Những câu chuyện kỳ thú và đáng buồn nhất về các loài động vật trong không gian

Chia sẻ Facebook
08/08/2022 08:08:35

Con người đã đưa động vật lên vũ trụ trong gần 75 năm, bao gồm đủ các giống loài như khỉ, nhện, cá, mèo, vi khuẩn...

Chó Laika trên tàu Sputnik 2 trước khi được phóng vào năm 1957.

Liên Xô đã gửi một vài chú chó lên vũ trụ trong những năm đầu xây dựng chương trình không gian, bao gồm cả Laika - con vật đầu tiên từng được đưa lên quỹ đạo Trái đất. Laika đã chết trong nhiệm vụ "một chiều" này. Những thí nghiệm này về cơ bản trông khá "thô thiển" theo các tiêu chuẩn ngày nay, vì Laika, về bản chất là một con chó lang thang được nhặt ngoài đường, sau đó đưa vào trung tâm huấn luyện.


Trước sứ mệnh Laika năm 1957, Liên Xô đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm đưa động vật lên độ cao lớn với chó. Năm 1951, một con chó tên là Smelaya đã bỏ chạy một ngày trước khi được phóng theo lịch trình, và nó được cho là có thể đã bị ăn thịt bởi những con sói sống gần khu vực đó. May mắn rằng Smelaya đã quay trở lại vào ngày hôm sau, và chuyến bay thử nghiệm đã thành công. Cuối năm đó, một chú chó tên Bobik cũng trốn thoát, nhưng lần này nó không quay trở lại. Nhưng những người lên kế hoạch cho nhiệm vụ này đã tìm thấy một kẻ thay thế, đó là một chú chó đang đi lang thang gần một quán rượu ở địa phương. Nhóm đã đặt tên cho nó là ZIB - từ viết tắt của “Người thay thế cho chú chó mất tích Bobik” trong tiếng Nga. Và đây là ví dụ kinh điển về việc đi chơi ở quán bar vào một ngày và sau đó thấy mình được phóng lên độ cao 100 km vào hôm sau.

4 con chuột trong nhiệm vụ Discoverer 3.

Những con chuột đầu tiên được đưa lên không gian vào những năm 1950, nhưng các sứ mệnh ban đầu này thường kết thúc trong thảm họa. Năm 1959, Không quân Hoa Kỳ đã thực hiện một nỗ lực phóng từ Căn cứ Không quân Vandenberg nhưng sau đó các cảm biến không phát hiện được dấu hiệu của sự sống trong viên nang Discoverer 3. Bốn con chuột được tìm thấy đã chết, do các kỹ sư đã sử dụng quá liều một loại sơn để phun lên lồng của chúng. Những con chuột rõ ràng đã nhận thấy loại sơn này ngon hơn đám thức ăn công thức được cung cấp đi kèm.

Nỗ lực phóng thứ hai với đội chuột dự phòng cũng đã thất bại, khi các cảm biến ghi nhận độ ẩm 100% bên trong khoang chứa. Nhưng theo NASA, do các cảm biến được đặt dưới lồng, nên chúng đã “không thể phân biệt được sự khác biệt giữa nước và nước tiểu chuột”. Vụ phóng sau đó được tiến hành khi đám nước tiểu chuột khô đi. Nhưng tên lửa đã phóng thất bại, và phần trên cùng với bốn con chuột đã lao xuống Thái Bình Dương.

Con tinh tinh non với những người huấn luyện ở trung tâm phóng Mũi Canaveral, Florida, Mỹ.

Ham là tên của con tinh tinh đầu tiên bay vào không gian, vào ngày 31/1/1961. Mục tiêu chính của sứ mệnh Mercury-Redstone do NASA thực hiện là nhằm xác định xem động vật có thể thực hiện các nhiệm vụ trong không gian hay không. Ham khi đó mới 2 tuổi khi bắt đầu tham gia khóa đào tạo, đã được dạy cách di chuyển đòn bẩy để nhận phần thưởng dưới dạng các viên chuối và tránh bị trừng phạt bằng hình thức giật điện vào chân. Nhưng chú tinh tinh trẻ đã thể hiện rất xuất sắc và hoàn thành thử thách dưới áp lực đơn độc giữa không gian cũng như trạng thái không trọng lực.

Nhiệm vụ này thành công đã tạo tiền đề cho Alan Shepard, người sau đó trở thành công dân Mỹ đầu tiên lên không gian vào năm 1961. Ham sau đó sống phần đời còn lại của mình trong các vườn thú.

Félicette trước chuyến bay lịch sử.

Vào ngày 18/10/1963, chương trình không gian của Pháp đã phóng Félicette - một con mèo Ba Tư - vào không gian. Các điện cực được cấy vào hộp sọ của con mèo để theo dõi hoạt động thần kinh và kích hoạt các phản ứng thể chất. Và khá ngạc nhiên là cho tới nay, Félicette vẫn là con mèo duy nhất được đưa lên vũ trụ thành công. Nó đã có 15 phút bay trên quỹ đạo, ở độ cao gần 160km, sau đó trở lại Trái Đất an toàn. Nhưng sau chuyến bay, các nhà khoa học đã cho nó hưởng một "cái chết êm ái" để có thể nghiên cứu não của nó.

Vào năm 2017, một chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng đã thành công trong việc xây dựng một đài tưởng niệm cho Félicette. Đó là một bức tượng bằng đồng mô tả con mèo “đang ngồi trên Trái đất, nhìn lên bầu trời nơi mà nó từng đi qua”. Bức tượng hiện được đặt tại Đại học Không gian Quốc tế ở Pháp.

Veterok và Ugolyok.

Vào tháng 2/1966, chương trình không gian của Liên Xô đã đưa hai chú chó là Veterok và Ugolyok ra ngoài vành đai bức xạ Van Allen để nghiên cứu các tác động kéo dài của du hành vũ trụ cũng như các tác động có hại của bức xạ. Những con chó đã ở trong không gian 21 ngày. Khi trở về, chúng bị mất nước và sụt cân. Cả Veterok và Ugolyok cũng có biểu hiện suy yếu tuần hoàn, teo cơ và mất khả năng phối hợp. Cả hai đã mất cả tháng để hồi phục. Đây cũng là các dấu hiệu ban đầu cho thấy việc ở lâu trong không gian có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Một "vườn thú" đã bay quanh Mặt trăng.

Trong sứ mệnh Zond 5 của Liên Xô, một loạt sinh vật sống đã thực hiện một chuyến đi lịch sử quanh Mặt trăng và quay trở lại. Thực hiện vào năm 1968, "vườn thú" bao gồm một cặp rùa Steppe, hàng trăm trứng ruồi giấm, sâu, thực vật (bao gồm các tế bào được sấy khô của cà rốt, cà chua, đậu Hà Lan, lúa mì và lúa mạch), hạt giống, vi khuẩn và các sinh vật khác. Không có sinh vật sống nào từng mạo hiểm bay xa vào không gian như vậy ở thời điểm đó, và nhiệm vụ đã kết thúc thành công với viên nang rơi xuống Ấn Độ Dương. Những con rùa vẫn còn sống khi đáp xuống Trái đất. Kết quả mổ xẻ chúng sau đó cho thấy sau “39 ngày nhịn ăn”, những thay đổi cấu trúc chính của lũ rùa là do bị bỏ đói chứ không phải bởi chuyến bay.


Một nhiệm vụ tương tự được thực hiện vào cuối năm đó, nhưng đã gặp phải sự cố bất thường dẫn đến mất áp suất trong cabin và làm chết tất cả các mẫu vật sinh học.

Những con cá đầu tiên bay vào không gian.


Những con cá nhỏ bé, cùng với một lứa cá phát triển từ phôi thai đã được NASA đưa lên vũ trụ. Những con nhum (tên khoa học Fundulus heteorclitus), đã thể hiện hành vi bơi lội kỳ lạ, di chuyển theo vòng lặp trong không gian. Theo NASA, có vẻ như những con cá phản ứng với ánh sáng (tức là tín hiệu thị giác) trong điều kiện không có trọng lực. Chúng sau đó đã được gửi đến Skylab vào năm 1973. Các nhà khoa học nhờ đó tìm cách nghiên cứu các cách thức mà chức năng tiền đình, nơi kiểm soát sự cân bằng trong trọng lực bình thường, có thể bị tổn hại trong không gian.

Chiếc mạng đầu tiên của Arabella có vấn đề, nhưng những cái sau thì không.

Năm 1973, Anita và Arabella, hai con nhện chữ thập (Araneus diadematus) đã được lên vũ trụ để chăng mạng. Lúc đầu, cả hai con nhện đều gặp khó khăn với tình trạng không trọng lực, loay hoay với việc di chuyển và tạo ra những cái mạng hỗn độn. Nhưng chúng nhanh chóng học được thứ gì đó và cả Anita và Arabella đã giỏi hơn trong việc dệt mạng sau đó. Mọi thứ ngày càng trở nên mượt mà và không khác gì những tác phẩm được tạo ra trên Trái đất.

Những con giun tròn C. elegans, đang trải qua cuộc thử nghiệm trên Tàu con thoi.

Tất cả bảy thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng trong thảm họa tàu con thoi Columbia năm 2003. Nhưng, những con giun tròn bên trong thùng chứa của con tàu đã sống sót sau thảm họa. Dung dịch dinh dưỡng mà chúng được lưu trữ bên trong đã đóng vai trò như một tấm chắn, cũng như vật chứa để giữ chúng sống sót. Những chiếc hộp chứa chúng đã rơi từ trên trời xuống sau vụ nổ, hạ cánh xuống một nơi nào đó ở phía đông Texas, cùng với các mảnh vỡ chính của tàu con thoi. Những con giun này sau đó đã tạo ra tới 5 thế hệ, trong vài tháng sau vụ tai nạn.

Gấu nước dưới kính hiển vi.


Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, một nhóm gấu nước (tardigrades) đã có thể sống sót sau 10 ngày tiếp xúc với không gian mở trên vũ trụ. Thí nghiệm xảy ra vào năm 2007 trong khuôn khổ sứ mệnh FOTON-M3 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Gấu nước, vốn được biết tới là loài có khả năng sinh tồn mạnh nhất trên Trái đất, đã chứng minh khả năng này vẫn hữu ích cả ở ngoài vũ trụ. Ingemar Jönsson, trưởng dự án, cho biết: “Môi trường mở ngoài vũ trụ có thể dẫn tới mất nước và hàng loạt bức xạ độc hại, nhưng đó không phải là vấn đề đối với gấu nước".

Một con dơi bám vào thùng nhiên liệu của Tàu con thoi vào năm 2009.

Khi tàu con thoi Discovery chuẩn bị phóng cho sứ mệnh STS-119 vào tháng 3/2009, những người điều khiển trên mặt đất nhận thấy có một con dơi đang bám vào bên ngoài của thùng nhiên liệu. Khi xem xét các hình ảnh, các chuyên gia động vật hoang dã tin rằng con dơi bị gãy một cánh và đang gặp vấn đề ở vai hoặc cổ tay bên phải. Các nhân viên kiểm soát mặt đất hy vọng nó sẽ tự bay đi hoặc buông tay rơi xuống, nhưng con dơi vẫn ở nguyên vị trí cho tới khi phóng. Số phận cuối cùng của con dơi không bao giờ được xác định, nhưng về cơ bản đầy khó có khả năng là một kết thúc có hậu.


Tham khảo Gizmodo

Chia sẻ Facebook