Những cái chết thương tâm
Theo thống kê mấy tháng gần đây cho thấy trẻ em bị đuối nước khắp cả nước tăng lên rất nhanh, cao bất thường so với những năm trước.
Trước tình trạng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống đuối nước trẻ em và ngay sau đó Bộ GD-ĐT cũng có công văn hỏa tốc gửi cho sở GD-ĐT các tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Thật ra tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, đã có nhiều giải pháp nhưng do thực hiện chưa triệt để nên năm nào cũng tái diễn.
Trước tiên, trách nhiệm chính phải thuộc về các trường học bởi vì tính ra số thời gian trẻ sống ở trường vẫn chiếm nhiều nhất.
Có một thực tế là nhà trường chúng ta dạy cho học sinh quá nhiều thứ, nhưng những kỹ năng sống cơ bản lại bị coi nhẹ, trong đó phải kể đến các kỹ năng như bơi, tự vệ khi bị xâm hại, tự thoát hiểm khi có hỏa hoạn, động đất, tự biết tìm đường khi bị lạc, kỹ năng thông tin trong trường hợp nguy hiểm và cả kỹ năng cứu giúp nhau khi sự cố xảy ra…
Vẫn biết các trường ở Việt Nam có diện tích nhỏ hẹp cho nên việc xây dựng hồ bơi gặp khó khăn, nhưng đến lúc cần phải làm và đưa vào thành tiêu chuẩn bắt buộc khi xây dựng một trường mới. Với các trường đã có tuổi đời lâu, có thể tùy theo điều kiện mà xây dựng hồ bơi của một trường hay liên trường, hoặc Chính phủ xây dựng những hồ bơi dành riêng cho các trường ở một nơi thuận lợi dùng chung cho nhiều trường.
Ngoài ra, các tổ chức xã hội phải vào cuộc một cách thực chất, không nên hô hào suông. Ở một số xã đã xuất hiện các nhà hảo tâm, một số thanh niên tự tổ chức các lớp dạy bơi, tự bỏ tiền ra làm hồ nước.
Đó là tín hiệu tốt, nhưng do làm tự phát, kinh phí hạn hẹp và chủ yếu dạy theo kinh nghiệm nên kết quả còn hạn chế. Nếu chính quyền các cấp hỗ trợ kinh phí, các thiết bị kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý, cử người giúp đỡ về chuyên môn và giáo án thì sẽ nâng cao được số lượng, chất lượng đào tạo và giúp giảm tải cho các trường học.
Trẻ em các vùng cao chết đuối còn do sơ suất của người lớn. Nhiều dự án xây dựng đào đất, đá tạo nên những hồ nước lớn; nhiều gia đình làm hồ chứa nước tưới cây, làm hồ nuôi tôm, làm kênh mương dẫn nước trồng trọt nhưng không hề có rào chắn, biển báo và người trông coi dẫn đến những cái chết thương tâm khi trẻ con bị trượt chân hay tự ý đi tắm.
Cơ quan công quyền cần có những quy định chặt chẽ hơn và chế tài mạnh tay với những dự án mà chủ đầu tư vô tâm trong việc tạo ra những hố nước sâu nhưng lơ là trong việc bảo vệ, cảnh báo. Bên cạnh đó, các gia đình cũng phải tự ý thức trong việc bảo vệ các con mình, khi đi làm phải gửi gắm người thân, bà con xóm giềng, cho các cháu học bơi ngay từ nhỏ.
Cuối cùng, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là trẻ em nông thôn, vùng cao thiếu chỗ chơi cho nên coi việc tắm sông, hồ là một thú vui. Các hội đoàn như đoàn thanh niên, hội phụ nữ có thể bớt những hoạt động phong trào bề nổi để dành kinh phí tổ chức các điểm vui chơi, các CLB cho các cháu.
Trẻ con cần chỗ học, chỗ chơi an toàn mà nếu không được như thế thì tình trạng đuối nước sẽ không giảm, điệp khúc làm gì để giảm tai nạn này năm nào cũng được nhắc lại, còn danh sách các gia đình mất con mất cháu cứ dài thêm ra.
Cuối tháng 3 đến nay, Đắk Lắk xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 16 trẻ em thiệt mạng. Vùng ĐBSCL, An Giang năm 2021 có 12 trường hợp và quý 1-2022 có bốn trường hợp trẻ đuối nước. Tiền Giang từ năm 2021 đến nay có 13 trẻ em đuối nước...