nhưng hình ảnh 3 đứa trẻ đứng khóc ở hàng lang phòng xử án khiến nhiều người nghẹn lòng. Kết thúc phiên toà, 3 đứa trẻ ngồi trước cửa phòng xử để đợi mẹ. Thấy mẹ bị cán bộ công an giải đi, chúng một lần nữa rơi nước mắt. Nhìn 3 đứa nhỏ, thẩm phán, hội thẩm, luật sư, phóng viên, nhà báo,…có mặt tại phiên toà nán lại động viên tinh thần và gửi những món quà nhỏ đến các em. Ba đứa nhỏ ngoan ngoãn cảm ơn những người xa lạ này rồi theo người thân trở về nhà.

Trước đó, dù cuộc sống khó khăn nhưng khi có mẹ bên cạnh chúng, các con của Mò cũng có những nụ cười hạnh phúc. Dù nghèo khó chúng vẫn được mẹ lo cho từng bữa ăn giấc ngủ. Mò đã tự đánh mất quyền được chăm sóc nuôi dưỡng con. Có lẽ phải 20 năm nữa, khi thi hành án xong,  Mò mới trở về làm tốt tránh nhiệm của người mẹ. Không biết, trong thời gian đó, 3 đứa nhỏ sẽ thế nào khi thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ,…


Là chất liệu cho bài pháp đình mềm mại và nhân văn

Những câu chuyện ngoài lề giúp cho phóng viên có bài viết mềm mại và đặc biệt truyền tải đến người đọc thông tin đa chiều, nhân văn hơn. Phóng viên pháp đình như chúng tôi thường đùa với nhau, có những phiên toà tiền nhuận bút cũng không đủ bù vào tiền gửi quà động viên những người thân của bị cáo và bị hại.  Bởi có những hoàn cảnh khiến chúng tôi không thể kìm được lòng. Muốn gửi một chút tình cảm vào đó để an ủi họ vượt qua nỗi đau do các bị cáo mang lại.

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hồng, SN 1985, trú tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cũng khiến chúng tôi xót xa khi chứng kiến cảnh cha mẹ bệnh tật, “gần đất, xa trời” gắng gượng từ bệnh viện sang động viên tinh thần cho con. Bố của Hồng mắc bệnh u não, mẹ thì mắc căn bệnh K tuyến giáp. Hai ông bà đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Nghe những lời dặn dò của người mẹ dành cho Hồng khiến chúng tôi chạnh lòng. Người mẹ già ấy dặn Hồng cố gắng cải tạo tốt. “Bố vừa trải qua cuộc phẫu thuật u não. Con cố gắng cải tạo, về chưa chắc gặp lại bố mẹ đâu,...”, nói đoạn người mẹ Hồng bật khóc.

Phóng viên Hoàng Lam dìu bố mẹ ốm yếu của bị cáo Hồng ra xe về bệnh viện.

Vì sợ chồng sức khoẻ yếu mệt nên bà T. (mẹ Hồng) bàn chồng quay lại bệnh viện. Tuy nhiên, ông K. (bố Hồng) bảo mình vẫn ổn chờ thêm tý xem con bị tuyên mức án mấy năm. Nhìn ông bà yếu ớt, đỏ hoe mắt vì Hồng, nhiều người có mặt tại phiên toà thấy xót xa. “Để có tiền chữa bệnh cho ông, trâu bò và mảnh vườn tôi cũng bán hết rồi”, bà T. nghẹn giọng nói.


Bản án vô thời hạn là cái giá quá đắt Hồng phải trả cho hành vi phạm tội của mình. Với bản án này, đường về của Hồng trở nên mịt mù hơn bao giờ hết. Cơ hội phụng dưỡng bố mẹ già của Hồng chắc có lẽ cũng không còn nữa. Nhìn thấy ông bà dìu nhau khó khăn ra về, phóng viên Hoàng Lam (báo Dân trí ) đã hỗ trợ ông bà ra xe và trả tiền taxi cho ông bà về bệnh viện. Món quà nhỏ đó không thấm tháp vào đâu nhưng họ cũng cảm nhận được sự ấm áp.

Những câu chuyện ngoài lề phiên toà chính là chất liệu khiến cho bài biết của tôi mềm mại và nhân văn hơn. Và mỗi phiên toà sẽ có những câu chuyện riêng khiến cho bạn đọc cần phải suy ngẫm.

Chia sẻ Facebook